12/12 chỉ tiêu kinh tế năm 2018 có thể đạt và vượt

12/12 chỉ tiêu kinh tế năm 2018 có thể đạt và vượt

(ĐTCK) Độ “tinh” của tăng trưởng GDP đang được cải thiện. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng tích cực này, Chính phủ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Bớt tăng trưởng “thô”

Tăng trưởng dựa nhiều vào yếu tố “thô” như khai thác tài nguyên, tăng vốn đầu tư, nhân công giá rẻ… của nền kinh tế trong thời gian trước đang tiếp tục giảm.

Từ các báo cáo, đánh giá sơ bộ của các bộ, ngành chức năng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt.

Trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. GDP năm nay có khả năng đạt mức tăng trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3 - 5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, năng suất lao động tăng.

Có nhiều điểm mới trong điều hành, thực hiện kế hoạch và có nhiều xu hướng tốt như chi thường xuyên giảm, chi đầu tư tăng. Bên cạnh đó, niềm tin thị trường gia tăng.

Tinh thần của Chính phủ kiến tạo rõ nét hơn. Thay vì đặt nặng kiểm soát, thì nay chỉ một phần kiểm soát thông qua chuyển nhiều từ tiền kiểm sang hậu kiểm   

Nêu dẫn chứng GDP tăng trưởng không còn dựa nhiều vào các yếu tố “thô”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế đã được đẩy mạnh.

Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc vào khai khoáng, không lấy tăng sản lượng dầu khai thác để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế…

Cụ thể, năm 2015 khai thác 16,88 triệu tấn dầu, thì năm 2016 giảm còn 15,2 triệu tấn, năm 2017 giảm tiếp còn hơn 13,5 triệu tấn, năm 2018 ước giảm mạnh xuống còn 10 triệu tấn.

Tăng trưởng kinh tế cũng giảm dần sự phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng là 18,3%, thì trong định hướng điều hành năm nay khống chế khoảng 17%.

Mặt khác, các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng đầu năm 2018 tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017 và cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt mức tăng 13,3% (cùng kỳ năm trước tăng 11,6%)...

Thế chỗ các yếu tố “thô”, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế là các yếu tố “tinh” xuất hiện rõ nét. Trong đó, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.

“Tinh thần của Chính phủ kiến tạo rõ nét hơn. Thay vì đặt nặng kiểm soát, thì nay chỉ một phần kiểm soát thông qua chuyển nhiều từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tinh thần của Chính phủ phục vụ cũng có bước tiến thể hiện qua đặt trọng tâm lấy doanh nghiệp và người dân làm đối tượng phục vụ, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhanh hơn.

Tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong tháng 8/2018 tăng 18,9% so với tháng 7/2018”, ông Dũng nói. 

Thúc tăng trưởng “tinh”

Về cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh, trong tổng số 6.213 điều kiện, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện, đến nay cắt giảm được 968 điều kiện (đạt 31,6% so với dự kiến).

Còn 2.839 điều kiện đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ. So với mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh trong năm nay thì công việc này đang bị chậm trễ.

Với các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có tổng số 9.936 dòng hàng phải kiểm tra, các bộ dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng, đến nay mới cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng (đạt 34% so với yêu cầu của Chính phủ).

“Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đạt thấp so với phương án dự kiến, tiến độ còn chậm so với so với yêu cầu đặt ra. Cái này thuộc thẩm quyền của các bộ trưởng, nên sau khi hoàn thành các thông tư thì sẽ giảm được”, Người phát ngôn Chính phủ nói.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Do đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang quyết liệt triển khai các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Chính phủ yêu cầu các bộ tập trung xây dựng, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.

Làm những việc này phải thực chất, khắc phục triệt để các bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp...

Đồng thời, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhằm tăng cường yếu tố “tinh” trong tăng trưởng kinh tế là phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị, phải chuẩn bị tổ chức tốt Hội nghị thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong tháng 9 này.

Tin bài liên quan