10 sự kiện nổi bật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý II/2019

10 sự kiện nổi bật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý II/2019

(ĐTCK) Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra sáng 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố 10 sự kiện nổi bật của Bộ trong quý II/2019. 

1. Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào sáng 13/6 với 90,7% đại biểu Quốc hội tán thành. Điểm mới có ý nghĩa rất lớn của Luật là thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công.

Theo đó, quy định 2 loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước; và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư...).

2. Tổ chức Vietnam Venture Summit 2019

Sự kiện này làm nổi bật vị trí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ động, tiên phong trong việc tạo kênh đối thoại và kết nối nguồn lực giữa các Quỹ đầu tư lớn quốc tế với Chính phủ Việt Nam, có ý nghĩa lớn đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiện nay; là kênh kết nối để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tín dụng từ các Quỹ đầu tư trong các nhóm ngành khác nhau: Startup công nghệ nền tảng (deep tech), công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử...

Sự kiện khẳng định Chính phủ mà đại diện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn sẵn sàng đối thoại, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; những đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển nhanh, mạnh hơn.

3. Tổng điều tra dân số và nhà ở lớn nhất từ trước đến nay từ ngày 1/4/2019

Vào lúc 0h00 ngày 1/4/2019, cuộc tổng điều tra về dân số và nhà ở với quy mô toàn quốc chính thức bắt đầu, với sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên. Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn với nhiều đổi mới quan trọng do Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.

Tổng điều tra dân số và nhà ở là một trong ba cuộc Tổng điều tra thống kê được quy định trong Luật Thống kê, với chu kỳ thực hiện 10 năm một lần vào các năm có số cuối cùng là số 9. Tổng điều tra dân số và nhà ở là nguồn thông tin chủ yếu và tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học và tình trạng nhà ở của dân cư nhằm đáp ứng các mục tiêu về tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê, đồng thời cũng là nguồn thông tin phục vụ Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách liên quan tới người dân và các chính sách phát triển đất nước.

4. Tổ chức thành công Hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiếp tục triển khai tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung

5. Tăng cường giám sát, kiểm tra đôn đốc các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; kiểm tra tiến độ triển khai một số dự án quy mô lớn tại các địa phương để hỗ trợ giải quyết các khó khăn, từ đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp một số vướng mắc khó khăn chính của các địa phương trong giải ngân kế hoạch đầu tư công 2019 như.

Cụ thể, khâu lập và giao kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Đối với vốn ODA là khâu kéo dài hiệp định, điều chỉnh vốn do chưa phù hợp với hiệp định hoặc điều chỉnh nội bộ giữa các dự án mất nhiều thời gian, ký kết thỏa thuận vay vốn từ khi Hiệp định được ký kết thời gian mất từ 1-2,5 năm, công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu.

Đối với vốn trái phiếu chính phủ, tập trung vướng mắc của dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (dự án quan trọng quốc gia chiếm tỷ trọng vốn trái phiếu chính phủ năm 2019 lớn) có một số đặc thù như chưa có quy định về đề án trong dự án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên còn nhiều thủ tục, đồng thời tỉnh Đồng Nai đang tập trung giải ngân vốn Kế hoạch 2018.

6. Tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương, các địa phương và các tổ chức quốc tế tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu với một số thành tựu nổi bật như hoàn thành lựa chọn tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050, chủ trì tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công và bổ sung thêm nguồn lực ngoài kế hoạch trung hạn 2016-2020 cho các địa phương trong Vùng,...

7. Khởi động dự án “Nâng cấp và phát triển hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư” với trị giá lên tới 6,2 triệu USD

Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư dự kiến được đưa vào vận hành chính thức từ năm 2021, sau quá trình tư vấn, thiết kế, xây dựng, đào tạo, tập huấn và vận hành thử.

Dự án này góp phần xây dựng và thực hiện Chính phủ điện tử, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thủ tục đầu tư và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Dự án khi đi vào thực hiện sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài, góp phần minh bạch hoá các thủ tục, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời đây cũng là cơ sở để hiện đại hoá công tác cải cách hành chính tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

8. Tổ chức Hội nghị tổng kết Phong trào thi đua Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020

Những cơ chế, chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để hiện thực hoá các mục tiêu xây dựng nông thôn.

9. Giao ban công tác đăng ký kinh doanh năm 2019 khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Thông điệp về việc công tác đăng ký kinh doanh các địa phương được triển khai mạnh mẽ trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Trong năm 2018, tất cả các tỉnh thuộc khu vực đều có thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp dưới 3 ngày, trong đó có 15 tỉnh dưới 2 ngày. Tỷ lệ phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đạt trung bình hơn 27%, trong đó, tỉnh cao nhất đạt hơn 75,8%.

10. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019

Chủ đề được chọn cho cuộc đối thoại thường niên giữa doanh nghiệp và Chính phủ năm nay là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững. Trong xu thế phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội đi nhanh, vượt qua các giới hạn truyền thống, để không chỉ tham gia, mà còn thiết lập các chuỗi giá trị sản xuất mới.

Tin bài liên quan