Vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, dệt may là những ngành được dự báo thích hợp đầu tư từ nay đến cuối năm

Vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, dệt may là những ngành được dự báo thích hợp đầu tư từ nay đến cuối năm

Đầu tư thế nào vào 2 tháng cuối năm?

(ĐTCK) Mặc dù đã vượt qua 600 điểm, nhưng để thị trường có thể chinh phục các mốc kháng cự kế tiếp cần phải có nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài nội lực của chính các DN niêm yết, thì việc làm thế nào để thúc đẩy thanh khoản và kích thích khối ngoại mua ròng là 2 yếu tố tạo động lực cho thị trường từ nay đến cuối năm.
 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt cho rằng, sau một thời gian dài tích lũy, chu kỳ tăng điểm vừa được xác lập, có thể sẽ có sự tăng trưởng đột biến. Xu hướng chung, thị trường sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Theo ông Dũng, TTCK Mỹ mang tầm ảnh hưởng khá lớn đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, diễn biến tích cực của thị trường Mỹ thời gian gần đây đã tạo tâm lý ổn định hơn cho các thị trường nói chung. Trong khi đó, dù chưa có nhiều điểm đột phá nhưng vĩ mô vẫn giữ được sự ổn định và đang có những chuyển biến tích cực hơn. Thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện sau một thời gian dài sụt giảm.

“Mặc dù vậy, thị trường Việt Nam sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi TTCK Trung Quốc, nên diễn biến của thị trường này trong thời gian tới là điều nhà đầu tư trong nước cần lưu tâm. Hơn nữa, nguồn vốn margin đã tăng trưởng cao và khó có nguồn vốn từ ngân hàng đẩy mạnh thêm vào thị trường trong ngắn hạn”, ông Dũng nói.

Đánh giá xu hướng thị trường hiện tại và triển vọng tới cuối năm sẽ vẫn tích cực, nhưng ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect cho rằng, đợt tăng hiện tại chưa thực sự thu hút được nhiều dòng tiền tham gia và đang lệ thuộc khá nhiều vào một số cổ phiếu lớn lẫn dòng tiền từ khối ngoại. Do đó, mặc dù triển vọng tăng là tích cực nhưng không nhiều kỳ vọng mạnh mẽ và rủi ro có thể xuất hiện bất thường khi lực cầu mỏng, cộng với rủi ro dòng tiền nước ngoài vào nhanh ra nhanh theo dạng P Note như một số lần xảy ra trong quá khứ.

“Thị trường vẫn có khả năng sideway up tiến tới vùng đỉnh lớn của 2 năm, quanh mức 630 - 640 điểm, nhưng các yếu tố về nội tại cũng như dòng tiền giúp triển vọng thị trường tăng trưởng nhiều hơn chưa thực sự rõ nét”, ông Du nhận định và cho rằng, một yếu tố vĩ mô đáng quan ngại trong giai đoạn này và thời gian tới là mức độ rủi ro về nợ công cũng như tình trạng thâm hụt ngân sách có thể tạo ra áp lực và rủi ro lớn cho thị trường sau đợt tăng hiện tại.

Thực tế, thông tin kết quả kinh doanh quý III của một số doanh nghiệp đầu ngành đang dần được công bố như VNM, FPT… với những con số lạc quan khi tăng trưởng đạt mức hai con số. Đây là yếu tố tích cực giúp thị trường có những chuyển biến tốt trong những phiên giao dịch gần đây khi tạo được niềm tin cho dòng tiền đầu tư nhập cuộc. Bên cạnh đó, câu chuyện thoái vốn ở một số doanh nghiệp lớn trong danh mục của SCIC cũng là những cú hích bất ngờ, bởi điều này cho thấy sự cởi mở trong quan điểm của Chính phủ đối với nhà đầu tư ngoại.

“Các cổ phiếu hội tụ đầy đủ các yếu tố cơ bản hấp dẫn lẫn dòng tiền lớn tập trung như FPT, HSG, MWG... sẽ vẫn là các cơ hội tốt cho đợt tăng thời gian tới”, ông Du dự báo.

Dự báo về triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm và cơ hội đầu tư, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó phòng Nghiên cứu Phân tích VietinBankSc cho biết, bên cạnh những yếu tố tích cực như Fed duy trì không tăng lãi suất, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong công tác cổ phần hóa DNNN, đề án thoái vốn từ SCIC, TTCK vẫn phải đối mặt với một số tác động tiêu cực như tình hình Trung Quốc cũng như xu hướng giảm của giá dầu.

VietinBankSc dự báo, TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ dao động trong vùng 600 - 610 điểm và được phân hóa theo ngành. Ông Đăng cũng dẫn chứng số liệu từ  Bloomberg, Việt Nam đang là thị trường duy nhất mà nhà đầu tư nước ngoài mua ròng từ đầu năm đến nay với giá trị 209 triệu USD, trong khi TTCK Indonesia và Thái Lan bán ròng lần lượt 1 tỷ và 3 tỷ USD.

Về cơ hội đầu tư, theo VietinBankSc, nhóm ngành thích hợp đầu tư vào giai đoạn cuối năm 2015 là ngành vật liệu xây dựng (HPG, CVT); ngành công nghệ thông tin (FPT, CMG), ngành dệt may (TCM, TNG) với triển vọng tăng trưởng mạnh trước cơ hội lớn từ việc ký kết các hiệp định thương mại.               

Tin bài liên quan