Trong tiến trình hội nhập, vị trí, vai trò của Việt Nam ngày càng được xác lập rõ, từ địa - chính trị có tính chiến lược, phát triển kinh tế, đến kết nối với khu vực và thế giới.. Ảnh: Nam Khánh

Trong tiến trình hội nhập, vị trí, vai trò của Việt Nam ngày càng được xác lập rõ, từ địa - chính trị có tính chiến lược, phát triển kinh tế, đến kết nối với khu vực và thế giới.. Ảnh: Nam Khánh

APEC 2017 - Dấu ấn Việt Nam trong dòng chảy hội nhập

Đối với Việt Nam, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam là cộng đồng được thụ hưởng nhiều nhất.

Dấu ấn Việt Nam

Việt Nam đăng cai APEC 2017 ở thời điểm đầy thách thức, nhưng cũng rất thú vị.

Theo thông lệ, Diễn đàn APEC được tổ chức luân phiên lần lượt tại mỗi nền kinh tếthành viên, theo nguyên tắc nếu năm nay tổ chức ở một nền kinh tế bên bờ Thái Bình Dương, thì năm sau địa điểm tổ chức sẽ là bờ bên kia.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đã có sự thay đổi về cách tổ chức với việc Việt Nam chỉ sau 11 năm, kể từ năm 2006, đã trở lại là nền kinh tế chủ nhà, đăng cai tổ chức Diễn đàn APEC 2017.

Nhưng đây lại là thời điểm tình hình thế giới và khu vực nổi lên nhiều diễn biến phức tạp, đan xen giữa trở ngại và xu thế, giữa khó khăn đang bề bộn và cơ hội phát triển tương lai. Trong khi việc hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 của APEC bước vào giai đoạn nước rút, không ít lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế khu vực nổi lên.

Đồng thời, APEC phải xử lý thích đáng hàng loạt vấn đề không đơn giản. Đó là tình trạng nghèo, thiếu việc làm và bất bình đẳng, cả về cơ hội và thu nhập, còn phổ biến. Đó là những vấn đề thương mại, đầu tư, phát triển gắn với những xu hướng mới về công nghệ, cách thức quản trị kinh doanh, đô thị hóa, dịch chuyển dân số và lao động và với cả tác động của biến đổi khí hậu, tương tác giữa các nước lớn, các định chế quốc tế…

APEC 2017 chính là dấu ấn cho thấy sự chủ động, tích cực của một Việt Nam tiếp tục đổi mới, cải cách và hội nhập.   

Đây cũng là lúc APEC phải bước vào chuẩn bị Tầm nhìn APEC sau 2020 mà trung tâm là liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ, gắn liền với yêu cầu tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo.

Chính vì vậy, APEC 2017 vừa là thử thách, vừa là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần có ý nghĩa trong thúc đẩy tăng trưởng và liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong một thế giới đầy biến động.

APEC 2017 chính là dấu ấn cho thấy sự chủ động, tích cực của một Việt Nam tiếp tục đổi mới, cải cách và hội nhập. Sự kiện này khẳng định tầm nhìn, vị thế của đất nước hình chữ S, vốn được nhìn nhận là nền kinh tế có trình độ phát triển tương đối thấp trong APEC, sau 11 năm kể từ lần đăng cai đầu tiên.

Kinh tế Việt Nam từ một nền kinh tế thu nhập thấp vào năm 2006 đã trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình, có nhiều thay đổi đáng kể về mặt cơ cấu kinh tế; định hướng và vai trò công nghiệp chế tác và dịch vụ tăng lên rõ rệt.

Mức độ hội nhập với thế giới của Việt Nam đã sâu rộng hơn rất nhiều. Nếu như năm 2006, Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì nay đã và đang thúc đẩy hội nhập toàn diện, thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện/chiến lược với hàng loạt quốc gia (trong đó có 13 thành viên APEC), kết thúc đàm phán và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTAs), có những FTAs chất lượng, yêu cầu rất cao (như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU).

Trong tiến trình hội nhập, vị trí, vai trò của Việt Nam ngày càng được xác lập rõ, từ địa - chính trị có tính chiến lược, phát triển kinh tế, đến kết nối với khu vực và thế giới. 

Năm 1998, Việt Nam gia nhập APEC là để học hỏi, để có thể hội nhập ở một tầm vóc lớn hơn. Năm 2006, Việt Nam trở thành chủ nhà của APEC để khẳng định Việt Nam thực sự sẵn sàng cho hội nhập và là một thành viên có trách nhiệm của APEC và cộng đồng quốc tế.

APEC 2017 - Dấu ấn Việt Nam trong dòng chảy hội nhập ảnh 1

Năm 2017, một lần nữa Việt Nam tổ chức APEC để chứng minh vai trò kết nối và đóng góp có ý nghĩa của Việt Nam cho tiến trình APEC vì sự liên kết, phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Đặc biệt, lần tổ chức này tại Việt Nam đang đặt ra yêu cầu giải những bài toán mới cho quá trình toàn cầu hóa. Đó là, làm thế nào để quá trình tự do hóa thương mại, đầu tư đem lại không chỉ là lợi ích tổng thể, mà còn phải có phân bổ lợi ích công bằng giữa các nền kinh tế, giữa các nhóm xã hội trong một nền kinh tế. Làm thế nào toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, đầu tư đáp ứng được những xu hướng mới, như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Cơ hội kinh doanh và tăng trưởng từ liên kết khu vực

APEC theo một nghĩa nào đấy chính là Business, tức là kinh doanh.

Bởi lẽ, bên cạnh những chủ đề, ưu tiên, các cuộc họp luôn là hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp. Hội nghị Thượng đỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) giúp doanh nghiệp khu vực kết nối với nhau, với lãnh đạo các nền kinh tế APEC qua đối thoại trực diện, thẳng thắn. Và đằng sau những cái bắt tay chào hỏi có thể là những hợp đồng, bản ghi nhớ được ký kết.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit 2017) với màu sắc Việt Nam là nét mới của APEC 2017 và cũng là cách làm rất thực tế, cơ hội lớn quảng bá cải cách, hội nhập của đất nước cũng như tiềm năng phát triển cùng nhiều dự án đầu tư để doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước xem xét, lựa chọn.

Cần nhắc lại, APEC 2017 luôn đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực thi các chiến lược hợp tác APEC đến năm 2020, nhất là Mục tiêu Bogor, Khung khổ Hợp tác dịch vụ và Lộ trình Năng lực cạnh tranh dịch vụ 2016 - 2025, Kế hoạch kết nối APEC 2016 - 2025, Kế hoạch Chiến lược tổng thể về thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, Nghiên cứu Chiến lược hình thành Khu vực FTAAP… và đặc biệt là Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC đối với ưu tiên này (2009 - 2015). Đó là chưa nói tới việc, APEC 2017 cũng cần đặt nền tảng thể chế cho công tác chuẩn bị Tầm nhìn APEC sau 2020.

APEC đang cần một động lực mới thúc đẩy tăng trưởng của các thành viên APEC trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và cả sự phát triển còn có nhiều khó khăn và gặp không ít trở ngại. Đó chính là lý do mà “Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng” là một ưu tiên của APEC 2017.

Lựa chọn ưu tiên này góp phần khẳng định vai trò tiên phong của APEC thúc đẩy liên kết kinh tế, điều phối thông tin các hiệp định thương mại khu vực và các hiệp định thương mại tự do (RTA/FTA), ủng hộ hệ thống thương mại đa phương (WTO). Điều này càng có ý nghĩa cả về thực tiễn và biểu tượng lớn lao khi chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng chống tự do hóa thương mại đang trỗi dậy ở không ít nơi trên thế giới và khu vực.

Việc xử lý thích đáng, trọn vẹn ưu tiên này không đơn giản do lợi ích chung và riêng, nhất là đối với các nền kinh tế lớn không phải lúc nào cũng đồng điệu.

Các nền kinh tế đang phát triển thì lo ngại về khả năng bị “gạt ra bên lề” trong tiến trình liên kết khu vực. Song nguy cơ phá vỡ sự ổn định và cân bằng lợi ích trong APEC sẽ tác động bất lợi đến mọi thành viên APEC và cả nền kinh tế khu vực, thế giới.

Dấu ấn Việt Nam cũng chính là việc cùng các thành viên APEC chuyển hóa ý tưởng, nội hàm gắn với chủ đề, các ưu tiên APEC 2017 thành hiện thực. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ vì tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo

Tin bài liên quan