Cầu lớn dây văng Phước Khánh thuộc Gói thầu J3 cao tốc Bến Lức - Long Thành

Cầu lớn dây văng Phước Khánh thuộc Gói thầu J3 cao tốc Bến Lức - Long Thành

1 km cao tốc Bến Lức - Long Thành tốn 25,8 triệu USD

Suất đầu tư của Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cao là do tuyến phải đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp thuộc vùng ven biển, cửa sông ở khu vực Đông Nam Bộ.

Đây là khẳng định của ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về tính hợp lý của suất đầu tư của Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do đơn vị này làm chủ đầu tư.

Theo ông Tuấn Anh, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài là công trình rất đặc biệt, có đoạn phải vắt qua khu vực sinh quyển rừng Cần Giờ trên nền địa chất rất yếu.

Cụ thể, Dự án qua vùng địa chất, thủy văn  rất phức tạp nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn, trong đó đặc biệt có 2 cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) dài 2,76 Km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TP.Hồ Chí Minh, có khẩu độ nhịp chính dài 375m, trụ chính cao 155m; Cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) dài 3,18 km nối huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có khẩu độ nhịp chính dài 300m, trụ chính cao 135m; cả 2 cầu có khổ tĩnh không thông thuyền cao 55m.

“Nhằm đảm bảo các tàu biển lớn trọng tải trên 50.000 DWT qua lại, hai cầu nói trên được thiết kế với quy mô tương tự cầu Cần Thơ”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Cũng vì phải qua vùng đất yếu, địa hình, địa chất phức tạp nên tuyến cao tốc có hơn 20km cầu cạn, lại là cầu đôi và một phần dự án đi qua đường vành đai 3 (TP HCM) nên cần đến 8 nút giao. Hiện chi phí đầu tư mỗi nút giao khoảng từ 500 tỉ đồng đến cả ngàn tỉ đồng, bởi đây là cả một khối lượng rất lớn về đường và cầu.

“Nếu chỉ nhìn vào khoảng cách 57km mà không phân tích hết các yếu tố cụ thể sẽ không thấy được sự hợp lý trong chi phí đầu tư xây dựng công trình”, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam khẳng định.

Được biết, trong giai đoạn 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế gồm 4 làn xe tương đương tuyến TP HCM - Trung Lương hay TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm tại thời điểm thích hợp nhưng riêng khâu giải phóng mặt bằng đã làm luôn cho toàn dự án nên sẽ không tốn thêm kinh phí ở khâu này.

“Các dự án do VEC làm chủ đầu tư đều làm trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức, giá nhà nước quản lý và đấu thầu quốc tế cạnh tranh, chứ không phải chỉ định thầu. Như gói thầu dài 19km chúng tôi vừa tổ chức đấu thầu, giá trúng thầu đã giảm từ 25-30% so với dự toán khi nhà thầu họ tính chi phí kinh tế của dự án ở mức hợp lý. Các khâu đấu thầu rất chặt chẽ, minh bạch và có tính cạnh tranh cao”, lãnh đạo VEC cho biết.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng tại báo cáo số 129/BXD-KTXD ngày 22-1-2013, suất chi phí xây dựng bình quân cho 1 km đường phụ thuộc rất nhiều vào địa hình, tỷ trọng chi phí cầu, hầm, xử lý nền đất yếu thì chi phí xây dựng sẽ cao hơn nhiều so với những tuyến có tỷ trọng cầu, hầm và xử lý nền đất yếu với khối lượng nhỏ. Suất đầu tư bao gồm suất chi phí xây dựng và và các suất chi phí khác như giải phóng mặt bằng, dự phòng, tư vấn, lãi vay...

Đây là lý do khiến việc so sánh suất đầu tư đường ô tô cao tốc tại Việt Nam với một số nước trong khu vực chỉ là tương đối, bởi suất đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đặc điểm của sản phẩm xây dựng (mỗi công trình có một giá riêng); thông tin về các dự án đường cao tốc triển khai tại các nước trong khu vực thu thập được còn ít; nước ta mới triển khai xây dựng đường cao tốc, trong khi các nước trong khu vực đã có nhiều kinh nghiệm triển khai xây đựng; thời điểm thực hiện khác nhau, trong khi mặt bằng giá của Việt Nam chịu nhiều biến động.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là Dự án trọng điểm Quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc – Nam được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 08/10/2010 và giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 57,1 Km, đi qua các tỉnh Long An: 2,7Km (gồm: huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc); TP. Hồ Chí Minh: 26,4 Km (gồm: huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai: 28 Km (gồm: huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành).

Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD); trong đó vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 636 triệu USD,vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD.

Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sau khi hoàn thành sẽ giúp cho giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh, tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và với Sân bay quốc tế Long Thành.

Đồng thời, Dự án góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa; rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại từ đó thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển do các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Pênh, TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.

Tin bài liên quan