Đầu tư vào nông nghiệp, GTN gặp nhiều thách thức

Đầu tư vào nông nghiệp, GTN gặp nhiều thách thức

(ĐTCK) Sau khi mua lại cổ phần của một loạt doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty cổ phần GTNFoods (GTN) đã và đang bắt tay tái cấu trúc hoạt động của các đơn vị này. Song, để tái cấu trúc thành công, nâng cao hiệu quả kinh doanh của GTN, còn quá nhiều thách thức phía trước với Ban lãnh đạo Công ty.

GTN khởi nguồn là một doanh nghiệp sản xuất tre công nghiệp, xây dựng hạ tầng, nông sản.

Năm 2014, GTN xác định lại chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng thông qua mua cổ phần các tổng công ty nhà nước, có thương hiệu lâu năm, cơ sở hạ tầng tốt, nhưng gặp nhiều rào cản trong phát triển kênh phân phối, bán hàng và marketing.

Hiện GTN đang sở hữu 95% cổ phần tại Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), 35% vốn tại CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods), 65% vốn tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC) - doanh nghiệp đang sở hữu 51% CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).

Ngoài các lĩnh vực mà GTN tập trung như hoạt động cốt lõi của mình, GTN hiện sở hữu 89% CTCP Sản xuất tre công nghiệp Mộc Châu, 90% CTCP Nhựa miền Trung và 35% CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex).

Để có nguồn vốn cho hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), trong năm 2016, GTN đã thực hiện 2 đợt tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ, qua đó,huy động gần 100 triệu USD. Năm 2017, GTN đã bỏ ra hơn 1.300 tỷ đồng để nâng sở hữu tại VLC lên 65%.

Với định hướng tham gia sâu vào hoạt động của các công ty con, không hoạt động theo mô hình holdings thông thường, GTN đã dành 2 năm để tái cấu trúc Ladofoods và hiện nay đang tiếp tục tái cấu trúc các đơn vị thành viên còn lại.

Với việc nắm 65% vốn VLC, GTN đang nắm quyền kiểm soát tại Mộc Châu Milk. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Phong, Giám đốc Đầu tư GTN trong một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, hiện Mộc Châu Milk đang triển khai kế hoạch liên kết với hơn 600 hộ nông dân trong chăn nuôi bò nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đàn bò 15 - 20%/năm; trong đó số lượng bò chăn nuôi tại Công ty là 3.000 con và nuôi ngoài 19.000 con.

Theo ông Phong, tại Mộc Châu Milk, bài toán GTN cần giải chính là việc phát triển kênh phân phối, chứ không phải là mở rộng sản xuất, chỉ cần nhu cầu thị trường có thì việc mở rộng sản xuất hoàn toàn có thể. GTN lựa chọn hướng đi là kiểm soát kênh phân phối, thay vì mở các điểm bán trực tiếp, nhằm tiết giảm chi phí đầu tư cửa hàng.

Nhưng bài toán đẩy mạnh tiêu thụ của Mộc Châu Milk không dễ giải. Thị trường sữa tươi Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng lớn, nhưng cạnh tranh trên thị trường cũng vô cùng khốc liệt. Thị phần chủ yếu thuộc về hai “đại gia” là Vinamilk và TH True Milk, trong đó Vinamilk chiếm hơn 50% thị phần. Ông Phong cũng thừa nhận: “Nhà máy của Vinamilk hoạt động rất hiệu quả, hoàn toàn bằng máy móc nên chi phí ổn định, giá thành cạnh tranh hơn”.

Trong số các bài toán tái cấu trúc mà GTN đang tìm lời giải, có lẽ trường hợp của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) là "khó nhằn" nhất. Mặc dù có lợi thế về quy mô cũng như thương hiệu, nhưng tăng trưởng của Vinatea trong những năm gần đây khá khiêm tốn. Năm 2016, Vinatea đạt doanh thu hợp nhất 374 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ vỏn vẹn 180 triệu đồng.

Giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam đang ở mức rất thấp so với khu vực, bởi chủ yếu là xuất thô, vì vậy biên lợi nhuận của các công ty chè Việt Nam, trong đó có Vinatea rất thấp. Bên cạnh đó, tồn kho lớn cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Vinatea trong những năm gần đây.

Đầu tư vào nông nghiệp, GTN gặp nhiều thách thức ảnh 2

Ông Phong cho biết, sau gần 2 năm tái cơ cấu, GTN đã cơ bản giải quyết hàng tồn kho hơn 8.000 tấn chè. Năm 2017, Vinatea đặt kế hoạch doanh thu 404 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8,9 tỷ đồng.

Nhận định được đưa ra từ giới phân tích, bên cạnh những lợi thế, Vinatea gặp phải rất nhiều vấn đề trong việc giải quyết lượng tồn kho, mở rộng sản xuất kinh doanh cùng với những khó khăn và thách thức của việc chậm quyết toán bàn giao vốn nhà nước cho sản xuất - kinh doanh.

Theo kế hoạch, quá trình tái cơ cấu của GTN dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Từ nay đến đó không còn nhiều thời gian, điều này đặt ra áp lực lớn đối với Ban lãnh đạo GTN trong việc hoàn thành các kế hoạch kinh doanh cũng như chứng minh với cổ đông Công ty hiệu quả của các khoản đầu tư góp vốn này.

Thực tế, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp cần một khoảng thời gian tương đối dài để cho thấy những chuyển biến trong hoạt động của doanh nghiệp, nhưng những băn khoăn của nhà đầu tư về hiệu quả đầu tư của GTN không phải vô căn cứ. So với tốc độ tăng vốn của GTN trong thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chưa thể bắt kịp.

Theo đó, kết quả 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, GTN đạt 2.064 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 52,2% kế hoạch năm, trong đó doanh thu chủ yếu đến từ mặt hàng sữa, chiếm hơn 60%; lợi nhuận sau thuế đạt 73,9 tỷ đồng, gấp 8,2 lần so với cùng kỳ, đạt 32,8% kế hoạch năm đề ra.

Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng dù có cải thiện, nhưng với mức giá hiện nay trên sàn, mức P/E của cổ phiếu này lên tới hơn 100 lần, gấp 8-9 lần so với P/E trung bình của các cổ phiếu trên HOSE và HNX.    

Tin bài liên quan