Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,8% trong 8 tháng đầu năm.

Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,8% trong 8 tháng đầu năm.

8 tháng, nhiều ngành công nghiệp tăng trưởng tích cực

(ĐTCK) Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong 8 tháng năm 2017, sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, mức tăng trưởng gần tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 6,9% (cùng kỳ giảm 3,8%), trong đó khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,1%, khai thác than tăng 1,7%. Ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8% (cùng kỳ tăng 9,7%). Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 11,8%) và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,4%.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 8 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại tăng 21,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng10,1%…

Trong khi đó, một số ngành có mức tăng trưởng giảm hoặc tăng trưởng thấp ngoài khai khoáng, còn có sản xuất thuốc lá giảm 1,8%; sản xuất thuốc và hóa dược, dược liệu giảm 2,1%...

Các sản phẩm công nghiệp có xu hướng tăng trưởng cao từ đầu năm như sắt thép thô tăng 26,7%; thép cán tăng 23,9%; tivi tăng 34,4%; phân đạm ure tăng 19,6%… Trong khi một số sản phẩm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng giảm ngoài dầu thô và khí đốt, còn có ô tô giảm 4,5%...

Về tình hình hình tiêu thụ, Bộ Công thương cho biết, tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng 2017 tăng 9,5% cao hơn với so với mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại tăng 22,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,4%; dệt tăng 14,8%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,8…

Tuy nhiên, còn một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước như sản xuất đồ uống tăng 5,3%; sản phẩm thiết bị điện tăng 6,3%…

8 tháng, nhiều ngành công nghiệp tăng trưởng tích cực  ảnh 1

Khai thác dầu thô và khí đốt giảm 10,1% trong t8 tháng đầu năm, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp cả nước.

Liên quan đến tình trạng tồn kho, theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tính đến thời điểm tháng 8/2017, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với cùng thời điểm năm 2016, cao hơn so với mức tồn kho 8,9% của cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho của một số ngành giảm so với cùng kỳ như sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 26,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 23,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 16,4%. 

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất đồ uống tăng 62%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 55,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 25,3%...

8 tháng, nhiều ngành công nghiệp tăng trưởng tích cực  ảnh 2

Chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất xe có động cơ tăng khá trong 8 tháng đầu năm.

Nhận định chung về bức tranh sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2017, Bộ Công thương cho rằng, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngày càng được cải thiện, mức tăng trưởng của toàn ngành đã gần tương đương so với mức tăng cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá cao (cao hơn so với mức tăng cùng kỳ) và là động lực tăng trưởng chung của toàn ngành, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trường (hạn chế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên).

Nguyên nhân sản xuất công nghiệp tăng trưởng còn chậm chủ yếu do ngành khai khoáng sụt giảm sâu hơn so với cùng kỳ, giảm 6,9% (cùng kỳ giảm 3,8%) và ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 11,8%).

Dự báo trong các tháng cuối năm, Bộ Công thương nhận định, các ngành công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao để về về đích kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số ngành sẽ phải đối mặt với khó khăn như ngành dệt may, công nghiệp sản xuất thuốc lá, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp ô tô do áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, sự điều chỉnh các loại thuế theo lộ trình và dự kiến thay đổi chính sách thuế dẫn tới mức thuế thay đổi, thị trường tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm...

Tin bài liên quan