Đầu tư tuần qua: Khánh Hòa loại 4 dự án thủy điện, Bình Định xin chuyển hàng trăm ha đất rừng làm điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
Khánh Hòa loại 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng nhiều đất rừng; Bình Định xin chuyển hàng trăm ha đất rừng để làm điện mặt trời;... là những thông tin về đầu tư đáng chú ý.

Khánh Hòa loại 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng nhiều đất rừng

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thống nhất không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Sở Công thương, sẽ không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Theo thống kê từ Sở Công thương Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất lắp máy là 113MW, không có dự án nào có hồ, đập liên quan nằm trên địa bàn tỉnh khác. Cụ thể các dự án gồm: Ea Krong Rou, Sông Giang 2, Sông Giang 1, Sông Chò 2, Sông Cái, Hoa Sơn, Sông Trang, Khánh Thượng.

Lo ngại mất đất rừng, Khánh Hòa "gạch tên" 4 dự án thủy điện nhỏ và vừa. Ảnh minh họa
Lo ngại mất đất rừng, Khánh Hòa "gạch tên" 4 dự án thủy điện nhỏ và vừa. Ảnh minh họa

Trong số 8 dự án nêu trên có 3 dự án đang vận hành phát điện gồm: Nhà máy thủy điện Ea Krong Rou (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), công suất 28MW do Công ty Cổ phần Đầu tư miền Trung làm chủ đầu tư; Nhà máy thủy điện sông Giang (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh), công suất 37MW do Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư; Nhà máy thủy điện Sông Chò 2 (xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh), công suất 37MW do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Chò làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, hiện nay, Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang đang đầu tư xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Sông Giang 1, công suất 12MW tại xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Khánh Hòa, trước đó thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, sau khi rà soát, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi thỏa thuận đầu tư, đưa 4 dự án ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ toàn quốc gồm: Sông Trang (công suất 5W), Khánh Thượng (công suất 18MW), Sông Cái (công suất 2MW), Hoa Sơn (công suất 4W) với lý do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích rừng bị ảnh hưởng nhiều, chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Đối chiếu Quy hoạch phát triển Điện lực Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến năm 2035 đã được Bộ Công thương phê duyệt năm 2017, trên địa bàn tỉnh không có tiềm năng phát triển nguồn dự án thủy điện, vì các vị trí tiềm năng thủy điện để nghiên cứu, khảo sát không có hiệu quả kinh tế, chiếm dụng nhiều đất rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phải đền bù di dân tái định cư và đấu nối nhà máy vào điện lưới quốc gia rất khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đã đề nghị được khảo sát đầu tư các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh (tập trung tại Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Vạn Ninh) nhưng địa phương đều từ chối do tác động đến môi trường quá lớn.

Đơn cử, như tháng 9/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư VSD (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có công văn về việc xin chủ trương đầu tư dự án và bổ sung quy hoạch dự án thủy điện tại Khánh Vĩnh. Cùng thời điểm này, Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á Thống Nhất cũng có công văn xin chủ trương khảo sát, đầu tư xây dựng thủy điện Sơn Thái (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm). Nhưng cả hai dự án này đều không được UBND tỉnh đồng ý.

Theo lý giải của lãnh đạo tỉnh này, với đặc điểm các con sông ở Khánh Hòa đều bắt nguồn từ vùng cao, chủ yếu đi qua vùng rừng tự nhiên, chiều dài sông ngắn và đều đổ trực tiếp ra biển, vì vậy, những tháng mùa khô, các con sông này có nguy cơ bị xâm nhập mặn cao, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt… Đó chính là lý do để Khánh Hòa không phát triển thêm dự án thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn.

Lộ trình bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ bắt đầu nghiệm thu tổng thể để bàn giao công trình cho thành phố Hà Nội từ tháng 1/2021 và hoàn thành trong quý I/2021.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km hiện đã cơ bản thi công xong phần xây lắp; mua sắm đoàn tàu.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km hiện đã cơ bản thi công xong phần xây lắp; mua sắm đoàn tàu.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong Báo cáo số 540/BC – CP về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM vừa được Chính phủ gửi Quốc hội vào đầu tuần này.

Được biết, có 6 dự án đường sắt đô thị được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp lần này là tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi); tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên); tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Bến Thành - Tham Lương).

Liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ cho biết là theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư ban đầu, Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2008, hoàn thành công trình đưa vào khai thác tháng 11/2013. Vào đầu năm 2016, Bộ GTVT tiến hành điều chỉnh tiến độ triển khai với mốc khởi công là năm 2010 và hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong năm 2016.

Căn cứ tình hình triển khai Dự án, vào đầu tháng 7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận gia hạn tiến độ Dự án với thời gian hoàn thành giai đoạn thực hiện Dự án trong quý IV năm 2018 với thời gian vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc khác từ 3 - 6 tháng; quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành xây dựng 24 tháng kể từ khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên Tổng thầu, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống chưa huy động đủ nhân sự sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại nên chưa thể hoàn thành để đưa Dự án vào khai thác sử dụng theo kế hoạch. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT tập trung, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn, khẩn trương nghiệm thu, bàn giao Dự án cho UBND Tp. Hà Nội để đưa vào vận hành.

Tính đến đầu tháng 10/2020, Dự án đã cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng (gồm 13,05 km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao; toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu; toàn bộ 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành; 16 khu đơn thể Depot kèm theo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh); đã hoàn thành việc mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1, đã vận chuyển và lắp đặt tại dự án.

Tổng thầu cũng đã cung cấp và lắp đặt hoàn chỉnh 11/11 chuyên ngành thiết bị. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như thiếu hồ sơ hoàn công chứng minh phương án đảm bảo an toàn đối với 4 cột tín hiệu bị khuất tầm nhìn khi dừng tàu ở chế độ thủ công; thông số kỹ thuật của thiết bị AFC (máy đóng gói thẻ vé, cung cấp hồ sơ tài liệu an toàn của đoàn tàu...)

Song song với việc hoàn thiện các vấn đề tồn tại nêu trên, Tổng thầu đã thực hiện công tác vận hành thử đơn động, căn chỉnh cho 4/11 chuyên ngành thiết bị (Cấp điện, Thông tin, Tín hiệu, Đoàn tàu) và hạng mục Đường ray. Hiện còn 7/11 chuyên ngành thiết bị, Tổng thầu đang hoàn thiện các bước nghiệm thu để vận hành thử toàn hệ thống và nghiệm thu bàn giao gồm: thu soát vé tự động (AFC), Cảnh báo cháy (FAS), Điều hòa thông gió, Thang máy thang cuốn, Chiếu sáng động lực, Biển chỉ dẫn nhà ga và Công nghệ Depot.

Điều đáng nói là theo báo cáo của Bộ GTVT, do một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kết luận của Kiểm toán Nhà nước và với diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 (nhân sự của Tổng thầu và tư vấn đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống không huy động kịp thời sang Việt Nam) nên đến nay Tổng thầu chưa cam kết, xác định chính xác thời gian nghiệm thu, bàn giao dự án.

Mặc dầu vậy, Chính phủ khẳng định là đang quyết liệt chỉ đạo Bộ GTVT, Ban quản lý dự án đường sắt tập trung nghiệm thu, thanh toán để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho Tổng thầu. Đồng thời, Bộ GTVT tăng cường phối hợp chỉ đạo Tổng thầu, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sớm đưa nhân sự sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại, phấn đấu cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành công tác vận hành thử, diễn tập các tình huống an toàn để tư vấn chức nhận an toàn hệ thống kiểm chứng; thực hiện đánh giá theo quy định; tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể bàn giao Dự án cho UBND Tp. Hà Nội. Dự kiến công tác bàn giao sẽ hoàn thành trong quý I/2021.

Bình Định đồng ý cho Tập đoàn PNE PG lắp cột gió khảo sát nguồn điện

Ngày 23/10, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE PG khảo sát, nghiên cứu và lắp đặt cột gió, đánh giá tiềm năng trên một số khu vực biển Phù Mỹ, Phù Cát.

Phối cảnh dự án điện gió ngoài khơi. ảnh minh họa
Phối cảnh dự án điện gió ngoài khơi. ảnh minh họa

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, xét đề nghị của Sở Công thương tại Văn bản số 1302 về việc Tập đoàn PNE AG ( Plambeck Neue Energie AG) đề xuất đầu tư dự án xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD và thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy số 02-TB/TU ngày 22/10/2020, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE AG được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ.

Trong quá trình thực hiện khảo sát, nghiên cứu Nhà đầu tư phải phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan để thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các quy hoạch khác trên địa bàn và không ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định, ông Nguyễn Bay cho hay, trước đó, ngày 1/9/2020, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam và Tập đoàn PNE AG (CHLB Đức) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định.

PNE AG (trước đây là Plambeck Neue Energie AG) là tập đoàn của Đức có trụ sở tại Cuxhaven, bang Niedersachsen, Đức được thành lập vào năm 1995.

Tập đoàn đang thực hiện các dự án về năng lượng điện gió trên đất liền và trên biển (ngoài khơi). Mô hình kinh doanh của PNE AG bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, cấp vốn, vận hành và bán các trang trại điện gió. Ngoài ra, các sản phẩm của PNE AG còn bao gồm các dự án về công nghệ quang điện, lưu trữ điện và điện hình thành từ khí từ hydro.

Tập đoàn hiện đã đầu tư dự án tại một số quốc gia phát triển như Hungary, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một số nước đang phát triển tại Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn PNE AG đã đề xuất thực hiện dự án điện gió trên biển thuộc vùng biển tỉnh Bình Định, dự kiến dự án sẽ có công suất 500 MW - 700 MW với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; đồng thời, yêu cầu Tập đoàn PNE AG tích cực phối hợp cùng các cơ quan của tỉnh và trung ương sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết để có thể bắt đầu triển khai xây dựng.

Tài nguyên năng lượng gió ngoài khơi là nguồn năng lượng mới và đang được đầu tư phát triển mạnh nhất trên thế giới trong thời đại ngày nay. Năng lượng gió trên biển được chuyển đổi thành điện năng nhờ các tuabin gió và được chế tạo với tuổi thọ cao hơn phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển. Mặt khác sẽ là những điểm tham quan, du lịch học tập, là “mắt thần” giúp tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là dự án đầu tiên của Tập đoàn PNE AG tại Việt Nam và là dự án điện gió trên biển thứ 2 của cả nước sau dự án điện gió trên biển tại tỉnh Bạc Liêu.

Xác định thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo đó, việc bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021 phải đảm bảo theo các thứ tự ưu tiên, trước hết là bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); sau đó mới bố trí vốn để thu hồi số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương.

Sau khi phân bổ cho hai nguồn này, phải bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025.

Tiếp theo, bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA; bố trí vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2021…

Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới. Trong đó, ưu tiên các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục, được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, dự án thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Chính phủ số, xã hội số… phục vụ và góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị, điều hành quốc gia…

Sau đó, mới đến các dự án thuộc các lĩnh vực: giao thông có tính chất kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, quốc phòng an ninh, dự án cấp bách phòng, chống thiên tai, xử lý sạt lở, bờ sông, bờ biển, an ninh quốc phòng…

Điều đáng lưu tâm là, do các dự án khởi công mới trong năm 2021 chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên việc khởi công mới phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành, địa phương phải đảm bảo sau khi thực hiện phân bổ vốn theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, nếu còn vốn mới đề xuất khởi công mới. Khi đề xuất khởi công mới, phải làm rõ tính cần thiết, cấp bách, tiến độ hoàn thành thủ tục và đảm bảo giải ngân được trong năm 2021.

Cũng do năm 2021, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa được Quốc hội thông qua, nên Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định giao danh mục và mức vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án, nhiệm vụ mới của các bộ ngành, địa phương.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành, địa phương, đối với các dự án khởi công mới năm 2021, phải hoàn thiện việc phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 10/12/2020 làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao danh mục và mức vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2021 trước ngày 31/12/2020.

Năm 2021 cũng là năm bắt đầu thực hiện quy định giải ngân 1 năm theo Luật Đầu tư công sửa đổi, cũng là năm đầu tiên thực hiện khoản 4 Điều 44 Nghị định 40/2020/NĐ-CP, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm rà soát, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ ngành, địa phương.

Vốn Nhật Bản tiếp tục đổ vào hạ tầng cứng

Khớp với chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam, phía Nhật Bản tập trung hỗ trợ Việt Nam trong các dự án đầu tư công, trong đó phát triển hạ tầng là then chốt.

Cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam.
Cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam.

Hạ tầng là lĩnh vực then chốt trong 12 văn kiện hợp tác kinh tế Việt - Nhật được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong hai ngày 19-20/10. Phía Nhật Bản khẳng định, cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt các dự án quan trọng như cải thiện môi trường nước và đường sắt đô thị tại TP.HCM.

Đối với dự án đường sắt đô thị TP.HCM, vài ngày trước chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga, TP.HCM đã chính thức đón nhận đoàn tàu đầu tiên (sản xuất tại Nhật Bản) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự án có chiều dài toàn tuyến 19,7 km, được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007, với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng. Sau đó, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Quốc hội cho phép Thành phố duyệt tổng mức đầu tư mới là 43.600 tỷ đồng.

Còn tuyến metro số 3A (Bến Thành - Ga Tân Kiên) có chiều dài gần 20 km, gồm 18 nhà ga đi qua 8 quận, huyện. Theo nghiên cứu do tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện, Dự án được đề xuất phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Tổng mức đầu tư của Dự án là 2,82 tỷ USD. Tháng 5/2020, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật đề xuất Dự án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam khẳng định, dưới tác động tiêu cực của Covid-19, các dự án hạ tầng đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản vẫn triển khai đúng tiến độ. Song hành với chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam về việc không để ngưng trệ thi công các công trình công cộng, JICA vẫn tiếp tục triển khai các dự án xây dựng thuộc nguồn vốn ODA, duy trì việc làm cho các kỹ sư Việt Nam, góp sức vào phục hồi nền kinh tế.

Việc cộng đồng những người dễ bị tổn thương trong xã hội chịu tác động nặng nề hơn bởi Covid-19 là một trong những động lực khiến JICA thúc đẩy các dự án nhằm giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo, thông qua phát triển hạ tầng không chỉ ở khu vực thành thị, mà còn ở khu vực nông thôn.

Cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt các Dự án cải thiện môi trường nước và đường sắt đô thị tại TP.HCM.

Đơn cử, Dự án Tín dụng ngành giao thông - vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai do Nhật Bản hỗ trợ đã hoàn tất tiến hành cải tạo, xây dựng lại 98 cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc (tính đến tháng 7/2020). Các cây cầu tuy nhỏ, nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại và góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương.

Một dự án hạ tầng khác mang lại tác động xã hội lớn là Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, TP. Hà Nội sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Phía JICA cho biết, mới đây nhất, gói thầu lớn nhất (thi công khu xử lý nước thải) thuộc dự án này đã chính thức được khởi công.

Đến nay, cả 4 gói thầu của Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, TP. Hà Nội, trong đó 3 gói thầu xây dựng tuyến cống và gói thầu xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000 m3/ngày đêm, đều được triển khai thi công. Sau khi Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, nước thải sinh hoạt sẽ được thu gom và xử lý trước khi xả vào sông Tô Lịch và sông Lừ, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm tại lưu vực hai con sông này, cải thiện môi trường sống của người dân tại khu vực lân cận.

“Các công trình dự án công cộng trên phù hợp với danh mục ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bên cạnh các dự án đã ký kết và đang triển khai ổn định, JICA sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam thực hiện các dự án mới đem lại hiệu quả phát triển cao hơn nữa”, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam khẳng định.

Bình Định xin chuyển hàng trăm ha đất rừng để làm điện mặt trời

UBND tỉnh Bình Định vừa trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án điện mặt trời.

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại tỉnh Bình Định được hòa lưới điện quốc gia. Ảnh Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, Phù Cát (công suất 49,5 MWp).
Dự án Nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại tỉnh Bình Định được hòa lưới điện quốc gia. Ảnh Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, Phù Cát (công suất 49,5 MWp).

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định gửi tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 155 ha rừng để triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 2 và Phù Mỹ 3.

Cụ thể, để xây dựng nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 83,72 ha rừng để triển khai dự án này.

Dự án được thực hiện tại xã Mỹ Thắng và xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ với công suất 120 MWp, diện tích đất sử dụng 123 ha và tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.000 tỷ đồng.

Sau khi điều tra rừng thuộc khu vực triển khai dự án, UBND tỉnh Bình Định cho biết đất trồng rừng phòng hộ được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước là rừng trồng phi lao do Ban quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ quản lý với diện tích 80,42 ha.

Còn đất trồng rừng phòng hộ được đầu tư bằng vốn khác là do người dân đầu tư và đang sử dụng với diện tích 3,3 ha.

Đối với dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 2, UBND tỉnh này cũng đề nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 43,13 ha rừng để triển khai dự án.

Điện mặt trời Phù Mỹ 2 được thực hiện tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ với công suất 110 MWp, diện tích 106 ha và tổng mức đầu tư dự kiến 2.253 tỷ đồng.

Hiện đất trồng rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ quản lý và đang trồng phi lao với diện tích 30,95 ha và 12,18 ha đất rừng do người dân đầu tư và đang sử dụng.

Cả 2 dự án này đã có phương án trồng rừng thay thế được chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vào tháng 9/2020 và đều do Công ty Cổ phần phát triển năng lượng sạch (thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư. Tổng vốn cả 2 dự án lên tới trên 5.000 tỷ đồng.

Đối với dự án điện mặt trời Phù Mỹ 3, Bình Định cũng xin trung ương được chuyển mục đích sử dụng 28,29 ha rừng để triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời.

Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 do Công ty cổ phần Phát triển năng lượng sạch (thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư, thực hiện tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ).

Nhà máy có công suất 100 MWp, diện tích đất sử dụng là 94,36 ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.048 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 thực hiện trên diện tích 56,84 ha; giai đoạn 2 thực hiện trên diện tích 37,52 ha.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, việc đầu tư xây dựng dự án năng lượng điện mặt trời Phù Mỹ 1, 2, 3 với quy mô công suất lớn là hết sức cần thiết, bởi đây là dự án sử dụng năng lượng tái tạo và sạch, không phát thải khí nhà kính, không gây ra chất gây ô nhiễm môi trường.

Nhà đầu tư Singapore tăng vốn vào tài chính, công nghệ

Ngoài lĩnh vực bất động sản, gần đây, Việt Nam được xem là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp tài chính, công nghệ đến từ Singapore.

Dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Singapore đang chảy mạnh vào các địa phương phía Nam nhằm đón cơ hội khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Toàn cảnh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: VSIP

Toàn cảnh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: VSIP

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, trong số 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Thành phố, các doanh nghiệp từ Singapore đóng góp 813,5 triệu USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM.

Tính rộng ra, theo thống kê gần đây, trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại TP.HCM, Singapore đang đứng vị trí thứ nhất, với 1.100 dự án có tổng vốn đầu tư 10,73 tỷ USD. Đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn của Singapore như Kepple Land, Capital Land… có các dự án quy mô lớn tại TP.HCM.

Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Singapore rót vốn đầu tư nhiều thứ 3 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào địa phương này, với tổng vốn đăng ký 198 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư.

Theo ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM, đến nay, doanh nghiệp nước này đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 70 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 3,6 tỷ USD, xếp thứ 4 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh này. “Các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Đồng Nai khá thành công, do đó, nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu và có kế hoạch tiếp tục đầu tư”, ông Kho Ngee Seng Roy nói.

Cách đây một tháng, khi nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty cổ phần SG Logistics với vốn đầu tư hơn 80 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, ông Tong Chee Kiong, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn BW cho biết, đây là dự án thứ ba của doanh nghiệp này ở TP.HCM để chuẩn bị đón sóng đầu tư.

Trong thực tế, các doanh nghiệp đến từ Singapore hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã sớm có các dự án tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… và đã có những thành công nổi bật.

Từ năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Development vào Việt Nam và bắt tay với Becamex IDC thành lập Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Tại Bình Dương, đến nay, đã có 3 khu công nghiệp VSIP, trong đó Khu công nghiệp VSIP III có diện tích 1.000 ha, vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng vào cuối năm nay để thu hút các dự án đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư Ascendas liên doanh với Công ty Protrade phát triển và quản lý Khu công nghiệp quốc tế Protrade rộng 500 ha tại tỉnh Bình Dương và Dự án Saigon OneHub, có diện tích 12 ha tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Theo các chuyên gia, với tác động của các FTA và sự dịch chuyển dòng vốn vào Việt Nam, bất động sản công nghiệp và kho vận là phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất gần đây. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Singapore, với việc đã có mặt sớm tại Việt Nam, chủ động chuẩn bị được nhiều quỹ đất lớn tại những địa phương phát triển công nghiệp mạnh, được nhìn nhận là sẽ có nhiều ưu thế.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, gần đây, Việt Nam được xem là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp tài chính, công nghệ đến từ Singapore. “Chúng tôi thấy, Việt Nam nổi bật như một điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ trong lĩnh vực tài chính, mà còn nhiều lĩnh vực khác”, ông Alexander Gold, Chủ tịch Bankograph Pte Limited, một công ty fintech của Singapore chia sẻ về quyết định chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên để mở rộng hoạt động.

Làn sóng doanh nghiệp công nghệ của Singapore tham gia đầu tư, hợp tác tại Việt Nam được phát triển mạnh hơn trong khoảng 2 năm trở lại đây. Chẳng hạn, Finaxar hợp tác với Indovina Bank Việt Nam nhằm cung cấp giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Với những cái bắt tay trên, các công ty và tổ chức tài chính Việt Nam sẽ hưởng lợi trong hợp tác với công ty fintech của Singapore. Đồng thời, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái trong lĩnh vực tài chính, công nghệ.

Mở thầu gói thiết kế - mua sắm - xây dựng Dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tổ chức mở thầu gói “Thiết kế - mua sắm - xây dựng” dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - giai đoạn 2.

Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có quy mô đầu tư 1,8 tỷ USD trên diện tích 108,2ha, do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn làm chủ đầu tư; phối hợp với đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư là JGC Corporation (Nhật Bản).

Lọc dầu Dung Quất bắt đầu khởi động nâng cấp, mở rộng công suất
Lọc dầu Dung Quất bắt đầu khởi động nâng cấp, mở rộng công suất

Mục tiêu của dự án là nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày; nâng cao độ linh hoạt trong việc lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy. Cùng với đó, sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn EURO V, cũng như tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

Theo Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí. Việc nâng cấp, mở rộng nhà máy là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay nhằm đảm bảo cho nhà máy vận hành linh hoạt, ổn định, hiệu quả trong tương lai.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi, BSR là doanh nghiệp sở hữu dây chuyền sản xuất bài bản, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao. Trước yêu cầu tình hình mới của thị trường trong nước và thế giới, việc nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là hết sức hợp lý, cần sớm được triển khai.

Hiện Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (BQL) đã bàn giao phần diện tích hơn 100ha trong tổng số 108,2ha mặt bằng Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cho BSR. Đây là phần diện tích đã cơ bản hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng từ tháng 12/2019.

Để thực hiện thành công Tiểu dự án, các đơn vị liên quan đã phối hợp, di dời 507 hộ dân và bố trí 574 lô đất/diện tích 19,35ha tại Khu tái định cư Tây Bắc Vạn Tường giai đoạn 2 để hỗ trợ tái định cư cho người dân. Khu dân cư mới này được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cũng như BSR đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội như trường mẫu giáo, trường tiểu học, nhà văn hóa, trạm y tế... nhằm đảm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân tái định cư.

Theo kế hoạch, tháng 2/2021, Ban Quản lý dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất (DQRE) sẽ tiến hành san lấp mặt bằng 4 vị trí (108ha) nằm trên địa bàn 2 xã Bình Thuận và Bình Trị (Bình Sơn) để bàn giao mặt bằng xây dựng, triển khai hợp đồng EPC (tháng 8/2021).

Đề xuất đầu tư 19.012 tỷ đồng xây 53,7 km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có Tờ trình số 174/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án PPP đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn I.

Bình đồ tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong mối tương quan với hệ thống giao thông trong khu vực Đông Nam Bộ.
Bình đồ tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong mối tương quan với hệ thống giao thông trong khu vực Đông Nam Bộ.

Tuyến đường thuộc phạm vi Dự án giai đoạn I có chiều dài 53,7 km với điểm đầu kết nối tuyến tránh Quốc lộ 1 qua Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường vành đai Tp. Bà Rịa (Quốc lộ 56), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai là 34,2 km và trên địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 19,5 km.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Thủ tướng cho phép đầu tư Dự án giai đoạn I theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, trong đó đoạn Biên Hòa – Long Thành có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường từ 24,75 m – 27 m; đoạn Long Thành – Tân Hiệp (nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) có quy mô 6 làn xe, chiều rộng nền đường từ 32,25 m – 34,5 m; đoạn Tân Hiệp – Phú Mỹ (nút giao với đoạn nhánh nối ra cảng Cái Mép – Thị Vải) có quy mô 6 làn xe, chiều rộng nền đường từ 32,25 m – 34,5 m; đoạn Phú Mỹ - nút giao Quốc lộ 56 có quy mô 4 làn xe cao tốc, chiều rộng nền đường từ 24,75 – 27 m. Dự án dự kiến xây dựng 7 nút giao liên thông; 13 cầu vượt dòng chảy; 4 cầu vượt đường ngang và 19 đường ngang vượt cao tốc.

Theo tính toán sơ bộ, Dự án có tổng mức đầu tư là 19.012 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 9.115 tỷ đồng; chi phí GPMB là 5.985 tỷ đồng…

Về phương án tài chính Dự án, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 6.770 tỷ đồng, bao gồm chi phí GPMB toàn tuyến và một phần chi phí xây lắp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; phần còn lại sẽ do Nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn tự có và vốn tín dụng. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn trong thời gian dự kiến 24 năm 6 tháng.

Trong trường hợp được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án sẽ bắt đầu các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư từ quý IV/2021 đến quý I/2022; triển khai xây dựng công trình từ quý I/2023 và hoàn thành sau 36 tháng thi công.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, khi hoàn thành, Dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51, tạo liên kết nhanh về giao thông của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu với Tp.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường này còn kết nối với cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành; đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải; sân bay Long Thành… góp phần hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc Việt Nam trong những năm tới đây.

Không có nhà đầu tư tham gia Dự án PPP tuyến cao tốc kết nối Tuyên Quang - Phú Thọ

UBND tỉnh Tuyên Quang phải xin chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án PPP đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai do không có nhà đầu tư tham gia.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Hà Nội.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Hà Nội.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Hà Nội.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo đó, UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ PPP, loại hợp đồng BOT sang đầu tư công và bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2019 với mục tiêu đầu tư khoảng 40,2 km theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; tổng mức đầu tư khoảng 3.271,09 tỷ đồng (trong đó 500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, 10,79 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, 2.760,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng); tiến độ thực hiện từ năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2023.

Để hoàn vốn, Thủ tướng cho phép nhà đầu tư xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn phần vốn với thời gian dự kiến thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn là 19 năm 2 tháng (từ năm 2023 đến năm 2042). Thời gian chính thức sẽ được xác định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Triển khai quyết định của Thủ tướng,tTrong thời gian qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tuân thủ theo đúng quy định hiện hành. Thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển là 30 ngày, kể từ 10h ngày 7/9/2020 đến 10h ngày 7/10/2020 (Thông báo mời sơ tuyển trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia số 20200891872-00 đăng tải ngày 1/9/2020).

Tuy nhiên, đến hết thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Căn cứ theo quy định của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định hủy thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án.

“Nguyên nhân hủy thầu do trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án cũng như việc các Ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án BOT là rất khó khăn, các nhà đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay của các Ngân hàng. Vì vậy, dự án không hấp dẫn nhà đầu tư, đấu thầu sơ tuyển nhà đầu tư không thành công”, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Với lý do nói trên, UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang nói riêng và của đất nước nói chung. Việc hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án càng sớm càng có ý nghĩa đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

“Đến nay, các nội dung về thiết kế cơ sở của Dự án đã hoàn thành. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành đạt hơn 70%, dự kiến hết năm 2020 hoàn thành 100%. Do vậy, Dự án được chuyển đổi sang sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020 và hoàn thành trong năm 2023”, ông Nguyễn Văn Sơn đánh giá.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2.

Dự án cũng sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ nói riêng và khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói chung; đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải của cả nước.

Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cảng hàng không Sa Pa

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng hàng không Sa Pa theo ý kiến của các bộ, trong đó, lưu ý việc đáp ứng quy mô công suất theo quy hoạch và tính toán phân kỳ đầu tư, bảo đảm dự án khả thi, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Dự kiến Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng trên diện tích 371 ha; là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II với 1 đường cất hạ cánh, hệ thống đường giao thông kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai quy mô 2 làn xe.

UBND tỉnh Lào Cai dự kiến thời gian thực hiện Dự án trong 50 năm, trong đó, thời gian xây dựng 4 năm; thời gian thu phí hoàn vốn, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư 46 năm.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, dự kiến, Cảng hàng không Sa Pa được đưa vào khai thác có cấp 4C và công suất 3 triệu khách/năm

Đồng Nai bàn giao gần 2,6 ngàn ha đất "sạch" cho Dự án Sân bay Long Thành

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức bàn giao gần 2,6 ngàn ha đất phục vụ xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 5 ngàn ha. Trong số này có 1,8 ngàn ha thuộc khu vực ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng trước để phục vụ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa. Ảnh phối cảnh: VGP News
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa. Ảnh phối cảnh: VGP News

Tại buổi lễ vừa diễn ra ngày 20/10, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai và Cảng vụ Hàng không miền Nam đã ký biên bản bàn giao khu đất có diện tích hơn 2,5 ngàn ha để xây dựng sân bay Long Thành.

Theo cam kết với Chính phủ, trong tháng 10/2020, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện bàn giao toàn bộ diện tích khu vực 1,8 ngàn ha đất. Tuy nhiên, tại buổi lễ bàn giao mặt bằng nói trên, Đồng Nai đã thực hiện bàn giao diện tích đất gần 2,6 ngàn ha bao gồm: hơn 1,8 ngàn ha khu vực ưu tiên và hơn 770ha thuộc khu vực còn lại.

Trước đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã lập bản đồ, cắm ranh mốc khu vực diện tích đất trên. Dự kiến, sau khi tiếp nhận mặt bằng, Cảng vụ Hàng không miền Nam sẽ giao Tổng công ty Hàng không Việt Nam xây dựng hàng rào bao quanh sân bay, nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép đất trong khu vực.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết với sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh Đồng Nai đến huyện Long Thành đối với dự án đặc biệt, trọng điểm quốc gia, đến nay Đồng Nai đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao gần 2,6 ngàn ha, vượt mức diện tích theo cam kết với Chính phủ hơn 770ha.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh thì những tháng còn lại của năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung kiểm đếm đất đai, áp giá bồi thường đối với phần diện tích còn lại. Mục tiêu đến quý II năm 2021, tỉnh sẽ bàn giao toàn bộ diện tích hơn 5 ngàn ha xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ngoài ra, đối với khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sau 6 tháng thi công, đến nay các hạng mục đã cơ bản hoàn thành để tổ chức cho người dân bốc thăm vị trí đất, vào xây dựng nhà ở.

Tại lễ bàn giao mặt bằng, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chưa đến 2 năm, đến nay phần lớn diện tích mặt bằng cho thi công giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được tỉnh Đồng Nai giải phóng mặt bằng để bàn giao đúng thời hạn, mang ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai dự án. Bởi không có mặt bằng sạch thì dự án không thể khởi động được.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng đề nghị sau lễ bàn giao, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Hàng không miền Nam triển khai các công tác bàn giao, quản lý đất theo quy định của pháp luật.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đến thời điểm này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hồ sơ đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu và dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

“Những cột mốc công việc chính đã hoàn thành để dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có thể được khởi công theo đúng tiến độ đề ra”, ông Lê Anh Tuấn nói.

420 tỷ đồng mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

Với tổng vốn đầu tư khoảng 420 tỷ đồng, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2 sẽ tăng năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và tỉnh Đồng Nai thực hiện nghi thức bàn giao mặt bằng trên thực địa. Ảnh: Phạm Tùng.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và tỉnh Đồng Nai thực hiện nghi thức bàn giao mặt bằng trên thực địa. Ảnh: Phạm Tùng.

Ngày 19/ 10, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công xây dựng “Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng”.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 420 tỷ đồng; Quy mô sẽ xây dựng thêm 4 vị trí đỗ máy bay code C và di chuyển 5 vị trí đỗ máy bay (đã được xây dựng trong giai đoạn 1) ra xa đường CHC 35R/17L; xây dựng mở rộng sân đỗ máy bay bằng bê tông xi măng cốt thép với diện tích 66.905m2, xây dựng lề vật liệu bê tông nhựa với diện tích 13.326 m2, xây dựng khu vực dải bảo hiểm với diện tích 19.796 m2.

Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch thường trực TP.Đà Nẵng cho biết, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng” là rất cần thiết, bởi dự án xây dựng không chỉ tăng năng lực khai thác hành khách và sản lượng hàng hóa thông qua cảng hàng không, đồng thời còn góp phần kết nối tốt sự phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và khu vực.

Là một trong 3 Cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước, Cảng HKQT Đà Nẵng trong năm 2019 phục vụ hơn 15,5 triệu lượt hành khách, hơn 98.700 lượt/chuyến bay cất hạ cánh, sản lượng hàng hóa đạt hơn 45.000 tấn.

Theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng HKQT Đà Nẵng được quy hoạch là Cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đến năm 2030, lượng hành khách thông qua Cảng HKQT Đà Nẵng đạt 28 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa thông qua Cảng đạt 200.000 tấn/năm.

Đề xuất đầu tư 13.192 tỷ đồng xây 83 km đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Đây là một trong 10 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Ban Quản lý dự án 7 vừa trình Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi – Dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Khởi công xây dựng “Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng”.
Khởi công xây dựng “Dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng”.

Theo đó, tuyến cao tốc này có điểm đầu tại nút giao phía Nam hầm Cổ Mã (tiếp nối với đường cao tốc Tuy Hòa – Vân Phong) thuộc địa phận, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại vị trí nút giao với đường Quốc lộ 27C kết nối với đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh.

Dự án có chiều dài tuyến 83 km được đề xuất phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m; 4 – 5 km bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp với tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 585 ha.

Tính toán sơ bộ của Ban Quản lý dự án 7 cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 13.192 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 8.170 tỷ đồng, được đầu tư bằng hình thức PPP.

Với phương án (kiến nghị) thời gian thu phí dự kiến 20 năm, phần vốn Nhà nước sẽ tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng, tương đương 31.42%. Với phương án 2 thời gian thu phí dự kiến 15 năm, vốn ngân sách Nhà nước phải tham gia tối thiểu khoảng 6.550 tỷ đồng, tương đương 50,61%.

Ban Quản lý dự án 7 đề xuất, trong giai đoạn 2020 – 2021 sẽ tập trung thực hiện công tác chuẩn bị dự án và triển khai công tác đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2024.

Được biết, theo quy hoạch phát triển mạng cao tốc Việt Nam, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hà Nội - Cần Thơ có tổng chiều dài 1.799 km. Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác đang đầu tư 356 km, đang triển khai đầu tư 784 km (bao gồm cả 654 km giai đoạn 2017 - 2020). Như vậy, để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần đầu tư khoảng 659 km còn lại. Hiện nay, Bộ GTVT đã giao các cơ quan liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 10 dự án thành phần/659 km còn lại với nhu cầu vốn lên tới 113.148 tỷ đồng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tin bài liên quan