APEC và câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm

APEC và câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm

Hôm nay (10/11), 20 kiến nghị, trong đó có 4 ưu tiên của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) gửi tới các nhà lãnh đạo APEC sẽ lên bàn thảo luận tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC và ABAC. Ngày mai, phiên họp được chờ đợi nhất trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - phiên họp của các nhà lãnh đạo APEC sẽ bắt đầu.

Các vấn đề mà những CEO hàng đầu thế giới và khu vực đã và tiếp tục đặt ra về các biện pháp thúc đẩy tự do thương mại, hội nhập khu vực; hỗ trợ doanh nghiệpnhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỹ thuật số... chắc chắn sẽ được định hình rõ nét hơn sau các cuộc thảo luận đỉnh cao.

Đây có thể còn là thời điểm lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các tập đoàn toàn cầu bàn thảo về những nền tảng, thiết kế mới của toàn cầu hóa, liên kết khu vực, của phát triển bền vững và bao trùm khi thế giới bắt đầu bước vào kỷ nguyên số và công nghệ.

Lý do là sau gần 3 thập niên phát triển, dù là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai, nhưng APEC đang đứng trước nhiều thách thức.

Đó là tình trạng “bình thường mới” với đà tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng năng suất thấp và tình trạng bất bình đẳng gia tăng, khiến chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy, gây ra nhiều trở lực cho quá trình toàn cầu hóa.

Trong lúc này, APEC đang cần một động lực mới thúc đẩy tăng trưởng của các thành viên trong bối cảnh mới. APEC cũng đang cần tầm nhìn sau năm 2020, khi Diễn đàn bước vào thập kỷ thứ tư. Cộng đồng kinh doanh APEC đang muốn nhìn thấy động lực này một cách rõ nét, để xây dựng chiến lược kinh doanh cho giai đoạn trước năm 2020 và cho thập kỷ tới.

Suy cho cùng, APEC ở một góc độ khác, chính là kinh doanh, các hoạt động đều gắn với doanh nghiệp. Ngay cả sáng kiến phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính của chủ nhà Việt Nam, dù nhận được sự đồng thuận lớn của các thành viên APEC, nhưng rất cần sự chung tay của doanh nghiệp để thực hiện. Hơn thế, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp được xem là động lực chính của sự phát triển của các nền kinh tế APEC và thế giới thời gian qua cũng như những năm tới.

Trong bài phát biểu trước cộng đồng kinh doanh APEC tại Hội nghị APEC CEO Summit 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh rằng, chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và đặt trách nhiệm lên giới kinh doanh.

Câu chuyện này sẽ không thể viết trọn nếu cộng đồng doanh nghiệp không gắn chiến lược đầu tư - kinh doanh với trách nhiệm xã hội, với ý thức đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu...

Tại APEC CEO Summit 2017, cộng đồng kinh doanh APEC đã cam kết sẽ đồng hành với các nhà lãnh đạo APEC trong những nỗ lực phát triển để tiếp tục viết lên những câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm. Nhưng, câu chuyện sẽ được viết như thế nào, động lực mới của APEC là gì... đang đợi những quyết sách cụ thể từ các nhà lãnh đạo APEC.

Tin bài liên quan