Đầu tư tuần qua: Tân Cảng tiếp nhận siêu tàu container 132.900 DWT; Hậu Giang đầu tư 113.000 tỷ đồng cho logistics

Đầu tư tuần qua: Tân Cảng tiếp nhận siêu tàu container 132.900 DWT; Hậu Giang đầu tư 113.000 tỷ đồng cho logistics

0:00 / 0:00
0:00
Cảng Liên Chiểu có hai bến cảng vào năm 2026; Hậu Giang đầu tư trên 113.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics; Tân Cảng - Hải Phòng tiếp nhận siêu tàu container 132.900 DWT…

Đó là những thông rin đáng chú ý trong tuần qua.

Đồng Tháp dự kiến tổ chức 3 hội nghị xúc tiến đầu tư trong năm 2021

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư năm 2021. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 10 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh.

Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Báo Đồng Tháp online

Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Báo Đồng Tháp online

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư năm 2021 với mục tiêu là nhằm tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp; tập trung thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về kêu gọi đầu tư.

Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội cung ứng hàng hóa; duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa và quốc tế.

Mở rộng các mối quan hệ, hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển ngành hàng hoa kiểng và các chuỗi ngành hàng chủ lực của tỉnh như: gạo, xoài và các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu khác. 4. Phát huy hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng và nâng cao sản phẩm dịch vụ du lịch, không ngừng đổi mới, đào tạo tính chuyên nghiệp đối với đội ngũ nhân lực phục vụ các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, mang giá trị “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen” đến với du khách trong và ngoài nước. Tạo dựng môi trường thân thiện thu hút các nhà

Theo Kế hoạch nêu trên, trong năm nay, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp và các tổ chức xúc tiến, doanh nghiệp các nước tại TP. Hồ Chí Minh; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp và các tổ chức xúc tiến, doanh nghiệp các nước tại Hà Nội. Đồng thời, sẽ tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Singapore, Đài Loan.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư năm 2021 của tỉnh Đồng Tháp là 10 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư được UBND tỉnh Đồng Tháp giao là đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch; phối hợp với các ngành liên quan, các hiệp hội, các tổ chức xúc tiến và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động theo các nội dung kế hoạch đề ra.

Cảng Liên Chiểu có hai bến cảng vào năm 2026

Chiều 13/4, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có báo cáo cuối kỳ Dự án Khảo sát thu thập số liệu và phát triển Cảng Liên Chiểu.

Theo JICA, sự gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến Cảng Đà Nẵng là chắc chắn, việc phát triển cảng Liên Chiểu là cần thiết đối với hệ thống cảng biển Đà Nẵng. Chiến lược trọng tâm là phát triển khu cảng Liên Chiểu góp phần tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistics quốc tế quan trọng.

Vì vậy Đà Nẵng nên nghiên cứu năng lực đường bộ bao gồm hiện trạng cải tạo đường bộ; thống nhất về giai đoạn chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đến cảng Liên Chiểu. Thành phố Đà Nẵng cũng nên tiến hành nghiên cứu chuẩn bị di dời chức năng cảng Tiên Sa, trong đó bao gồm giai đoạn thực hiện phù hợp dựa trên Quy hoạch chung của thành phố, phương án đền bù và kế hoạch sử dụng đất.

Theo JICA, lượng hàng hóa tại cảng Tiên Sa đang gia tăng trung bình 13%/năm đối với tổng sản lượng và 20%/năm đối với hàng hóa container trong 10 năm gần đây. Lượng hàng hóa sẽ đạt tối đa công suất của cảng trong vòng vài năm tới. JICA đề xuất thời điểm di dời chức năng cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu trong trường hợp 1 là từ năm 2031; trường hợp 2 là từ năm 2041. Tuy nhiên Cảng Tiên Sa vẫn là cảng đa năng. Đảm nhận xếp dỡ hàng tổng hợp và hàng container cho đến thời điểm nêu trên sẽ di dời hàng hóa từ CảngTiên Sa sang cảng Liên Chiểu.

Cảng Liên Chiểu sẽ được phát triển và khai thác theo từng tiến độ, đến cuối năm 2026 là 2 bến cảng (Giai đoạn 1), năm 2031 là 4 bến cảng (việc di dời hàng hóa sẽ bắt đầu và hoàn thành vào năm 2034), đến năm 2035 là 5 bến cảng và năm 2038 là 6 bến cảng.

Tổ chức JICA cũng đề xuất, Quy hoạch phân khu cảng biển Liên Chiểu trong Quy hoạch chung, với tổng diện tích là khoảng 1.285ha, dân số dự kiến là khoảng 19.000 người. Nghiên cứu của JICA cũng đề xuất kế hoạch sử dụng đất tại khu đô thị cảng Liên Chiểu như Khu hậu cần cảng ở phía bắc là khoảng 12ha; Khu dân cư khoảng 24ha, Khu Thương mại dịch vụ ở phía đông khoảng16ha. Trường Cao đẳng Đường sắt đề xuất giữ nguyên hiện trạng; Khu Quảng trường, công viên cây xanh, thể dục thể thao là khoảng 18ha.

Bên cạnh đó, cần tiến hành một số nghiên cứu bổ sung đối với phương án bố trí cho đê chắn sóng, cát thải và đất bồi lắng ở cửa sông để có được phương án bố trí cảng tối ưu. Cần chốt quy hoạch mạng lưới đường sắt mới và quy hoạch ga hàng hóa mới để nghiên cứu cụ thể hơn mạng lưới đường sắt đến cảng Liên Chiểu.

Cảng Liên Chiểu được đề xuất là dự án PPP, trong đó khu vực công đầu tư đê chắn sóng, nạo vét luồng, cấp điện, nước và đường kết nối. Khu vực tư nhân sẽ kêu gọi đầu tư bến, kè, cải tạo đất, thiết bị xếp dỡ hàng hóa và các công trình tòa nhà…

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, JICA và UBND thành phố đã ký kết Biên bản ghi nhớ triển khai dự án Khảo sát thu thập số liệu và phát triển Cảng Liên Chiểu.

Theo nghiên cứu sơ bộ về kết quả, JICA đã tư vấn đã xây dựng, xác định quy hoạch khu đô thị xung quanh cảng Liên Chiểu, phương án kết nối giao thông, phương án xác định vị trí các bến cảng phù hợp; tính khả thi dự án PPP; mô hình quản lý khai thác hiệu quả cảng Liên Chiểu và phương án đầu tư phù hợp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và khu vực tư nhân. Sự tham gia, hỗ trợ hợp tác của JICA rất cần thiết, tạo tiền đề để dự án Bến cảng Liên Chiểu được đầu tư đồng bộ, sớm đưa vào khai thác sử dụng.

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, dự án Bến cảng Liên chiểu (hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung) vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung Bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - TP.Đà Nẵng.

Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus. Dự án có tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 3.400 tỉ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, công tác chuẩn bị kêu gọi nhà đầu tư cho dự án Cảng Liên Chiểu là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, cần thực hiện song song với hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung mà thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện. Đà Nẵng cũng được yêu cầu khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng.

Bình Dương huy động nguồn lực lớn đầu tư dự án hạ tầng

Bình Dương đang chuẩn bị huy động nguồn lực lớn để đầu tư dự án hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhằm tạo nền tảng, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã chú trọng huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Hiện tại, cùng với các tuyến Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT.741, ĐT.743, ĐT.746…, thì hệ thống đường trong các khu công nghiệp, đô thị, dân cư đã được tỉnh Bình Dương đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Chẳng hạn, đường Mỹ Phước - Tân Vạn là trục giao thông “xương sống” theo hướng Bắc - Nam của tỉnh Bình Dương, kết nối các khu công nghiệp, đô thị. Tuyến đường này qua các huyện, thị, thành phố như Bàu Bàng, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và cùng lúc đảm nhận các nhiệm vụ giao thông đối nội và đối ngoại. Với quyết tâm đột phá về hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí và thời gian vận chuyển cho doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành tuyến đường, đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả cao.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, việc phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ đã góp phần tạo đòn bẩy phát triển các khu công nghiệp và thu hút đầu tư.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương đánh giá, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều Dự án giao thông, tạo mạch kết nối vùng, song hạ tầng giao thông vẫn còn điểm nghẽn và chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển.

Theo ông Minh, hệ thống đường bộ của tỉnh Bình Dương đang chịu áp lực lớn về bảo đảm giao thông bởi sự gia tăng lớn của lưu lượng phương tiện. Trong khi đó, tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng của một số dự án trọng điểm còn chậm. Do đó, tình hình ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là ở khu vực phía Nam của tỉnh. Việc kết nối hạ tầng giao thông tại các cửa ngõ phía Nam tỉnh để vận chuyển hàng hóa về các cảng sông, cảng biển... còn nhiều bất cập. Đây chính là bài toán tỉnh Bình Dương sẽ phải tìm lời giải trong việc định hướng phát triển hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn tới.

Hiện nay, lưu lượng vận tải trên 2 tuyến Quốc lộ 13 và Mỹ Phước - Tân Vạn đến cảng biển rất lớn, mỗi năm khoảng 7 triệu container hàng hóa. Vì vậy, trên 2 tuyến đường trọng điểm này thường xuyên bị kẹt xe. Trong khi đó, hệ thống giao thông đường thủy Bình Dương còn nhiều hạn chế.

Ông Minh cho biết, hệ thống cảng trên sông Đồng Nai như cảng Thạnh Phước (50 ha) đã đưa vào hoạt động giai đoạn I, nhưng tàu lớn vẫn khó cập cảng. Do vậy, tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị đầu tư cảng Thạnh Phước giai đoạn II (20 ha), cảng Thái Hòa (120 ha)…

Để “tháo gỡ” những điểm nghẽn, tạo đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế phát triển, tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới, trong đó chú trọng đầu tư nhiều dự án kết nối liên vùng.

Cụ thể, về đường bộ, trước mắt, tỉnh Bình Dương tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình trọng điểm mang tính chiến lược gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Về định hướng lâu dài, ông Nguyễn Anh Minh cho biết, tỉnh Bình Dương tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ngành liên quan sớm đầu tư các tuyến đường bộ theo quy hoạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam qua địa bàn tỉnh như Đường vành đai 3 (đoạn từ Mỹ Phước - Tân Vạn đến giáp sông Sài Gòn, dài 8,1 km), Đường vành đai 4, đường Hồ Chí Minh…

Để phát huy tính chủ động, tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến đường liên tỉnh, tạo liên kết vùng. Vừa qua, tỉnh Bình Dương cùng tỉnh Bình Phước đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối hạ tầng giao thông. Theo đó, hai tỉnh sẽ phối hợp triển khai đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Đặc biệt, tỉnh Bình Dương tập trung đầu tư hàng loạt dự án đã có chủ trương như hầm chui tại giao lộ ngã năm Phước Kiến, ngã tư Chợ Đình; Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương; Dự án Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, ĐT746, ĐT747B…

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng cho biết, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tập trung cho hạ tầng giao thông đa phương thức kết hợp các loại hình vận chuyển.

Hậu Giang đầu tư trên 113.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics

Hậu Giang đặt mục tiêu sẽ hình thành 3 trung tâm logistics lớn; thành lập mới 5 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp... trong giai đoạn 2021 - 2025.

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025.

Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang)

Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang)

Mục tiêu tỉnh Hậu Giang đặt ra là tốc độ tăng trưởng (GRDP) lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 12,28%/năm; cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp tăng từ 20,24% năm 2020 lên 25,29% năm 2025; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 12,95%/năm, quy mô ngành công nghiệp đạt 77.626 tỷ đồng vào năm 2025.

Trên địa bàn tỉnh hình thành 03 trung tâm logistics lớn gồm: Trung tâm logistics Mekong, Khu trung tâm logistics Hậu Giang, Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang. Mời gọi đầu tư các trung tâm logistics tiềm năng tại: Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Cụm công nghiệp kho tàng bến bãi Tân Tiến, Trung tâm logistics tại cụm công nghiệp Tân Thành.

Tỉnh tiếp tục xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho khu, cụm công nghiệp; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp. Cụ thể: hoàn thành hồ sơ bổ sung khu công nghiệp mới, cụm công nghiệp mới để làm cơ sở thành lập mới 5 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp, mở rộng 2 cụm công nghiệp.

Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản có lợi thế cạnh tranh, phát triển một số hàng tiêu dùng có khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; huy động tối đa các nguồn lực để tạo quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 là trên 113.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 14.678 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 4.378 tỷ đồng và vốn tư nhân (doanh nghiệp) trên 94.000 tỷ đồng.

Rủi ro khi xuất khẩu phụ thuộc vào FDI

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức rất cao, nhưng đóng góp chính thuộc khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là điểm cần lưu ý.

Có lẽ, không cần nói quá nhiều về điểm sáng tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế, bởi trong quý I/2021, cả nước ước tính xuất nhập khẩu 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%.

Trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Đây rõ ràng là một thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, đóng góp cho thành tích tăng trưởng xuất khẩu này hoàn toàn thuộc vào khu vực FDI.

Cụ thể, trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên 77 tỷ USD nói trên, khu vực trong nước chỉ đóng góp 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%.

“Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng lớn, lên tới trên 76,3%, trong khi trước đây, con số này chỉ trên 60% hoặc xấp xỉ 70%. Điều này cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối FDI và đây là điều đáng chú ý”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Những năm gần đây, tỷ trọng đóng góp của khối FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Năm ngoái, khu vực FDI đóng góp 202,89 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm tỷ trọng 71,7%.

Không chỉ là tỷ trọng chung, mà các con số thống kê đều cho thấy, ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, khu vực FDI luôn chiếm thế “thượng phong”. Chẳng hạn, với mặt hàng điện thoại và linh kiện, khu vực FDI chiếm tới chiếm 99,1%. Trong khi đó, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 93,1%. Còn với giày dép và dệt may, những tưởng lợi thế thuộc về doanh nghiệp Việt, thì khối FDI cũng chiếm tương ứng 81,9% và 62,5%.

Chính bởi thế, trong thành tích xuất siêu hơn 2 tỷ USD trong quý I/2021, thì công lớn cũng thuộc về doanh nghiệp FDI. Trong quý đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI, nếu tính cả dầu thô, xuất siêu 8,78 tỷ USD.

Chuyện xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào khối FDI đã được nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, khi tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI lên tới trên 76%, thì đó là điều đáng chú ý.

Ông Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) là một trong những chuyên gia đã có nhiều bình luận liên quan vấn đề này. Theo ông Tự Anh, việc nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI là điều rất khó chấp nhận. “Nếu muốn tạo ra nội lực, thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay”, ông Tự Anh nói.

Số liệu vào thời điểm này chưa được công bố, song theo Sách Trắng doanh nghiệp 2020, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp FDI là 16.878 doanh nghiệp. Thế nhưng, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước của khối này chiếm tới khoảng 70%. Đó là một bất cập không nhỏ.

Chính vì vậy, quan điểm của các chuyên gia kinh tế là phải làm sao xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

“Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Cùng với xây dựng năng lực sản xuất quốc gia, thì việc khuyến khích thu hút các Dự án FDI tạo sức lan tỏa lớn, có kết nối với khu vực trong nước cũng đã được nhấn mạnh. Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã từng đề xuất việc cần có chương trình khuyến khích các chuyên gia, cán bộ quản lý đang làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài tách ra thành lập các doanh nghiệp của Việt Nam.

“Đây là những người có kiến thức, nắm rõ công nghệ, quy trình sản xuất, quy trình vận hành, quản trị doanh nghiệp, có mối quan hệ, kinh nghiệm... Những người này, khi tách ra thành lập doanh nghiệp, sẽ là những người thành công nhanh nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đó cũng là cách để doanh nghiệp Việt dần lớn lên, đủ sức trở thành đối tác với các doanh nghiệp FDI, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Và như thế, khu vực trong nước sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, tránh bị phụ thuộc quá lớn như hiện nay.

Phú Yên bàn việc phát triển điện sinh khối

Là địa phương có hai nhà máy đường đang phát triển điện sinh khối từ bã mía, Phú Yên muốn đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực này hơn trong tương lai.

Tại thành phố Tuy Hòa, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Đức tổ chức Hội thảo phân tích mô hình kinh doanh của các nhà máy điện sinh khối trong ngành mía đường.

Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên

Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Việt Nam có tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối lớn nhờ các nguồn tài nguyên sinh khối sẵn có từ các phế phẩm sau thu hoạch, sau chế biến các sản phẩm nông lâm và chất thải động vật. Tuy nhiên, nguồn năng lượng được tạo ra từ nhiên liệu sinh khối ở Việt Nam hiện nay vẫn còn quá khiêm tốn do đây là lĩnh vực đầu tư mới mẻ và chưa được các doanh nghiệp, nhà đầu tư chú trọng.

Vì vậy, học tập kinh nghiệm và định hướng trong việc phát triển năng lượng sinh khối với mục tiêu tận dụng các phụ phẩm từ ngành mía đường để sản xuất điện nhằm tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam là những nội dung được Hội thảo đề cập. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia năng lượng và đại diện các nhà máy đường, thì chính sách pháp lý, quy định hiện hành liên quan đến việc tạo lợi nhuận cho các nhà máy đường phát triển năng lượng sinh khối trong thời gian tới cũng cần được xây dựng cụ thể, minh bạch và rõ rang.

Đối với Phú Yên, theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh, việc phát triển điện sinh khối sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ khí hậu, giúp giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh, chất lượng nguồn cung điện và giảm phế thải.

“Phú Yên mong muốn được phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham gia đề xuất với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, Dự án để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn điện sinh khối từ bã mía”.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có các nhà máy chế biến đường như Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam có công suất 11.000 tấn mía/ngày; vùng nguyên liệu trên 16.000 ha; Công ty mía đường Tuy Hoà công suất 3.200 tấn mía/ngày; vùng nguyên liệu trên 6.000 ha. Các sản phẩm bã mía của các Nhà máy này là nguồn sinh khối tiềm năng để phát triển các dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.

Chính thức cho phép Tân Cảng - Hải Phòng tiếp nhận siêu tàu container 132.900 DWT

Việc chính thức cho phép tàu container trọng tải đến 132.900 DWT giảm tải vào, rời cảng Tân Cảng – Hải Phòng sẽ mở ra tuyến hàng hải từ Hải Phòng đi thẳng đến bờ Tây nước Mỹ.

Tàu One Contribution có trọng tải 90.000 tấn, sức chở 8.560 TEU, dài 316 m, là một trong 11 tàu siêu trọng tải thuộc Liên minh THE Alliance vào làm hàng tại cảng TC - HICT hồi tháng 5/2020.

Tàu One Contribution có trọng tải 90.000 tấn, sức chở 8.560 TEU, dài 316 m, là một trong 11 tàu siêu trọng tải thuộc Liên minh THE Alliance vào làm hàng tại cảng TC - HICT hồi tháng 5/2020.

Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có công văn số 3274/BGTVT – VT gửi Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng về việc tiếp nhận tàu container trọng tải đến 132.900 DWT giảm tải vào, rời cảng container quốc tế Tân Cảng – Hải Phòng (TC-HICT).

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi, ổn định cho các hãng tàu giữ nguyên tuyến hàng hải đang khai thác từ cảng TC-HICT đi thẳng tới bờ tây nước Mỹ, trongq hai năm qua, các đơn vị liên quan triển khai thử nghiệm tiếp nhận tàu container có trọng tải từ 100.000 DWT đến 132.900 DWT giảm tải vào, rời cảng TC - HICT.

Tính từ tháng 4/2019 đến nay), đã có 174/175 lượt tàu vào, rời cảng TC - HITC an toàn, trong đó có 1 lượt xảy ra sự cố va chạm với cầu bờ QC15 (nguyên nhân là do thuyền trưởng và hoa tiêu thiếu kinh nghiệm, đánh giá chưa đầy đủ tác động của các yếu tố khí tượng thủy văn).

“Do vậy, Bộ GTVT thống nhất chủ trương chính thức tiếp nhận tàu container trọng tải đến 132.900 DWT giảm tải vào, rời TC-HICT từ ngày 1/5/2021”, công văn do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký nêu rõ.

Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức điều chỉnh và phê duyệt Phương án đảm bảo an toàn cho tàu container có trọng tải trên 100.000 DWT đến 132.900 DWT giảm tải vào, rời cảng TC-HICT an toàn.

Cục Hàng hải Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng chỉ cấp phép cho tàu container có trọng tải đến 132.900 DWT vào, rời cảng TC-HICT khi bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc bố trí hoa tiêu dẫn tàu, số lượng tàu lai và các điều kiện khác theo phương án đã được phê duyệt.

Theo Công ty TNHH Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, việc tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn ra/vào cảng TC – HITC đã góp phần đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực phía Bắc đi thẳng tới thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ mà không phải trung chuyển qua Singapore, Hồng Công. Điều này góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra còn thu hút một lượng lớn hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc qua tuyến hành lang Đông – Tây và khu vực Nam Trung Quốc.

Khởi động cho thuê cảng biển cửa ngõ Phú Quốc

Toàn bộ kết cấu hạ tầng cảng An Thới, cảng biển tổng hợp lớn nhất tại thành phố đảo Phú Quốc, sẽ tiếp tục được cho thuê dưới hình thức đấu giá.

Cảng An Thới là cảng biển do Nhà nước đầu tư với tổng chi phí 128 tỷ đồng với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 lượt hành khách/năm. Tại thời điểm công trình được đưa vào khai thác (năm 2012), An Thới là cảng đầu mối (cảng chính) và là cảng duy nhất tại Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng đến 3.000 DWT.

Cảng An Thới hiện mới phát huy khoảng 17% công suất thiết kế

Cảng An Thới hiện mới phát huy khoảng 17% công suất thiết kế

Trước đó, vào tháng 1/2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã cho liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn - Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Liên danh TRANACO - HPI) thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới với thời gian thuê từ năm 2014 đến năm 2043. Hai nhà đầu tư này đã lập Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới để thực hiện hợp đồng với Cục Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Hợp đồng, do một số nguyên nhân từ bên thuê, Cục Hàng hải Việt Nam đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng nêu trên vào ngày 1/1/2021.

Cần phải nói thêm rằng, việc cho thuê kết cấu hạ tầng hàng hải đã được Bộ Giao thông - Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam triển khai khá hiệu quả. Tính từ năm 2004 đến nay, đã có 4 hợp đồng cho thuê kết cấu hạ tầng hàng hải đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được thực hiện, với tổng số tiền cho thuê nộp vào ngân sách nhà nước lên tới 1.480 tỷ đồng.

“Hợp đồng số 03 cho thuê cảng An Thới bị đơn phương chấm dứt trước thời hạn là do nội bộ liên danh nhà đầu tư có nhiều bất đồng, dẫn đến việc nộp tiền thuê cho Nhà nước không đúng thời hạn. Việc khai thác cảng An Thới theo hình thức cho thuê vẫn đem lại hiệu quả cho Nhà nước”, ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới khẳng định.

Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, để tiếp tục lựa chọn bên thuê khai thác cảng An Thới theo quy định tại Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam (đơn vị được giao quản lý tài sản) xây dựng Đề án.

“Đến nay, hồ sơ Đề án đã hoàn thiện, hợp lệ theo quy định. Việc Bộ Giao thông - Vận tải xin ý kiến Bộ tài chính - cơ quan quản lý công sản - là thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của về quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải”, ông Nhật cho biết.

Theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, toàn bộ kết cấu hạ tầng hàng hải cảng An Thới sẽ tiếp tục cho thuê khai thác trong khoảng 42 năm, tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho thuê (dự kiến từ năm 2021) đến năm 2063 (theo thời gian sử dụng của tài sản).

Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới là khoảng 195 tỷ đồng, được xác định bởi 2 khoản: giá thu cố định trị giá 160 tỷ đồng (giá trị còn lại của tài sản; chi phí phục vụ quản lý, khai thác tài sản hàng năm của bên cho thuê; chi phí lập Đề án, tổ chức đấu giá) và giá thu thay đổi trị giá 35 tỷ đồng, dựa trên doanh thu lợi nhuận khai thác của bên nhận thuê.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, mức giá khởi điểm này là sát với những diễn biến khai thác cảng An Thới trong thời gian vừa qua. Trên thực tế, qua 7 năm cho thuê khai thác cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ đạt bình quân 17% công suất thiết kế.

Lý do chính là hàng hóa được vận chuyển đến đảo Phú Quốc chủ yếu là vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, các loại hàng hóa liên quan đến dân sinh. Do nằm ở khu vực phía Nam của đảo, cách xa các Dự án, công trình đang thi công, nếu dỡ hàng tại cảng An Thới sẽ mất công đoạn vận chuyển đường bộ khá xa, mà đường lại hẹp, qua khu vực chợ dân sinh, cầu cống nhỏ, trọng tải thấp, không phù hợp để vận chuyển các loại hàng nặng và cồng kềnh.

“Đó là chưa kể, Phú Quốc hiện có nhiều cảng tạm và cảng thủy nội địa, nằm rải rác gần các công trình thi công quanh đảo, với giá cước rẻ, khá tiện cho việc bốc xếp hàng hóa. Đơn vị nhận thuê chắc chắn sẽ phải có kinh nghiệm và nguồn hàng ổn định”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thông tin.

TP.HCM ưu đãi cho nhà đầu tư vào công nghiệp phụ trợ và trung tâm tài chính

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng ưu đãi khi đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ và trung tâm tài chính tại TP.HCM.

Phát biểu tại buổi gặp giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM tối 14/4/2021, ông Nguyễn Thành Phong cho biết công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành được định hướng phát triển chiến lược của TP.HCM. Trong thời gian sắp tới, Thành phố tiếp tục ưu tiên hỗ trợ phát triển ngành này. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ được hưởng ưu đãi.

Lãnh đạo UBND TP.HCM gặp gỡ Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM

Lãnh đạo UBND TP.HCM gặp gỡ Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM

Cụ thể, khi các nhà đầu tư đầu vào ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất khi tiếp cận nguồn lực đất đai, cũng như thuế nhập khẩu đầu tư tài sản cố định, theo Luật Đầu tư 2020.

Ngoài ra, TP HCM còn có chính sách hỗ trợ lãi vay theo Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND (hết hạn vào 31/12/2020). “Thành phố đã trình HĐND Thành phố để gia hạn thời gian thực hiện chính sách. Trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ sẽ được định hướng mở rộng hơn” ông Nguyễn Thành Phong thông báo.

Cùng chia sẻ thông tin này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, hiện nay, Thành phố đã xây dựng các nhà xưởng cao tầng ở trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao để hỗ trợ nhà đầu tư.

Thành phố đang xây dựng đề án thành lập trung tâm tài chính Việt Nam, đặt tại Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức. “Nhà đầu tư quan tâm về đầu tư hạ tầng hoặc công nghệ dịch vụ tài chính cao cấp cho trung tâm tài chính sẽ được hưởng ưu đãi theo Luật Đầu tư 2020. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực tài chính vĩ mô cũng được hưởng ưu đãi thêm phù hợp chính sách tùy theo quy mô từng Dự án”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Đặc biệt, khi đầu tư xây dựng trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm nhằm phát triển dịch vụ tài chính của thành phố, nhà đầu tư cũng được hưởng ưu đãi liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, giảm tiền thuê đất khi tiếp cận đất đai, tương tự như việc đầu tư vào khu công ngệ cao và công nghiệp hỗ trợ.

Thêm vào đó, “hiện tại Thành phố có 2 tổ công tác hỗ trợ về đầu tư và hỗ trợ người nước ngoài, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư các vấn đề liên quan từ khi tìm hiểu, cấp phép đến quá trình triển khai và sau khi đi vào hoạt động” Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thông tin thêm.

Theo đó, Tổ công tác đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, hỗ tợ thủ tục liên quan tới các dự án đầu tư, đặc biệt khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư như thủ tục pháp lý.

Tổ công tác hỗ trợ người nước ngoài do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối. Mục tiêu là hỗ trợ nhà đầu tư, chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, và du học sinh nhập cảnh và làm việc thuận lợi theo quy định pháp luật tại TP.HCM.

Vướng giải phóng mặt bằng tại khu công nghiệp và khu phi thuế quan Chân Mây- Lăng Cô

Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn vừa làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây.

Ông Đặng Thành Tâm và đoàn công tác Tập đoàn Đầu tư Sài gòn chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phan Ngọc Thọ và đại diện lãnh đạo các sở ngành.

Ông Đặng Thành Tâm và đoàn công tác Tập đoàn Đầu tư Sài gòn chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phan Ngọc Thọ và đại diện lãnh đạo các sở ngành.

Tại buổi làm việc, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Sài Gòn cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Huế, đơn vị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây đã có nhiều nỗ lực, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp đến thuê nhà xưởng, thuê đất.

Đến nay, Công ty đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây với diện tích hơn 118 ha và tổng số tiền đã chi trả hơn 90 tỷ đồng. Năm 2021, nhu cầu của hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây là 230ha.

Theo ông Đặng Thành Tâm, thời gian gần đây, công ty đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc bàn giao mặt bằng kéo dài; ảnh hưởng đến tiến độ. Công ty đề xuất sớm có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp và nâng cao công tác thu hút đầu tư nước ngoài.

Trước đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương liên quan cần tập trung giải quyết những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, ngoài giải quyết những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được quan tâm triển khai nhanh nhất, thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, kể cả vấn đề thuế cần rút ngắn thời gian.

“Các sở ngành địa phương liên quan phải thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư trong giải phóng, bàn giao mặt bằng và có báo cáo tiến độ theo quy định. Tinh thần đặt ra là luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư. Quá trình đầu tư, doanh nghiệp cần thực hiện đúng cam kết, đảm bảo hạ tầng đầy đủ, có các thiết chế cần thiết để đón đầu các nhà đầu tư lớn vào Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô”, ông Thọ nói.

Dự án Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây được thành lập từ ngày 11/1/2008, đây được xem là một trong các khu công nghiệp lớn và quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế, tọa lạc tại xã Lộc Tiến và Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thuộc Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Toàn bộ khu công nghiệp và phi thuế quan có tổng diện tích quy hoạch là 659,06 ha, trong đó: Diện tích đất thương phẩm của khu công nghiệp là 138,94 ha; Diện tích đất thương phẩm của khu phi thuế quan là 374,10 ha.

Bình Dương đưa vào hoạt động nhà máy nước vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng

Ngày 15/4, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã đưa Dự án Nhà máy nước Tân Hiệp, công suất tăng thêm 100.000 m3/ngày đêm vào hoạt động.

Ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc của BIWASE cho biết, nhiều năm qua, Công ty đã thực hiện tốt quá trình chuẩn bị, triển khai và kết thúc dự án, đưa nhiều công trình vào sử dụng đúng tiến độ, hiệu quả, không phát sinh chi phí, tạo được niềm tin ở nhà tài trợ, đặc biệt là với ADB và JICA.

Nhà máy nước Tân Hiệp tăng thêm công suất 100.000 m3/ngày đêm.

Nhà máy nước Tân Hiệp tăng thêm công suất 100.000 m3/ngày đêm.

Với xu thế mới nhằm hạn chế nợ công của Chính phủ trong việc vay vốn nước ngoài, sau hơn 1 năm tìm hiểu và đàm phán, BIWASE đã đạt được thỏa thuận và ký hợp đồng vay 16 triệu USD đồng tài trợ của ADB và JICA bằng tín chấp, không qua bảo lãnh của Chính phủ, để đầu tư nâng công suất nhà máy nước Tân Hiệp (TP mới Bình Dương) thêm 100.000 m3/ngày đêm.

“Đây là dự án hợp đồng khởi đầu cho ngành hạ tầng đô thị, an sinh xã hội đầu tiên không qua bảo lãnh và mở ra một dòng vốn đầu tư mới từ các tổ chức tín dụng quốc tế cho hạ tầng, đô thị và an sinh xã hội ở Việt Nam”, ông Trần Chiến Công thông tin.

Đến nay, dự án mở rộng Nhà máy nước Tân Hiệp công suất tăng thêm 100.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành, nâng tổng công suất cấp nước lên 250.000 m3/ngày đêm, góp phần cung cấp nước đầy đủ cho khu vực Thành phố mới Bình Dương, thị xã Bến Cát và vùng lân cận, nâng cao dịch vụ cấp nước theo hướng thành phố thông minh, hiện đại.

Theo đại diện của BIWASE, Dự án Nhà máy nước Tân Hiệp mở rộng công suất tăng thêm 100.000 m3/ngày đêm là dự án cấp nước sạch có qui mô lớn của tỉnh Bình Dương, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án được chia làm 3 gói thầu chính gồm: Công trình thu – trạm bơm nước thô quy mô 600.000m3/ngày đêm; tuyến ống nước thô D1500mm với quy mô 300.000m3/ngày đêm và Nhà máy xử lý công suất 100.000 m3/ngày đêm.

Hạng mục đầu tiên của dự án là trạm bơm nước thô được khởi công hồi tháng 5/2019. Trong năm 2020, Việt Nam cũng như thế giới chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid - 19, nhiều hoạt động bị ngưng trệ. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực cao của BIWASE, dự án vẫn được triển khai để khi hoàn thành tỉnh Bình Dương có thể đón luồng sóng đầu tư mới, nắm bắt cơ hội khi đại dịch được kiểm soát tốt.

“Sau gần 12 tháng thi công, đến nay toàn bộ các hạng mục công trình đã hoàn thành với mong muốn dự án sẽ góp phần hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở đô thị, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao dịch vụ cấp nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, đại diện của BIWASE cho biết.

Thuê tư vấn thẩm tra Dự án tuyến metro số 5 Hà Nội trị giá 3 tỷ USD

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa ký công văn số 2131/BKHĐT – GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thuê tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị Tp. Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước) đề nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn liên danh tư vấn trong nước và nước ngoài để thẩm tra Dự án nhằm bảo đảm khai thác tối đa năng lực, kinh nghiệm, thế mạnh chuyên môn của cả tư vấn nước ngoài và tư vấn trong nước.

Phối cảnh một đoạn đường thuộc Dự án đường sắt đô thị số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Phối cảnh một đoạn đường thuộc Dự án đường sắt đô thị số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Công văn số 2131 cho biết là theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày. Nếu thực hiện đấu thầu lựa chọn tư vấn thẩm tra theo quy trình đấu thầu thông thường sẽ mất thời gian khoảng từ 9 đến 12 tháng mới lựa chọn được tư vấn thẩm tra; dẫn tới không có đủ thời gian thẩm định để kịp trình Quốc hội theo quy định. Đây là yếu tố đặc thù của các dự án quan trọng quốc gia.

Do vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước kiến nghị Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra (liên danh tư vấn trong nước và nước ngoài) trong trường hợp đặc biệt theo quy trình, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước), Dự án đường sắt đô thị Tp. Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc có tổng mức đầu tư lớn; có yêu cầu cao về thiết kế, công nghệ. Từ kinh nghiệm cũng như thực trạng đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Tp.HCM trong thời gian vừa qua cho thấy một số vấn đề cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án như: hướng tuyến; phương án thiết kế sơ bộ; tổng mức đầu tư; công nghệ sử dụng, khả năng bảo đảm an toàn khai thác, vận hành... Trong khi đó, thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thẩm định theo hình thức kiêm nhiệm, nên không có đủ thời gian cũng như kinh nghiệm trong việc thẩm định các nội dung yêu cầu chuyên môn sâu về kỹ thuật, công nghệ của Dự án.

“Do đó, cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư Dự án”, công văn số 2131 nêu rõ.

Vào cuối tháng 10/2020, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Trước đó, vào tháng 9/2020, UBND Tp. Hà Nội đã có tờ trình số 151/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị Tp. Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.

Theo kết quả nghiên cứu của UBND TP. Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Tp. Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dự án đi qua địa phận các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.

Cụ thể, Dự án bắt đầu tại khu vực Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến đi ngầm 2 ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của giải phân cách Đại lộ Thăng Long. Tại các vị trí giao với đường Lê Quang Đạo, đường sắt quốc gia vành đai phía Tây, nút giao Hòa Lạc tuyến được bố trí đi trên cao cục bộ để vượt qua các nút giao này. Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình) tuyến đi trên mặt đất vào giải phân cách giữa của tuyến đường bộ cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.

Dự án được bố trí 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao), gồm: Quần Ngựa, Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Hoàng Đạo Thúy, Vành đai 3, Lê Đức Thọ, Mễ Trì, Tây Mỗ, An Khánh 1, An Khánh 2, Song Phương, Sài Sơn, Quốc Oai, Ngọc Mỹ, Đồng Bụt, Đồng Trúc, Đồng Bãi, Tiến Xuân, Trại Mới, Thạch Bình. Tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha.

Dự kiến, tuyến sẽ khai thác khoảng 25 - 40 đoàn tàu gồm 4 - 6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Theo đề xuất của UBND Tp. Hà Nội, Dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng này dự kiến được sẽ đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. Dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách thành phố, gồm: vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (18.000 - 20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, Dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.

Khánh Hoà chuẩn bị nhận bàn giao đường vành đai 2 từ Phúc Sơn

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn vừa có thông báo về kế hoạch chuyển giao Dự án BT Đường vành đai kết nối Nút giao thông Ngọc Hội (còn gọi là dự án Đường vành đai 2).

Theo đó, dự kiến cuối tháng 4 năm nay, công ty sẽ chuyển giao đoạn từ nút giao đường Nguyễn Tất Thành đến nút giao với đường Tố Hữu (dài khoảng 4,8km); đến cuối tháng 6 năm nay sẽ chuyển giao đoạn từ nút giao với đường Tố Hữu đến nút giao Ngọc Hội (dài 1km); từ nút giao Ngọc Hội đến nút giao với quốc lộ 1C dài 5,05km dự kiến bàn giao vào cuối tháng 12 năm nay.

Dự án BT Nút giao thông Ngọc Hội nằm tại vị trí giao nhau giữa đường sắt với đường 23/10, thuộc xã Vĩnh Hiệp và phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, do CTCP Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) làm chủ đầu tư.

Liên quan đến dự án này, từ tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ký Quyết định thu hồi 62,3 ha đất tại khu vực sân bay Nha Trang để giao và cho thuê đất đối với Công ty Phúc Sơn để thực hiện dự án Khu Trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang (một phần diện tích sân bay Nha Trang cũ) gồm phân khu 2A, 2 và 3.

Đến năm 2017, UBND tỉnh ủy quyền cho các ban quản lý dự án (BQLDA) của tỉnh ký hợp đồng BT 3 dự án giao thông với Công ty Phúc Sơn, gồm: nút giao thông Ngọc Hội; dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội; dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang. Tháng 2/2018, sau khi điều chỉnh bổ sung, 3 hợp đồng BT với tổng giá trị tạm tính khoảng 3.562 tỷ đồng.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam ra mắt giao diện website mới

Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ra mắt giao diện website mới của trung tâm tại địa chỉ: http://ipcs.mpi.gov.vn

Bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc IPCS cho biết, Cổng thông tin điện tử xúc tiến đầu tư phía Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do IPCS quản lý cập nhật thường xuyên các thông tin:

Thứ nhất, thông tin đầu tư FDI, tình hình đầu tư vào và ra của Việt Nam cũng như khu vực phía Nam theo tháng, quý và năm.

Thứ hai, hoạt động xúc tiến đầu tư của trung tâm cũng như đưa tin tình hình đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư của địa phương.

Thứ ba, thông tin hoạt động đầu tư, các chương trình xúc tiến đầu tư do các tổng lãnh sự quán, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế và cung cấp đường dây hotline và giải đáp online các thắc mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá, website của IPCS đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư trên không gian mạng, đặc biệt trong bối cảnh Covid chưa được kiểm soát nhưng nhu cầu tìm hiểu thông tin, mở rộng đầu tư giao thương vẫn gia tăng. Wesite sẽ đóng vai trò kết nối cung cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các tỉnh thành phía Nam.

Trong hai năm qua, nhiều Dự án của nhà đầu tư nước ngoài cũng đang gặp khó khăn, do dịch Covid-19 gây ảnh hưởng toàn cầu trong việc kết nối trực tiếp trong các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin đầu tư đối với các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong thời gian Covid vừa qua, An Giang đã thường xuyên sử dụng phương tiện điện tử để cung cấp thông tin, duy trì hoạt động đối thoại, họp trực tuyến với các nhà đầu tư, giải quyết vướng mắc, và tổ chức hội nghị tư vấn đầu tư trực tuyến.

“Trước đây, chúng tôi thường tổ chức các đoàn hằng năm đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, thường gây tốn kém và ít hiệu quả. Ở góc độ của chính quyền địa phương, thông qua website, chính quyền địa phương cũng tìm hiểu được cơ quan hoặc đối tác đang quan tâm tới lĩnh vực nào. Hơn nữa, website sẽ góp phần tích cực vào các quyết định ban đầu của các nhà đầu tư, mà không cần phải đi tới Việt Nam”, ông Trần Anh Thư chia sẻ.

Tham vấn ý kiến 4 địa phương về kế hoạch triển khai vành đai 3 Tp.HCM

Bộ GTVT vừa có công văn số 3102/BGTVT – KHĐT gửi UBND các tỉnh/thành phố HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về kế hoạch triển khai đầu tư Dự án đường Vành đai 3 –Tp.HCM.

Một đoạn vành đai 3 Tp.HCM qua Bình Dương.

Một đoạn vành đai 3 Tp.HCM qua Bình Dương.

Theo Bộ GTVT, tuyến đường Vành đai 3 – Tp.HCM có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tp.HCM nói riêng và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011) cần phải hoàn thành xây dựng Vành đai 3 trước năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ có 16,3 km/89 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác với quy mô 6 làn xe cơ giới (chiếm 18,3% tổng chiều dài Vành đai 3).

Do tính cấp bách của việc đầu tư xây dựng dự án, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án triển khai đường Vành đai 3, tuy nhiên đến nay chưa thu xếp được nguồn vốn. Bộ GTVT đã cập nhật giá trị tổng mức đầu tư, chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng trên từng địa phận các địa phương.

Để sớm triển khai dự án, tạo động lực phát triển vùng, trong bối cảnh nguồn lực quốc gia khó khăn, rất cần sự tham gia của cả trung ương và các địa phương. Bộ GTVT đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng các địa phương đảm nhận đầu tư các đoạn Vành đai 3 trên địa phận của mình. Trường hợp địa phương đảm nhận đầu tư, đề nghị các địa phương đề xuất cơ chế thực hiện (ví dụ khai thác quỹ đất hai bên tuyến, hỗ trợ của trung ương nếu cần…).

“Trường hợp đề xuất Bộ GTVT chủ trì đảm nhận, đề nghị các địa phương có ý kiến về khả năng đảm nhận toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến Vành đai 3 Tp.HCM cần khoảng 60.024 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 32.700 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 27.300 tỷ đồng.

Chưa cân đối được vốn nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua khu kinh tế Vũng Áng

Bộ GTVT vừa có công văn 3336/BGTVT – KHĐT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 đoạn qua Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo Bộ GTVT, Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế Vũng Áng (Km561+00 đến Km587+00) hiện có quy mô 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12 m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa.

Một đoạn Quốc lộ 1 qua Vũng Áng.

Một đoạn Quốc lộ 1 qua Vũng Áng.

Để giảm thiểu lưu lượng qua trung tâm thị xã, Bộ GTVT đã đầu tư xây dựng thêm các tuyến Quốc lộ 1 tránh Kỳ Anh, tránh Đèo Con với quy mô 2 làn xe. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu đề xuất đầu tư các Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với quy mô đầu tư 4 làn xe (quy hoạch từ 4 làn xe đến 6 làn xe), khi hoàn thành sẽ chia sẻ lưu lượng phương tiện với Quốc lộ 1.

Trong điều kiện nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT hết sức hạn hẹp và phải ưu tiên bố trí cho rất nhiều mục tiêu quan trọng phải giải quyết trong giai đoạn 2021 - 2025 như xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT… nên việc cân đối, bố trí nguồn vốn cho đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến nêu trên rất khó khăn.

Trước mắt, do mặt đường bị hư hỏng, rạn nứt tại một số vị trí nên Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư sửa chữa một số hạng mục để nâng cao khả năng khai thác, cải thiện điều kiện giao thông và an toàn giao thông. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường duy tu để đảm bảo khai thác an toàn.

“Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ khó khăn chung và sẽ phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải trên địa bàn”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế Vũng Áng từ nguồn ngân sách trung ương bố trí cho Bộ GTVT Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Quy mô được UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất là quy mô đường đô thị thứ yếu 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 1.540 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1 đoạn từ Km561+00 - Km587+00 (đoạn qua thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế Vũng Áng) dài 26 km, được đầu tư nâng cấp từ năm 1998. Ssau thời gian khai thác dài, cùng với sự gia tăng nhanh của phương tiện nên tuyến đường bị mãn tải và xuống cấp nghiêm trọng, có những đoạn thường bị ngập trong mùa mưa lũ.

Hiện nay, đoạn tuyến này không đồng bộ với hệ thống Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - thị xã Kỳ Anh đã được đầu tư, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông rất cao, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Tin bài liên quan