Đó là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Đề xuất thực hiện dự án 6.000 tỷ đồng tại Thanh Hoá
Ba doanh nghiệp vừa đề xuất đầu tư Dự án với tổng vốn đầu tư 6 nghìn tỷ đồng tại Thanh Hóa.
Đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Tài sản Á Châu (ASHICO), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Công ty cổ phần Hàng hải tân cảng miền Bắc.
Buổi làm việc của Công ty ASHICO và các đối tác với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa |
Theo đó, các nhà đầu tư muốn xây dựng Trung tâm logistics Bắc Trung Bộ và Hạ tầng Khu công nghiệp số 6 – Khu kinh tế Nghi Sơn tại Thanh Hoá. Dự án có quy mô dự kiến 395 ha, với tổng vốn đầu tư 6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn góp đạt 1.000 tỷ đồng, chiếm 16,67%, vốn vay ước 5.000 tỷ đồng, chiếm 83,73%. Dự án được xây dựng thuộc địa giới các xã, phường: Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trong đó, 370 ha đất KCN số 6 và 25 ha đất thuộc quy hoạch cảng biển.
Dự án bao gồm các hạng mục: Trung tâm logistics Bắc Trung bộ; Hạ tầng mặt bằng khu công nghiệp số 6 – Khu kinh tế Nghi Sơn và Cảng nước sâu quốc tế đón tàu 50.000 DWT. Trung tâm logistics Bắc Trung bộ được hình thành sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics cho Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các khu vực lân cận.
Dự kiến, khi Dự án đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động; góp phần tăng thu cho ngân sách tỉnh, phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến dịch vụ logistics; đáp ứng nhu cầu hạ tầng của các nhà đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Thời gian qua đại diện các doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, đánh giá tổng thể các yếu tố kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh cũng như các vùng phụ cận, để từ đó định hướng mục tiêu, kế hoạch đầu tư phát triển dự án trên.
Được biết, nhà đầu tư đã lên kế hoạch chia Dự án thành 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 từ năm 2021 đến hết năm 2024, dự kiến triển khai trên diện tích 200 ha bao gồm các thủ tục đăng ký, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng cạn ICD, hệ thống kho bãi, triển khai các dịch vụ Logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu… Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến hết năm 2028.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất với đề xuất đầu tư Dự án của Công ty ASHICO và các đối tác. Tỉnh cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ tối đa để nhà đầu tư triển khai dự án. Bên cạnh những chính sách khuyến khích, hỗ trợ về thu hút đầu tư được Chính phủ quy định, Thanh Hóa sẽ tham vấn đề xuất của các sở, ngành, đơn vị liên quan để đưa ra cơ chế, mức hỗ trợ khuyến khích riêng, phù hợp nhất.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hoan nghênh và đánh giá cao Công ty ASHICO và các đối tác đã quan tâm, đề xuất dự án Đầu tư trung tâm logistics Bắc Trung Bộ và hạ tầng KCN số 6, tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Ông Liêm nhấn mạnh: “Tỉnh Thanh Hóa có điều kiện về dân số, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư thuận lợi. Đặc biệt mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thanh Hóa được xác định là một trong những cực tăng trưởng của Việt Nam và tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc. Do đó, việc đề xuất đầu tư vào tỉnh Thanh Hoá đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp”.
Khánh thành và gắn biển nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Sáng 9/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khánh thành và gắn biển dự án xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sáng 9/1. |
Được biết, đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại buổi lễ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3213/QĐ-UBND ngày 14/6/2019, kết nối đường Cổ Linh (quận Long Biên) và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư 402,16 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra vào nút giao được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông trong khu vực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh (Thạch Bàn - Long Biên), góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.
Cũng theo ông Tuấn, nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giai đoạn I được khởi công xây dựng ngày 21/01/2013 và khánh thành đưa vào sử dụng 05/12/2015 cùng với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Khi đó nút giao chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, chưa có kết nối trục thông vào đường Cổ Linh đã xây dựng và các nhánh kết nối từ đường Vành đai 3 vào đường Cổ Linh và từ đường Cổ Linh ra Vành đai 3 cũng như chưa có kết nối giữa các đường gom với nút giao và thông qua nút giao để tiếp cận đến các khu đô thị xung quanh dẫn đến việc giao thông đi lại qua khu vực nút giao này gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Do đó, tháng 4/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc chuyển giao lại cho Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao theo quy hoạch giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường Vành đai 3 bằng vốn Ngân sách của thành phố.
Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và Ban Quản lý dự án khẩn trương nghiên cứu triển khai dự án và Hội đồng nhân dân thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2018; Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt dự án điều chỉnh vào tháng 6/2019.
Dự án hoàn chỉnh nút giao theo quy hoạch giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường Vành đai 3 khởi công ngày 06/01/2020. Trong quá trình triển khai thi công, dự án gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khu vực thi công có nhiều vị trí đất yếu phải xử lý phức tạp, cùng với đó công tác tổ chức giao thông để phục vụ thi công 3 cầu trên đường Vành đai 3 gặp rất nhiều khó khăn do lưu lượng giao thông đi lại hàng ngày rất lớn nên không thể thi công liên tục.
"Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt của Thành phố, đơn vị triển khai thực hiện dự án đã vượt qua các khó khăn để hoàn thành dự án vượt tiến độ gần 2 tháng; Đảm bảo chất lượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, đồng thời cũng thực hiện giải ngân đạt 100% vốn kế hoạch đã giao", ông Tuấn cho biết.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công, các cán bộ, kỹ sư, người lao động… đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn, phức tạp.
Để khai thác sử dụng hiệu quả công trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương bàn giao các hạng mục: Hè, cây xanh, chiếu sáng, hạ tầng kỹ thuật, cầu, đường giao thông… cho các đơn vị quản lý; đồng thời tổ chức thực hiện nghiệm thu, thanh toán, quyết toán các hạng mục đã hoàn thành theo đúng tiến độ.
“Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, quận Long Biên và huyện Gia Lâm tiếp nhận, thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì, đưa vào khai thác, sử dụng công trình hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị”, Chủ tịch Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Hà Nội: Khởi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng
Sáng 9/1, Dự án cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.538 tỷ đồng đã chính thức khởi công. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. |
Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm một cây cầu song song cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu; tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.538 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN11823-2017, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương 4 làn xe.
Dự án cũng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Rãnh thu nước, chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, sơn kẻ, biển báo, vỉa hè, lát gạch gầm cầu, dải phân cách giữa, tổ chức giao thông… và các công trình phụ trợ khác như đường công vụ, mố nhô, cầu phao, bãi tập kết vật liệu, bãi thi công dầm, trạm trộn, đường dây, trạm biến áp.
Dự án cũng có hạng mục thảm lại và tổ chức giao thông của cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 để phù hợp với công tác tổ chức giao thông sau khi hoàn thành toàn bộ cầu Vĩnh Tuy gồm cả hai giai đoạn.
Đại diện các nhà thầu tham gia dự án, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex khẳng định, sẽ huy động nhân lực, phương tiện thi công dự án bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo hợp đồng đã ký kết.
Phát lệnh khởi công công trình, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố, nhằm mục tiêu hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc...
“Do vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết và cấp bách”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Để việc đầu tư xây dựng dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu chủ đầu tư- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành TP, các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định của Nhà nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống của người dân trong khu vực, đặc biệt lưu ý tổ chức giao thông đảm bảo thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ muốn Thường vụ Quốc hội điều chỉnh nghị quyết về đầu tư BOT
Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ muốn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết 437 để mở rộng quy mô tuyến này lên 8 đến 10 làn xe theo hình thức BOT.
Với lý do tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã mãn tải quá sớm so với thiết kế và phương án tài chính, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ muốn được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh nghị quyết 437 để mở rộng quy mô tuyến này lên 8 đến 10 làn xe theo hình thức BOT.
Dù đã giảm so với năm 2019, song năm 2020, lưu lượng xe ngày cao nhất trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng lên tới 122.780 xe/ngày đêm. |
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT có chiều dài khoảng 29km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ 6/10/2015.
Trong một báo cáo hoàn thành cuối tháng 12/2020, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, doanh thu các năm từ 2015 đến 2020 (làm tròn số) lần lượt là 104,5 - 616,9 - 755,5 - 702,8- 751,9 - 721,8 tỷ đồng. Trong năm 2019 doanh thu bình quân 62,95 tỷ/tháng, lưu lượng xe bình quân 61.267 xe/ngày đêm, lưu lượng xe ngày cao nhất 126.744 xe/ngày đêm. Năm 2020 lưu lượng và doanh thu giảm 4% so với 2019 do ảnh hưởng của Covid - 19, doanh thu bình quân 59,36 tỷ/tháng, lưu lượng xe bình quân 60.000 xe/ngày đêm, lưu lượng xe ngày cao nhất 122.780 xe/ngày đêm.
Báo cáo nêu khó khăn là dù đã mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe lưu thông nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt trong các ngày lễ, tết do lưu lượng xe tăng nhanh và đột biến trong những năm gần đây. Tuyến đường đã xảy ra mãn tải quá sớm so với thiết kế và phương án tài chính. Dự báo thời diểm mãn tải cao tốc 6 làn xe vào năm 2022, tương đương phục vụ loại D, lưu lượng mãn tải khoảng 92.200 PCU (xe con quy đổi). Thực tế năm 2019 đã đạt 84.240 PCU ngày/đêm, ngày lễ tết đã đạt 144.265 CPU/ngày đêm, dự kiến ngay năm 2021 sẽ đạt bình quân 101.088 PCU ngày đêm, vượt so với mãn tải là 9,6%. Năm 2021 dự kiến tăng trưởng xe so với năm 2019 là 20%, năm 2022 dự kiến tăng so với năm 2021 là 10%.
Theo báo cáo thì việc nâng cấp mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 8-10 làn xe là cần thiết và có nhiều thuận lợi (tuyến đang khai thác với doanh thu khả thi về phương án tài chính, thuận lợi kế thừa năng lực, bộ máy am hiểu dự án cho công tác chuyên môn và tiến độ thực hiện dự án vừa thi công vừa khai thác. Tuy nhiên, việc bổ sung hạng mục này vào dự án chưa phù hợp với nghị quyết 437/NQQ-UBTVQH 14.
Nghị quyết này được ban hành năm 2017, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.
Nghị quyết nêu rõ: Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hop đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Mà, việc nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 8-10 làn xe đồng nghĩa với tiếp tục đầu tư BOT trên đường hiện hữu.
Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề nghị Uỷ ban kinh tế Quốc hội (cơ quan vừa tổ chức giám sát dự án) báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung các nội dung nghị quyết 437 để bổ sung mở rộng quy mô cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 làn xe hiện có lên 8 - 10 làn vào dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Khánh thành Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi
Chiều ngày 12/1/2021, tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bộ Giao thông vận tải tổ chức khánh thành Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị đại diện chủ đầu tư.
Đại biểu cắt băng khánh thành tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. |
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) với tổng mức đầu tư trên 6.355 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trên 1.806 tỷ đồng. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng chiều dài 51 km (bao gồm 27 cầu và có 03 nút giao khác mức liên thông tại huyện Vĩnh Thạnh, ĐT 963 và Rạch Giá, 20 km đường gom và hệ thống cống thoát nước hoàn chỉnh), được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp gồm: CW1 nằm trên địa phận TP. Cần Thơ với chiều dài 24,17 km, 11 km đường gom và 13 cầu và hệ thống thoát nước; CW2 nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang với chiều dài 27 km, có 9 km đường gom và 14 cầu cùng hệ thống thoát nước.
Theo quy hoạch tổng thể, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là đoạn thuộc trục Chơn Thành - Đất Mũi của đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013.
Hiện nay, theo phân kỳ đầu tư, Dự án được xây dựng với quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 80 km/h; có 04 làn xe, Bnền/Bmặt=17m/15,5m, có dải phân cách cứng, kết cấu mặt đường láng nhựa. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe và mặt đường bê tông nhựa, vận tốc thiết kế là 100 km/h. Điểm đầu dự án tại Km02+104.11 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, kết nối Dự án xây dựng cầu Vàm Cống đã hoàn thành và đưa vào khai thác; Điểm cuối dự án tại Km53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, kết nối với dự án Tuyến tránh Rạch Giá.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công xây dựng vào ngày 17/01/2016, sau 5 năm triển khai xây dựng, đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ 12/01/2021 và chỉ cho phép các phương tiện cơ giới đường bộ được lưu thông trừ mô tô, xe gắn máy.
Khi đưa tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi từ Lộ Tẻ (TP.Cần Thơ) xuống Kiên Giang từ 1 giờ 30 phút xuống còn 50 phút, tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác của tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan đến Việt Nam.
Ông Trần Văn Thi, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi hoàn thành cùng với các dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống...) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương có dự án đi qua nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung, giúp làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan.
Đồng thời, tiếp tục kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) (là các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai) để tạo thành trục dọc nối từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tạo tiền đề cho việc hình thành tuyến cao tốc phía Tây song song với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đến Cà Mau) và cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc hiện đại, đồng bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong khu vực và của đất nước.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, sự kiện khánh thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có ý nghĩa quan trọng bởi không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà còn giúp người dân có thể xóa đói giảm nghèo bằng việc hình thành các sinh kế dọc theo tuyến đường. Đặc biệt, tuyến đường này còn có ý nghĩa quân sự, chính trị rất quan trọng bởi đây là tuyến đường đi xuyên vùng Đồng Tháp Mười (khi kết nối hoàn chỉnh toàn tuyến N2) kết nối với vùng biên giới tỉnh Kiên Giang.
Ông Thể thông tin thêm, hiện nay, hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn của vùng. Do đó, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành và các địa phương đang xây dựng kế hoạch 5 năm để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thiện, tốt hơn.
Bắt đầu thi công gói thầu lớn nhất thuộc Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45
Gói thầu xây lắp XL- 14 trị giá 2.500 tỷ đồng thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đã chính thức bắt tay vào thi công.
Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) vừa phối hợp với Liên danh Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Vinaconex – Công ty Trung Nam E&C khởi công Gói thầu xây lắp XL-14, Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Gói thầu XL -14 thuộc Dự án thành phần đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. |
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cùng đại diện Liên danh nhà thầu, các bên liên quan thực hiện nghi thức khởi công.
Gói thầu số 14 - XL - thi công xây dựng đoạn Km 318+000 – Km 337+478,11 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) đã được Bộ GTVT trao Liên danh Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam với giá trúng thầu 2.498.3 tỷ đồng với thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước.
“Đây là gói thầu lớn nhất và cũng là gói thầu khởi công cuối cùng của Dự án. Hiện công tác giải phóng mặt bằng tại Gói thầu XL - 14 cơ bản đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai thi công. Do đó, yêu cầu các nhà thầu khẩn trương huy động nhân sự, máy móc thiết bị, thiết kế bản vẽ thi công; thành lập Ban điều hành để triển khai thi công ngay. Phấn đấu hoàn thành gói thầu trong năm 2022”, ông Roãn chỉ đạo.
Dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua địa phận 2 tỉnh là Ninh Bình, Thanh Hóa với chiều dài toàn tuyến khoảng 63,37 km, có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng. Phân kỳ giai đoạn 1 của Dự án sẽ xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe hạn chế; vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh của Dự án sẽ được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.
Với Vinaconex, đây là gói thầu xây lắp thứ 3 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mà nhà thầu hàng đầu Việt Nam này vinh dự được góp mặt.
Vào đầu tháng 11/2020, liên danh Vinaconex - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C cũng đã trúng XL04 - thi công xây dựng đoạn Km185+400 - Km235+000, nút giao Ma Lâm, nút giao Phan Thiết thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết với giá trúng thầu là 3.225 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng. Đây là một trong những gói thầu xây lắp có giá trị lớn nhất tại 11 dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Trước đó, liên danh Vinaconex – Trung Chính (Vinaconex đứng đầu) cũng đã trúng thầu Gói thầu số 03-XL: Thi công xây dựng đoạn Km47+672 - Km83+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây với giá trúng thầu là 2.299 tỷ đồng.
Giao đầu mối nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Tp.HCM – Cần Thơ
Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Đây là nội dung chính trong Quyết định số 132/QĐ – BGTVT vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành vào đầu tuần này.
Hướng tuyến dự kiến của Dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ. |
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: Tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối Tp.HCM với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được xác định theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm. Thời gian thực hiện việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án là từ năm 2021 đến năm 2022.
Quyết định số 132 cũng nêu rõ, chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Ban Quản lý dự án đường sắt. Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được lựa chọn theo quy định hiện hành.
Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ theo các quy định hiện hành.
Tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch vào năm 2013, có chiều dài hơn 173 km đi qua các tỉnh, thành gồm: Bình Dương, Tp.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Tp. Cần Thơ.
Song qua công tác khảo sát, nghiên cứu trên cơ sở ý kiến của các địa phương, nhà đầu tư – các đơn vị tư vấn thiết kế kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt này, Theo đề xuất quy hoạch mới, đoạn từ ga Tân Kiên đến ga Cái Răng (qua địa phận Tp.HCM, Long An, Tiền Giang) sẽ điều chỉnh theo hướng đi song song với cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, giảm số lượng nhà ga, diện tích chiếm dụng đất, chi phí xây lắp và chi phí giải phóng mặt bằng…
Thành phố Cần Thơ định hướng xúc tiến đầu tư vào các thị trường trọng điểm
Năm 2021, Trung tâm Xúc tiến đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tiếp tục xúc tiến đầu tư nhằm tăng cường kết nối, quảng bá môi trường đầu tư và các sản phẩm của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tại hội nghị tổng kết Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ 2020. |
Năm 2020 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đã có bước điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, thiết thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang còn diễn biến phức tạp, Trung tâm đã chủ động triển khai thực hiện các hoạt động theo kế hoạch năm đã được duyệt thuộc chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ yếu tập trung vào các hoạt động xúc tiến nội địa, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường kết nối, phối hợp các đơn vị, sở ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến mời doanh nghiệp tham gia các sự kiện trực tuyến.
Trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, Trung tâm đã nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường xu hướng và đối tác đầu tư, cập nhật đầy đủ các nội dung chi tiết về các Dự án kêu gọi đầu tư, duy trì đăng ký tài khoản trên một số chuyên trang về pháp luật, chính sách, thủ tụch đầu tư để cập nhật dữ liệu đầu tư.
Đặc biệt, Trung tâm đã kết nối với các tập đoàn lớn, các địa phương của Nhật bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Sigapore… tiếp đón các đoàn ngoại giao và nhà đầu tư đến TP. Cần Thơ, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư trên địa bàn, cũng như tăng cường kết nối đầu tư với Long An và TP. Hồ Chí Minh. Cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ đầu tư, các nội dung chi tiết về các dự án mời gọi đầu tư nhằm giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có đầy đủ thông tin để quyết định đầu tư. Đặc biệt đã tổ chức thành công buổi tọa đàm đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ vào tháng 10/2020 nhằm trao đổi lắng nghe ý kiến và cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trên lĩnh vực Xúc tiến thương mại, Trung tâm đã phối hợp tổ chức hiệu quả: “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn”, “Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển xuất khẩu”, “Chương trình khuyến mại tập trung” tại TP. Cần Thơ và chương trình kích cầu tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh; tham gia các Hội chợ vùng miền tại Đà Nẵng, Hà Nội, Đồng Tháp và Hậu Giang để liên kết, giới thiệu và tạo đầu ra cho nông sản, hàng hóa, sản phẩm OCOP địa phương và hỗ trợ đưa hàng hóa tiếp cận các siêu thị trên địa bàn; phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức khóa đào tạo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững - Xuất khẩu thành công sản phẩm nông sản trái cây vào thị trường Trung Quốc”, Hội thảo "Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL”; tổ chức các hội chợ: Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2020, Tuần Lễ Thái lan tại Cần Thơ, Triển lãm quốc tế Vietbuild Cần Thơ và Hội chợ mua sắm và ẩm thực hàng Thái Lan… tạo điều kiện kết nối giao thương trong và ngoài nước.
Tại buổi tổng kết các hoạt động năm 2020 và định hướng 2021 của Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội Chợ triển lãm Cần Thơ vào chiều 12/01/2021, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: trong năm 2021, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính về xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm được TP. Cần Thơ giao nhằm tăng cường kết nối, quảng bá môi trường đầu tư, các sản phẩm thương hiệu của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh: trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của Trung tâm nên định hướng là đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, thương mại và hội chợ triển lãm, linh hoạt tăng cường kết nối, giao thương trực tuyến, trên nền tảng kỹ thuật số; xúc tiến đầu tư có trọng điểm, nhất là trọng tâm các nước vùng Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đặc biệt, các hoạt động của Trung tâm phải gắn liền với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành. Đẩy mạnh tổ chức hoạt động theo phương thức kết hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tham gia hội chợ triễn lãm trong và ngoài nước, vừa theo hình thức trực tuyến và ngoại tuyến.
Đặc biệt Trung tâm nên tìm kiếm đối tác để xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của TP. Cần Thơ cần mời gọi đầu tư, chú trọng vào thị trường trong nước, phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương, hỗ trợ kết nối giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa của thành phố, đi liền hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước, nâng cao năng lực doanh nghiệp qua các khóa tập huấn đào tạo.
Đà Nẵng từ chối mời đấu thầu với những nhà thầu năng lực yếu
Đà Nẵng sẽ chỉ đạo chấm dứt hợp đồng và từ chối mời đấu thầu các công trình khác đối với những nhà thầu để chậm tiến độ kéo dài, năng lực yếu.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ chỉ đạo chấm dứt hợp đồng và từ chối mời đấu thầu các công trình khác đối với những nhà thầu chậm tiến độ kéo dài, năng lực yếu.
Đà Nẵng đầy nhanh tiến độ dự án nút giao thông cầu Trần Thị Lý. |
Theo thống kê, năm 2020, Đà Nẵng chỉ giải ngân được hơn 65% vốn đầu tư công, đây là con số rất thấp so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là vướng công tác giải tỏa đền bù giải phóng mặt bằng. Cả năm 2020, thành phố triển khai 244 Dự án, giải tỏa hơn 9.800 hồ sơ, nhưng đến nay chỉ hoàn thành được 30 dự án với 3.319 hồ sơ, đạt 12%.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh thì việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do vướng giải tỏa đền bù, chậm giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp còn do năng lực các đơn vị tư vấn, của đơn vị thi công và sự điều hành, quản lý của chủ đầu tư yếu kém.
“Thời gian tới, Thành phố sẽ siết chặt lại đối với những nhà thầu thi công năng lực yếu. Những nhà thầu chậm tiến độ kéo dài, thành phố sẽ chỉ đạo chấm dứt hợp đồng và từ chối mời đấu thầu các công trình khác”, ông Chinh khẳng định.
Ngoài ra, đối với các đơn vị tư vấn, Chủ tịch TP.Đà Nẵng lưu ý, gần đây rất nhiều đơn vị được thành phố chỉ định thầu, không ít đơn vị dựa vào sự quen biết chỗ này, chỗ kia rồi được chỉ định thầu nên có sự ỷ lại. Vì vậy, khi làm dự toán thiết kế công trình phải điều chỉnh nhiều lần, làm thay đổi chủ trương đầu tư, dẫn đến dự án kéo dài. Đối với những đơn vị này, nếu công trình để điều chỉnh một đến hai lần, Sở Xây dựng sau khi thẩm định còn tiếp tục sai phạm sẽ không được chỉ định thầu hoặc không cho tham gia đấu thầu đối với công trình trên 500 triệu đồng.
Riêng các đơn vị thi công có năng lực rất kém, ông Lê Trung Chinh yêu cầu cơ quan quản lý, chủ đầu tư trong hợp đồng với nhà thầu phải chia ra nhiều giai đoạn cụ thể, từng công việc để giao tiến độ. Nếu nhiều lần thi công chậm trễ thì chấm dứt hợp đồng ngay từ giai đoạn đầu tiên.
“Tôi lưu ý rõ, điều chúng ta quan tâm nhất chính là mục tiêu về tiến độ và chất lượng công trình. Vì vậy cần có biện pháp mạnh để xử lý những nhà thầu không đủ năng lực và loại ngay vòng đầu, để khỏi bị ảnh hưởng cả một công trình lớn. Những đơn vị nếu vi phạm nhiều lần thì chúng ta không chỉ định thầu và không tổ chức kêu gọi mời thầu nữa”, ông Chinh nhấn mạnh.
Theo ông Lê Trung Chinh thông tin, Thành phố sẽ thành lập 2 tổ công tác tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư, đất đai, giao cho 2 Phó chủ tịch UBND thành phố đảm nhiệm. UBND TP cũng sẽ tăng số lượng cấp phó các sở Tài nguyên - môi trường, Xây dựng và Văn phòng UBND Thành phố để tập trung cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế.
Đồng Nai cấp phép cho 3 dự án FDI, vốn đầu tư 190 triệu USD
Cả 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được trao giấy phép đều hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có 2 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Cụ thể, 2 Dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc, đó là Dự án Hansol Electronics Hố Nai của Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam, vốn đầu tư 100 triệu USD, diện tích đất sử dụng hơn 5 ha…
Dự án có mục tiêu hoạt động: Sản xuất, gia công và lắp ráp mô - đun hiển thị tinh thể lỏng (LCM) với quy mô 5,4 triệu sản phẩm/năm. Sản xuất, gia công và lắp ráp bản mạch điện tử PBA với quy mô 5,4 triệu sản phẩm/năm…
Dự án Nhà máy sản xuất của Công ty Platel tại Đồng Nai của Công ty TNHH Platel Vina, vốn đầu tư 30 triệu USD. Dự án có mục tiêu hoạt động sản xuất vỏ thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử từ nguyên liệu nhựa, công suất 400 tấn sản phẩm/năm.
Dự án của doanh nghiệp Nhật Bản là nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Ojitex Việt Nam, vốn đầu tư 60 triệu USD, diện tích đất sử dụng 8 ha. Dự án có mục tiêu hoạt động: Sản xuất các loại bao bì chất lượng cao, bao gồm công đoạn in ấn trên sản phẩm của doanh nghiệp với quy mô 78.000 tấn/năm. Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu, quyền phân phối bán buôn.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, cả 3 doanh nghiệp trên đều đã thực hiện dự án tại Việt Nam và quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh trên nền tảng thành công của các dự án hiện hữu. Điều đó càng khẳng định, Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng luôn là đối tác chiến lược của Hàn Quốc, Nhật Bản trong thương mại và đầu tư.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai kỳ vọng các dự án sẽ triển khai thực hiện đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động chính thức, gặt hái được nhiều thành công. Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp triển khai dự án được thuận lợi, sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, làm kết nối vùng để quản lý dịch bệnh, ngăn chặn Covid-19, giữ môi trường sản xuất kinh doanh ổn định nhất cho doanh nghiệp…
Theo lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong năm nay, Ban có kế hoạch thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp là khoảng 700 triệu USD và 2.000 tỷ đồng. Trong đó thu hút đầu tư vốn FDI là 300 triệu USD vốn mới, 400 triệu USD vốn đầu tư mở rộng. Thu hút 1.500 tỷ vốn đầu tư trong nước là vốn mới và 500 tỷ đồng vốn đầu tư mở rộng.
Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 1/2021, các khu công nghiệp ở Đồng Nai đã thu hút được 226 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có 190 triệu USD vốn đầu tư mới và 36 triệu USD từ 8 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư.
Đề xuất phương án đầu tư Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc 18.200 tỷ đồng
Dự án PPP xây dựng cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài từ 51 km - 67 km, quy mô 4 làn xe sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2024.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuẩn bị thực hiện Dự án đầu tư đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Một đoạn Quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc. |
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh này làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo hình thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước.
Cụ thể, tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) Dự án vào khoảng 18.200 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.700 tỷ đồng (trước mắt, bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện); vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong Dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 khoảng 9.700 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, vẫn chưa tự cân đối thu chi, hàng năm phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương nhưng với quyết tâm thực hiện dự án nên Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất đối ứng khoảng 3.000 tỷ đồng. Phần vốn Nhà nước tham gia vào Dự án còn lại (trị giá 6.700 tỷ đồng) sẽ do Ngân sách Trung ương bố trí.
UBND tỉnh Lâm Đồng, Dự án đang tạm xây dựng 4 phương án đầu tư theo phương thức PPP khả thi về tài chính với thời gian hoàn vốn từ 17 năm 2 tháng đến 29 năm 10 tháng. Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, thời gian thực hiện Dự án sẽ bắt đầu từ năm 2021 đến năm 2024.
Lãnh đạo địa phương cho biết, phương án đầu tư này, ngoài tính khả thi để thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, còn tiết kiệm cho Ngân sách nhà nước 9.700 tỷ đồng. Ngoài ra, tại tỉnh Lâm Đồng hiện có nhiều nhà đầu tư dự án khác quan tâm đến việc tham gia đầu tư Dự án một cách gián tiếp theo quy định tại Điều 78 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nên phương án huy động vốn có nhiều thuận lợi khi tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức thực hiện Dự án.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của liên danh Đèo Cả - Hưng Thịnh – đơn vị tài trợ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, có 2 phương án tuyến triển khai Dự án.
Với phương án hướng tuyến 1, Dự án sẽ có điểm đầu tại Km59+596 (lý trình tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đây cũng là điểm cuối của Dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây - Tân Phú tại xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km110+500, giao với Quốc lộ 55 tại khu vực phường Lộc Phát, Tp. Bảo Lộc (giao với đường Nguyễn Văn Cừ). Dự án có chiều dài tuyến khoảng 67 km, tổng mức đầu tư khoảng 18.218 tỷ đồng.
Với phương án hướng tuyến 2, Dự án có điểm đầu tại Km59+596 (lý trình tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đây cũng là điểm đầu của Phương án hướng tuyến 1); điểm cuối tại Km126+360, giao với Quốc lộ 55 tại khu vực xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Chiều dài tuyến khoảng 51 km (trong đó có 1 hầm dài 700m và 1 hầm dài 2km). Với phương án này, tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 18.222 tỷ đồng.
Dự án phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô nền đường 17m với 4 làn xe cơ giới, giai đoạn 2 hoàn thiện đảm bảo bề rộng nền đường 22m.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, phương án hướng tuyến 1 và phương án hướng tuyến 2 đều có những ưu điểm khác nhau và sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án theo quy định.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là một trong 7 tuyến đường thuộc hệ thống đường cao tốc quốc gia tại khu vực phía Nam, kết nối với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trong khu vực.
Như vậy, khi dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đầu tư và cùng với dự án đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú đang được Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 thì ngoài việc phù hợp với quy hoạch, còn giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc, góp phần nâng cao hiệu quả rất lớn trong phát triển kinh tế liên vùng giữa tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên với khu vực miền Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Quảng Bình: Thu hút đầu tư năm 2020 đạt gần 300 triệu USD
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, năm 2020, Quảng Bình đã cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đăng ký 295,11 triệu USD.
Quảng Bình đang kêu gọi đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. |
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, hiện nay UBND tỉnh Quảng Bình đang lấy ý kiến, thẩm định của các Sở, ngành, địa phương có liên quan để báo cáo UBND tỉnh cấp chấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 Dự án đầu tư: Dự án Trang trại chăn nuôi lợn giống chất lượng cao; Dự án Trang trại chăn nuôi lợn giống chất lượng cao của Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình với tổng mức đầu tư 12,8 triệu USD và Dự án Trang trại điện gió BT2- Giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần điện gió BT3 với tổng mức đầu tư 54,6 triệu USD.
Tính chung toàn tỉnh Quảng Bình hiện nay có 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.078,63 triệu USD, trong đó 9 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động chính thức; 13 dự án đang xây dựng cơ bản; 2 dự án đang lập dự án đầu tư; 2 dự án tạm ngừng hoạt động.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, đối với các dự án đang đầu tư xây dựng cơ bản, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên nhiều dự án vẫn tiếp tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn đảm bảo tiến độ cam kết như Dự án Trại sản xuất tôm giống Quảng Bình 2 của Công ty Cổ phần CP; Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa; Cụm dự án Trang trại điện gió B&T. Dự kiến, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến kỳ báo cáo khoảng 70 triệu USD. Riêng các dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, do ảnh hưởng khá lớn bởi COVID-19 và thiên tai trong thời gian vừa qua, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án bị giảm mạnh doanh thu năm 2020 ước đạt khoảng 165 triệu USD; chỉ đạt 75% so với cùng kỳ năm 2019; giải quyết việc làm cho 1.511 lao động; nộp ngân sách ước đạt 6,0 triệu USD.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, năm 2021, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực mà Quảng Bình có tiềm năng, thế mạnh. Cụ thể, ngày 17/1 tới đây, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021 với chủ đề: “Quảng Bình - Tiềm năng, an toàn và khác biệt”.
Đây là hoạt động khởi đầu cho nhiệm kỳ mới. Hội nghị còn là dịp để quảng bá về hình ảnh mới của một Quảng Bình không chỉ có thiên tai bão lũ, mà còn là mảnh đất của nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Đồng thời, thu hút đầu tư vào du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp...
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng sẽ tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài đang nghiên cứu, khảo sát sớm triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh như: Tập đoạn Sowitec về đầu tư nhà máy điện gió Quảng Bình 1 với công suất 252 MW tại huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 315 triệu USD; Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đồng Tâm và Quadran International (Pháp) đầu tư dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi với công suất 711MW...
Nhà máy sợi 600 tỷ đồng chuẩn bị được đầu tư tại Hà Tĩnh
Dự án Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh có với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 5,4 ha, chia làm 3 giai đoạn và hoàn thành xong trong năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Tiến Hưng vừa ký Quyết định số 168/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.
Dự án Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh, chuyên sản xuất sợi OEcó tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn đầu tư. |
Dự án Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh chuyên sản xuất sợi OE phục vụ công nghiệp may mặc với công suất 18.720 tấn/năm, trên diện tích 5,4ha do Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh làm chủ đầu tư sẽ được xây dựng tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 600 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh 50 năm, kể từ ngày ban hành quyết định chủ tư.
Dự án sản xuất sợi OE sẽ được Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh triển khai theo 3 giai đoạn, đến 2024 là hoàn tất đầu tư toàn bộ.
Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư; triển khai xây hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống văn phòng, nhà làm việc; lắp đặt 1 hệ thống dây chuyền cung bông và máy chải TC19, 9 máy kéo sợi, 3 máy ép kiện... với mức đầu tư gần 293 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Giai đoạn 2: Công ty Cổ phần Sợi Nghệ Tĩnh sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 hệ thống dây chuyền cung bông và 9 máy chải TC19, 9 máy kéo sợi, 3 máy ép kiện... với mức đầu tư trên 161 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Giai đoạn 3: Công ty Cổ phần Sợi Nghệ Tĩnh sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 hệ thống dây chuyền cung bông và 8 máy chải TC19, 8 máy kéo sợi, 3 máy ép kiện... với mức đầu tư trên 146 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Hà Tĩnh và Tân Cảng Sài Gòn ký ghi nhớ hợp tác lĩnh vực cảng biển, logistics
UBND tỉnh Hà Tĩnh và Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) vừa ký biên bản ghi về việc khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương.
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh dấu một bước phát triển mới, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương. Ảnh T.H |
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cho biết, với bề dày kinh nghiệm, năng lực của Tổng Công ty SNP, Hà Tĩnh mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ trên lĩnh vực phát triển kinh tế cảng biển, bao gồm: Khảo sát đầu tư, khai thác, phát triển cảng biển và trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương; hỗ trợ về công nghệ, thiết bị, công cụ xếp dỡ, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đang đầu tư, khai thác cảng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Hỗ trợ kêu gọi các chủ hàng, hãng tàu và khách hàng là đối tác của SNP để mở tuyến vận tải hàng container qua cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh…
Trên cơ sở đó, SNP và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký “Biên bản ghi nhớ” hợp tác, đánh dấu một bước phát triển mới, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương và năng lực, kinh nghiệm, chiến lược phát triển của SNP.
Về phía SNP có trách nhiệm khảo sát đầu tư, khai thác, phát triển cảng biển và trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương; hỗ trợ về công nghệ, thiết bị, công cụ xếp dỡ, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đang đầu tư, khai thác cảng trên địa bàn Hà Tĩnh; kêu gọi các chủ hàng, hãng tàu và khách hàng là đối tác của Tân Cảng Sài Gòn mở tuyến vận tải hàng container qua cảng Vũng Áng.
Tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp các thông tin liên quan để phục vụ nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các Dự án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hướng dẫn, hỗ trợ SNP trình tự, thủ tục đầu tư dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện. Tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các cán bộ, chuyên gia của SNP khảo sát, làm việc tại Hà Tĩnh.
Biên bản ghi nhớ thống nhất trên nguyên tắc hợp tác để cung cấp và sử dụng các sản phẩm dịch vụ vào lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, nhằm kết hợp tối đa lợi thế cạnh tranh và thế mạnh của SNP và tỉnh Hà Tĩnh, làm đòn bẩy phát triển kinh tế tại địa phương và đáp ứng xu thế phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế.
Biết đến SNP với hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng Công ty đã trở thành nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam với các dịch vụ như: Xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải, cứu hộ, cứu nạn, hoa tiêu, địa ốc, cao ốc văn phòng, xây dựng công trình dân sự, quân sự... và vận tải đa phương thức.
Định hướng chiến lược của SNP là phát triển sản xuất kinh doanh bền vững trên 3 trụ cột: Khai thác cảng, dịch vụ logistics và vận tải biển, dịch vụ hàng hải. SNP quản lý một hệ thống các cơ sở từ Bắc đến Nam với hàng chục công ty con hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế.
“Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh dấu một bước phát triển mới, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và trung tâm Logistics Vũng Áng - Sơn Dương”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng nhấn mạnh.
Foxconn tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa
Tập đoàn Foxconn Việt Nam do Tổng Giám đốc Zhuo Xiam Hong làm trưởng đoàn vừa tới Thanh Hóa khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử.
Tập đoàn Khoa Học Kỹ Thuật Hồng Hải (Tập đoàn Foxconn), thành lập tại Đài Loan với quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Tập đoàn có hơn 100 Công ty và chi nhánh tại các nước, trong đó có các nhà máy sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang của Việt Nam.
Doanh thu của Tập đoàn năm 2020 đạt hơn 210 tỷ USD, trong đó doanh thu tại Việt Nam là 6 tỷ USD. Mục tiêu của Foxconn trong 5 năm tới là nâng doanh thu tại Việt Nam lên 40 tỷ USD và đầu tư các nhà máy ở một số tỉnh thành của Việt Nam. Thanh Hóa được xác định là một trong những địa điểm lựa chọn đầu tư của tập đoàn.
Trong chuyến công tác này, Foxconn Việt Nam mong muốn được tỉnh Thanh Hóa giới thiệu địa điểm và ủng hộ tập đoàn đầu tư vào một khu công nghiệp quy mô khoảng 150 ha để xây dựng các nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm, sử dụng khoảng 100 - 150.000 lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã giới thiệu khái quát với nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh, vị trí địa lí, hạ tầng giao thông, khả năng kết nối, giao thương từ Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước và thế giới.
Theo đó, Thanh Hóa có Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn. Cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT; Cảng Hàng không Quốc tế Thọ Xuân; Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, liên thông với nhiều nước trong khối ASEAN…
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa còn giới thiệu 7 KCN trên địa bàn để Tập đoàn Foxconn Việt Nam tìm hiểu đầu tư, bao gồm: KCN đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa; KCN Quảng Xương, huyện Quảng Xương; KCN Giang - Quang - Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Lam Sơn - Sao Vàng; KCN số 6 và số 17, Khu kinh tế Nghi Sơn; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Foxconn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định, điện tử, công nghệ thông tin và máy tính là một trong những lĩnh vực mà Thanh Hóa đang ưu tiên thu hút đầu tư. Nếu Foxconn quyết định đầu tư tại Thanh Hóa, tỉnh cam kết sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho Tập đoàn thực hiện Dự án; cam kết đầu tư xây dựng, kết nối đường giao thông, thông tin, điện nước đến chân hàng rào dự án. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để thực hiện trình tự thủ tục đầu tư trong thời gian ngắn nhất theo yêu cầu của chủ đầu tư. Khi Tập đoàn quyết định đầu tư, tỉnh sẽ lập ban chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triền khai, thực hiện dự án.
Thanh Hóa: Thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cho riêng Dự án Quảng trường biển
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) cho riêng Dự án Quảng trường biển do Tập đoàn Sungroup là nhà đầu tư.
Phối cảnh dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn. Ảnh phối cảnh: Tập đoàn Sun Group. |
Trong quá trình triển khai GPMB thực hiện Dự án Quảng trường biển tại thành phố Sầm Sơn, một số vướng mắc tồn tại cần được tháo gỡ. Hiện còn 269 hộ chưa đồng thuận phối hợp kiểm kê đất đai, tài sản. Để bảo đảm tiến độ GPMB cũng như kịp thời hỗ trợ thành phố Sầm Sơn trong công tác GPMB, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo GPMB cho riêng Dự án và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm làm Trưởng ban; bổ sung thêm nhân lực từ các sở, ngành để hỗ trợ thành phố Sầm Sơn trong công tác GPMB với số lượng 10 người.
Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3922/QĐ-UBND ngày 10/10/2018; phê duyệt điểu chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 16/4/2020.
Dự án có quy mô 15,28 ha, gồm khu vực quảng trường 2,24 ha (tượng đài, kỳ đài, sân quảng trường và các công trình phụ trợ) và trục cảnh quan 13,04 ha (đường dạo, đài phun nước, hệ thống cây xanh, công trình phụ trợ). Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
5 đơn vị hành chính ảnh hưởng bởi Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội gồm các phường Quảng Tiến, Quảng Châu, Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn. Theo đó, tổng diện tích đất thu hồi GPMB cho toàn bộ dự án là 400,11 ha/7.263 hộ, trong đó đất ở là 41,03 ha/1.869 hộ, đất nông nghiệp 277,66 ha/4.936 hộ, đất khác 84,42 ha/458 hộ.
Ngoài ra, để thực hiện Dự án này, TP Sầm Sơn cần di chuyển 3 nhà văn hóa phố, 2 bến thuyền (khoảng 300 phương tiện đánh bắt), 1 bãi rác (270.000 m2), 4 nghĩa trang (5.000 mộ) và hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tính đến ngày 31/12/2020, TP Sầm Sơn đã GPMB được 125,16 ha/810 hộ, chủ yếu là đất nông nghiệp và đất khác; kiểm kê GPMB được 1.600/1.869 hộ đất ở, còn lại 269 hộ chưa kiểm kê. Quá trình triển khai GPMB, Thành phố đang gặp một số vướng mắc như: 269 hộ chưa đồng thuận phối hợp kiểm kê đất, tài sản; khó khăn về quỹ đất đối ứng cho các dự án; kinh phí hỗ trợ các hộ dân thuê nhà ở; nhân lực thực hiện GPMB…
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, đây là Dự án lớn, số hộ dân phải di dời nhiều, nên quá trình GPMB phát sinh các khó khăn, vướng mắc là khó tránh khỏi.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu TP Sầm Sơn tổ chức đợt cao điểm GPMB với tinh thần quyết liệt, nhưng có phương pháp phù hợp, đồng bộ, kịp thời và linh hoạt; yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp với TP Sầm Sơn trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB, tái định cư; xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp, song cần chú ý, quan tâm đến sinh kế của người dân. Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo GPMB cần chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, thông tin báo cáo để các sở, ngành, địa phương, đơn vị nắm bắt đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan.
“Dự án Quảng trường biển là dự án rất lớn, rất quan trọng và có ý nghĩa nhiều mặt không chỉ với Sầm Sơn, mà còn đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng Sầm Sơn lên một đẳng cấp mới. Do đó, tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và nhà đầu tư cần dành sự quan tâm cao nhất, với quyết tâm cao nhất, để hoàn thành dự án hiệu quả nhất”, ông Tuấn nhấn mạnh.