Đầu tư vàng thua lỗ, khách “vây” Eximbank

Đầu tư vàng thua lỗ, khách “vây” Eximbank

Thua lỗ hàng chục tỷ đồng khi chơi 'vàng ngoài sàn' và bị tòa án xử thua kiện, hơn chục người đã căng băng rôn trước trụ sở Eximbank phản đối.

Sáng 3/4, hơn chục người dân đã đến ngay trước trụ sở chính Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trên đường Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP HCM), căng băng rôn, yêu cầu hoàn tiền.

 

Theo bà Nhân, một trong số những người giăng biểu ngữ, do đường cùng, mất tất cả nhà cửa, đất đai sau khi tòa xử bà thua kiện Eximbank; trong khi đó bà lại không thể gặp được tổng giám đốc của nhà băng để thương lượng nên mới giăng biểu ngữ như vậy.

 

Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước xác nhận có xảy ra vụ việc nêu trên và công an đã lập biên bản. Sau đó, ông đã mời những khách hàng này vào cơ quan làm việc. Cũng theo ông, trước giờ những người này chưa có một kiến nghị nào gửi đến ngân hàng yêu cầu gặp tổng giám đốc chứ không phải ông không gặp họ.

 

Theo ông Phước, về mặt lý, trên thực tế hai bên đã nhiều lần hòa giải và cũng đã nhờ tòa án can thiệp. Lẽ ra các khách hàng này phải tuân theo luật pháp chứ không nên bộc phát bằng cách căng băng rôn trước ngân hàng.

 

Sáng nay 4/4, ông đã có cuộc gặp chính thức với những khách hàng này. Ông cho biết, sau khi tra soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc chỉ có thể hỗ trợ một phần nào đó lãi suất cho vài trường hợp.

 

Bà Nhân (một trong số những người tham gia) cho biết, phía Eximbank cho rằng phải chờ kết luận sắp tới của tòa án Gò Vấp. Sau đó, bên Eximbank chỉ có thể xem xét giảm khoảng lãi hơn 200 lượng vàng từ nợ gốc 730 lượng cho bà Nhân chứ không thể xóa hết toàn bộ nợ.

 

"Chúng tôi không chấp nhận thỏa thuận này. Bởi lẽ, số nợ 730 lượng do lỗi của Eximbank không chịu cắt lỗ khi giá vàng vượt 95% mà để tài khoản tôi bị âm", bà Nhân nói.

 

Riêng các trường hợp khác, Eximbank cho rằng nên tuân theo kết luận của tòa án TP HCM đã xử, nếu không đồng ý họ có quyền kháng cáo.

 

Tại phiên sơ thẩm hôm 4/1, tòa án TP HCM tuyên bà Nhân có trách nhiệm trả cho Eximbank các khoản nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với tổng số tiền hơn 8,3 tỷ đồng (5 tỷ đồng nợ vốn và hơn 3,3 tỷ nợ lãi) tính đến ngày 27/12/2011. Tuy nhiên, bà Nhân không đồng ý với kết luận này và cho biết đã làm đơn kháng cáo.

 

Ngoài việc giăng băng rôn, bà cho biết, cũng đã làm đơn kêu cứu ở nhiều nơi vì sắp tới tòa án quận Gò Vấp sẽ xét xử về việc đòi nợ 730 lượng vàng cộng lãi quá hạn của bà tại Eximbank.

Đầu tư vàng thua lỗ, khách “vây” Eximbank ảnh 1

Công an phường cũng có mặt để giữ trật tự và lập biên bản vụ việc

 

Bà Nhân cho biết, năm 2007, bà và một số người tham gia cuộc chơi kinh doanh "vàng ngoài sàn" mới dẫn đến những vụ kiện tụng cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Bản thân bà và nhiều người giờ cũng chìm trong nợ nần với khoảng vài trăm đến vài nghìn lượng vàng. Nhà cửa đất đai thì mất sạch.

 

Thời điểm đó, Việt Nam chưa cấp phép kinh doanh sàn vàng. Tuy nhiên, Eximbank và một số đơn vị đã triển khai nghiệp vụ cho phép cá nhân đầu tư vàng, và được nhà đầu tư gọi là hình thức "đánh vàng ngoài sàn". Theo bà Nhân, để tham gia chỉ cần ký quỹ tiền mặt 7-10%, để vay một số vàng lớn (thời điểm này chưa có quyết định thành lập sàn vàng) và tham gia cuộc chơi.

 

Thường thì người chơi hay đầu tư theo kiểu đánh xuống, tức là chờ giá vàng xuống để hưởng phần chênh lệch. Tuy nhiên, giá vàng khi đó lên cao và tăng liên tục thời gian sau đó, vượt tỷ lệ 95% (theo bà Nhân thì lúc này ngân hàng phải có trách nhiệm xử lý hợp đồng trên) nhưng Eximbank không cắt trạng thái mà để tỷ lệ vượt 100% khiến khách hàng không những mất hết tiền ký quỹ mà còn bị thua lỗ nặng. "Tôi đề nghị ngân hàng xác định cơ sở nào mà yêu cầu tôi phải trả 730 lượng vàng SJC cùng tiền lãi", bà nói.

 

Riêng khoản nợ 5 tỷ đồng (thế chấp bằng căn nhà 46 Nguyên Hồng, Gò Vấp) mà bà vay Eximbank Tân Định (nay đã lên hơn 8,3 tỷ đồng) theo bà thì nhà băng đã làm không đúng. Bởi tại thời điểm ngày 16/1/2008, bà định bán căn nhà thế chấp này để trả khoản vay này nhưng nhà băng đã ngăn chặn vì cho rằng bà Nhân còn nợ 730 lượng vàng tại chi nhánh Tôn Thất Đạm. Sau đó, chi nhánh Tân Định chuyển toàn bộ hồ sơ nợ vay về cho chi nhánh Tôn Thất Đạm.

 

"Tôi vay ở đâu thì trả ở đó. Ngân hàng không được phép tự chuyển hồ sơ nhà của tôi sang phòng xử lý nợ chi nhánh Tôn Thất Đạm. Do đó, khoản lãi phát sinh hơn 3,3 tỷ đồng tôi không chấp nhận", bà Nhân nói.

 

Tương tự, những người khác như bà Hiệp, bà Hà, ông Tấn... sống tại TP HCM cũng đang chung cảnh nợ nần như bà Nhân khi trót dính vào cuộc chơi vàng 2007. Họ cho biết, giờ đây đang phải ngày đêm chạy trốn chủ nợ và sống cảnh vất vưởng khắp nơi. "Đường cùng, chúng tôi mới làm như thế này để mong nhà băng xem xét và thương lượng lại", một người nói.

 

Trong khi đó, đại diện Eximbank cho biết, khi vay ngân hàng để chơi vàng, khách hàng đã thỏa thuận để nhà băng không cắt trạng thái bởi kỳ vọng giá sẽ xuống chứ không tăng tiếp và chấp nhận đóng bổ sung tài sản thế chấp. Vì vậy, tòa án mới tuyên nhà băng thắng kiện, buộc khách hàng phải trả nợ.

 

Bên cạnh đó, khi đã thế chấp tài sản để vay tiền thì việc bán phải được sự đồng ý của ngân hàng. Khách hàng vay tiền của chi nhánh Tôn Thất Đạm hay Tân Định thì đều là của Eximbank chứ không phải của riêng chi nhánh nào. Vì thế, khi bán tài sản thế chấp mà có thể tạo ra rủi ro về thu nợ thì nhà băng có quyền từ chối và đó là quy định của pháp luật. Căn cứ vào đó, khi chưa trả nợ thì khách hàng tiếp tục phải trả lãi suất là điều bình thường.

 

Ông Phước cho biết thêm, mặc dù thắng kiện và có quyền bán tài sản để thu nợ nhưng ngân hàng cũng dự kiến mua nhà cho khách hàng ở, khi căn nhà thế chấp bị bán. Bên cạnh đó, nhà băng cũng sẽ tiếp tục xem xét từng trường hợp để giảm hoặc miễn một phần lãi suất của các khoản vay.