5 tháng, đầu tư nước ngoài vào Hà Nội đạt hơn 1 tỷ USD

Thành phố Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 1,056 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 12,54 nghìn tỷ đồng.
Chỉ số PCI của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ số PCI của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Hầu hết chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều tăng

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 và các tháng cuối năm 2020.

Theo đó, tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố về phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2020, đặc biệt là các công tác phòng chống dịch Covid-19 song song với khôi phục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đạt thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép được Chính phủ đề ra.

Sau khi dịch bệnh được kiềm chế, kiểm soát, Hà Nội đã bắt tay ngay vào các biện pháp tái khởi động sản xuất, kinh doanh, khôi phục nền kinh tế trong tình hình mới. Việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đạt 99,9% với số tiền khoảng 474,1 tỷ đồng, quá trình thực hiện chưa phát hiện có sai sót, tiêu cực. Công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đang được tiếp tục triển khai giai đoạn 2.

Thành phố đã xét duyệt cho vay từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 22.926 lao động với số tiền 1.009 tỷ đồng; duyệt trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 22.188 người với số tiền 496,2 tỷ đồng. UBND Thành phố cũng biểu dương một số quận: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm… đã thực hiện nghiêm túc việc vận động các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu mở cửa hoạt động sau 9h00 hằng ngày, đồng thời linh hoạt trong các biện pháp quản lý, kịp thời hỗ trợ người dân.

Ghi nhận bước đầu cho thấy mật độ phương tiện tham gia giao thông vào các giờ sáng đã giảm đáng kể, hạn chế cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố trong các giờ cao điểm. Các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Công Thương đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trở lại; đẩy mạnh chuẩn bị tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa của Thành phố trong 6 tháng cuối năm.

Đặc biệt, tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, hầu hết chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều tăng so với tháng 4, tuy nhiên, lũy kế 5 tháng nhiều chỉ tiêu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 12,3% so với tháng 4 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019; lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 2,6% (cùng kỳ tăng 7,1%). Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 5 tăng 20,9% so với tháng 4 và tăng 7,7% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 3,3% (cùng kỳ tăng 10,4%).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 4,7% so với tháng 4, giảm 13,7% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng giảm 8,5% (cùng kỳ tăng 6,8%). Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 tăng 2,8% so với tháng 4, giảm 18,4% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm giảm 13,5% (cùng kỳ tăng 3,6%).

Tổng doanh thu ngành vận tải, dịch vụ hỗ trợ tháng 5 tăng 34,7% so tháng 4, giảm 0,3% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm giảm 6,5% (cùng kỳ tăng 11,7%). Tổng lượng khách du lịch 5 tháng đầu năm giảm 65,5% (cùng kỳ tăng 4,7%), trong đó khách quốc tế giảm 64,8% (cùng kỳ tăng 4,4%).

Vụ Xuân diễn ra thuận lợi, lúa Xuân trà sớm chuẩn bị thu hoạch, năng suất ước đạt 59,2 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng kỳ. Chăn nuôi trâu, bò ổn định: đàn trâu tăng 1,7%, đàn bò tăng 0,4%. Đàn gia cầm tăng 9,1%. Đàn lợn bằng 80% so với cùng kỳ; việc tái đàn được đẩy mạnh.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm ước đạt 102.923 tỷ đồng, đạt 36,9% dự toán, bằng 94,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 19,2%). Chi ngân sách địa phương thực hiện 23.724 tỷ đồng, đạt 23% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 7.877 tỷ đồng, đạt 17,5% dự toán (cùng kỳ đạt 15,8%); chi thường xuyên 15.845 tỷ đồng, đạt 32,7% dự toán.

Thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 1,056 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 12,54 nghìn tỷ đồng. Có 10.034 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 147,29 nghìn tỷ đồng, giảm 13% về số lượng nhưng tăng 14% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; 1.019 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 16%); 5.928 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 39%); 2.877 doanh nghiệp hoạt động trở lại (bằng cùng kỳ năm 2019).

Chỉ số PCI tăng 3,4 điểm

Các chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 tiếp tục duy trì xếp hạng khá: Chỉ số PCI đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAR Index đạt 84,64%, năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Các chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) còn ở vị trí thấp: Chỉ số SIPAS đạt 80,09%, thấp hơn năm 2018 (83%) và xếp vị trí 52/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAPI đạt 41,53 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 bậc so với năm 2018.

Thành phố đã đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng. Đã hạ ngầm dây cáp tại 15 tuyến phố, tiếp tục thực hiện tại 04 tuyến phố. Triển khai đấu thầu các dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp. Các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 9.062 công trình (100% số công trình xây dựng), qua đó phát hiện, lập hồ sơ xử lý 176 trường hợp vi phạm (tỷ lệ 1,94%); UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 94/176 trường hợp (tỷ lệ 53,41%), đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 82 trường hợp còn lại.

Lãnh đạo Thành phố đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm: cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm; nút giao đường vành đai 3 - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường nối từ Trường Đại học Mỏ Địa chất vào khu công nghiệp Nam Thăng Long, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn. Đối thoại với chủ đầu tư công trình số 8B Lê Trực để trả lời, yêu cầu phối hợp xử lý giai đoạn 2 công trình sai phạm tại số 8B Lê Trực, quận Ba Đình.

Thành phố đã tổ chức tốt các hoạt động Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được chỉ đạo sát sao, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của Thành phố đã tích cực vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiền mặt, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị y tế tổng trị giá trên 172 tỷ đồng. An sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được quan tâm thực hiện. Các đồng chí Lãnh đạo UBND Thành phố đã tiếp 42 lượt (165 công dân); tiếp nhận 58 đơn. Ban Tiếp công dân Thành phố đã tiếp 357 lượt (577 công dân). Tiếp nhận và xử lý 1.054 đơn. Các cơ quan hành chính đã tiếp 15 lượt đoàn đông người; 2.649 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, tăng 46% so với tháng 4/2020. Tiếp nhận và xử lý 3.545 đơn các loại. Số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng khoảng 16% so với tháng 4/2020. Toàn Thành phố đã tiếp nhận và thụ lý 916 vụ khiếu nại, tố cáo, tăng không đáng kể so với tháng 4/2020; đã giải quyết 244 vụ. Số vụ còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật.

Nhấn mạnh các yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách cần tập trung thực hiện ngay trong tháng 6 và các tháng cuối năm 2020, UBND Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, tổng công ty, công ty, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trực thuộc Thành phố tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành cao nhất kết quả phát triển KT-XH của Thành phố năm 2020.

Trong đó, Hà Nội xác định mục tiêu trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19, kiên quyết ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn Thành phố và phát sinh các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt đến hết năm 2020; song song với tập trung khôi phục, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Thành phố.

Tin bài liên quan