Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Đầu tư thế nào trong thị trường giá xuống khi mô hình 2 đỉnh hình thành?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đang hình thành mô hình hai đỉnh hướng xuống trên nền tảng chỉ số RSI ở vùng quá mua kéo dài, cảnh báo rủi ro điều chỉnh sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây, nhà đầu tư liên tục trải qua nhiều khung bậc cảm xúc từ hưng phấn tới bi quan và hoang mang không rõ xu hướng thị trường sẽ như thế nào khi biến động thị trường ngày một lớn.

Trong phiên giao dịch ngày 26/1, thị trường tiếp tục trải qua phiên giảm điểm mạnh, độ rộng thị trường nghiêng về cổ phiếu giảm điểm, bắt đầu xuất hiện nhiều cổ phiếu bị bán sàn trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 2,57% về 1.136,12 điểm, chỉ số VN30 giảm 2,53% về còn 1.125,09 điểm.

Biểu đồ VN-Index hình thành mô hình hai đỉnh hướng xuống (Nguồn: Fireant)
Biểu đồ VN-Index hình thành mô hình hai đỉnh hướng xuống (Nguồn: Fireant)

Điểm đặc biệt đây là phiên T+4 của phiên bắt đáy ngày 20/1, trong đó nhiều cổ phiếu hồi phục yếu trong những phiên trước đó và phiên ngày 26/1 lại bị bán mạnh.

Điểm lưu ý về thanh khoản, khi các phiên hồi phục trước đó thanh khoản thị trường tương đối thấp, tuy nhiên trong phiên giảm điểm hôm nay, thanh khoản tăng cao trở lại. Điều này khẳng định rằng, lực bán đang chiếm ưu thế, tâm lý nhà đầu tư đang lung lay và hướng về xu hướng giảm điểm hơn so với xu hướng tăng.

Thông thường, để thị trường tiếp tục xu hướng tăng, các phiên điều chỉnh thanh khoản phải thấp, trong khi các phiên tăng điểm, thanh khoản phải tăng mạnh và cao hơn phiên điều chỉnh. Đây là đặc điểm thường lặp đi lặp lại mà được giới đầu tư truyền nhau là dòng tiền tăng theo đà, khi đó xác suất dòng tiền lớn vào thị trường sẽ cao hơn và nhà đầu tư sẽ yên tâm giải ngân hơn.

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, các cổ phiếu liên tục thể hiện dấu hiệu đuối sức, hồi phục nhẹ với thanh khoản thấp, trong khi áp lực bán ra tương đối mạnh ở các phiên giảm điểm 19/1, 26/1.

Bên cạnh đó, với việc hình thành mô hình hai đỉnh hướng xuống trên nền tảng chỉ số RSI ở vùng quá mua kéo dài, càng cảnh báo rủi ro điều chỉnh sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Với những chỉ báo kỹ thuật về mô hình hai đỉnh, về xu hướng dòng tiền và đặc biệt trước giai đoạn thị trường giảm điểm này, thị trường đã trải qua giai đoạn hưng phấn, cổ phiếu liên tục tăng nước rút với không nhiều lý do hỗ trợ. Điều này càng khẳng định rủi ro điều chỉnh có thể tiếp tục trong thời gian tới.

Giới đầu tư có phải đang kỳ vọng quá nhiều về thị trường

Rõ ràng trong giai đoạn thị trường hưng phấn vừa qua kể từ khi có thông tin vắc xin, dòng tiền chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước. Trong đó, khối ngoại kể từ 1/12/2020 đến 25/1/2021, khối ngoại đã bán ròng 126,7 triệu cổ phiếu trên HOSE, tương ứng rút ròng 6.018,6 tỷ đồng.

Đối với lãnh đạo doanh nghiệp và các quỹ đầu tư có kinh nghiệm như Dragon Capital, VinaCapital, PYN Elite Fund… đều tranh thủ bán ra số lượng cổ phiếu đang sở hữu đồng loạt trên diện rộng, mặc dù các quỹ và lãnh đạo vẫn cho rằng triển vọng doanh nghiệp và thị trường vẫn tích cực về dài hạn. Đây là giai đoạn mà nhà đầu tư trong nước phớt lờ đi các tín hiệu này và tập trung vào câu chuyện kỳ vọng về dòng tiền giá rẻ tiếp tục thúc đẩy thị trường vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Theo số liệu cập nhật từ ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ margin tới ngày 31/12/2020 xác lập kỷ lục mới, với gần 81.000 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số dư nợ kỷ lục từ trước tới nay.

Sử dụng đòn bẩy margin luôn là con dao hai lưỡi đối với nhà đầu tư, khi thị trường tăng điểm, margin sẽ khuếch đại thanh khoản thị trường và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, áp lực giảm giá liên tục sẽ buộc nhà đầu tư phải thực hiện cắt lỗ cổ phiếu để trả lại khoản vay cho công ty chứng khoán, đôi khi tạo nên làn sóng bán tháo và điều này làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư không sử dụng margin.

Có thể thấy, giai đoạn vừa qua là giai đoạn nhà đầu tư trong nước tập trung vào kỳ vọng và phớt lờ đi nhiều yếu tố rủi ro bên ngoài, đẩy thanh khoản thị trường chạm mốc kỷ lục 15.000-17.000 tỷ đồng/phiên.

Thanh khoản kỷ lục này một phần được tạo ra bởi nhà đầu tư mới, một phần được tạo ra bởi tâm lý kiếm tiền quá dễ dàng đã thúc đẩy nhà đầu tư tăng sử dụng margin trên sàn. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ vẫn tốt đẹp cho tới khi thị trường quay đầu, nhưng khi quay đầu sẽ nhanh chóng thổi bay thành quả của nhà đầu tư bởi vì nhà đầu tư thường có khuynh hướng đẩy mạnh sử dụng margin ở vùng đỉnh vì tâm lý quá tự tin.

Đầu tư thế nào?

Theo ước tính, nếu một nhà đầu tư mua một cổ phiếu từ giá 10.000 đồng, giảm về 5.000 đồng, tức lỗ 50%. Nếu nhà đầu tư muốn hoà vốn, cổ phiếu phải tăng 100%. Như vậy, với việc nhà đầu tư không giới hạn lỗ ở một mức xác định từ trước, nếu thị trường tiếp tục giảm điểm, sẽ khiến nhà đầu ở trạng thái “kẹt hàng”, trở thành nhà đầu tư giá trị bất đắc dĩ, mua và nắm giữ.

Điều này sẽ hạn chế cơ hội mua vào khi thị trường quay trở lại mức định giá hấp dẫn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường giảm điểm mạnh là cơ hội cho nhà đầu tư lớn có thể mua được những tài sản chất lượng với giá thấp một cách bất ngờ.

Ngoài ra, khi thị trường mới bắt đầu giảm điểm sau chuỗi tăng điểm nóng, diễn biến thị trường thường rớt mạnh và sau đó hồi phục lại, tuy nhiên mức hồi phục thường thấp hơn vùng đỉnh trước đó. Việc bắt đáy diễn ra khó khăn và thường dành cho nhà đầu tư kinh nghiệm.

Nếu thực hiện chiến lược bắt đáy ngắn hạn, nhà đầu tư phải không quá tham, cũng như thực hiện chiến mua nhanh bán nhanh và không nên quá kỳ vọng sẽ kiếm được mức sinh lời quá lớn.

Với việc thực hiện chiến lược quản trị danh mục để chờ cơ hội khi thị trường bước vào vùng định giá hấp dẫn, điều này có thể mở ra cho nhà đầu tư cơ hội lựa chọn lại các cổ phiếu cơ bản định giá thấp, cổ tức cao và đặc biết có triển vọng kinh doanh tích cực trong năm tài chính.

Có thể thấy, đối với thị trường chứng khoán, đôi khi nhà đầu tư cần phải chuyển trạng thái danh mục sang chế độ phòng thủ khi thị trường có dấu hiệu bước vào chu kỳ sóng giảm, cũng như có thể chuyển danh mục sang thế chủ động khi thị trường bắt đầu sóng mới. Vì vậy, cần sự linh hoạt trên thị trường để tránh trường mua và nắm giữ cổ phiếu ở vùng định giá cao. Theo đó, dòng tiền sắp tới sẽ mang tính chọn lọc kỹ càng các cổ phiếu hưởng lợi với mức giá hợp lý hơn mà không phải mang tính tăng điểm trên diện rộng bất chấp kết quả kinh doanh như giai đoạn vừa qua.

Các nhà đầu tư huyền thoại cảnh báo bong bóng thị trường chứng khoán toàn cầu

Các chiến lược gia của Bank of America (BofA) cảnh báo, chính sách kích thích mạnh mẽ của Mỹ đã tạo ra “một đà tăng điểm cực đoan” trên phố Wall, hình thành bong bóng giá tài sản.

“Bong bóng chính sách của chính phủ Mỹ đang thúc đẩy bong bóng giá tài sản trên phố Wall”, các chiến lược gia của BofA do Michael Hartnett dẫn đầu đã viết trong một ghi chú vào thứ Sáu (22/1).

“Khi những người muốn trở nên giàu có bắt đầu hành động giống như những người muốn làm giàu, điều đó cho thấy thị trường đang trong sóng đầu cơ giai đoạn cuối”, theo các chiến lược gia.

Các chiến lược gia dự đoán một sự điều chỉnh của thị trường sau khi đạt đỉnh trong quý I/2021, với Chỉ báo Bull & Bear của Bank of America đang cho “tín hiệu bán”.

Các nhà chiến lược cảnh báo rằng, giá thị trường tăng vọt khi các nhà đầu tư thúc đẩy các giao dịch liên quan đến lạm phát sẽ kéo theo lạm phát cao hơn, dẫn đến hiện tượng taper tantrum (hiện tượng chính sách tiền tệ nói lỏng bất ngờ tạm dừng và chuyển sang thắt chặt) với điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Các chiến lược gia điểm lại những bong bóng trong quá khứ bao gồm cả thời kỳ dotcom và bong bóng bất động sản giai đoạn 2007 - 2008 để cảnh báo nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Các tài sản rủi ro tập trung vào triển vọng vắc xin đang nhận được động lực mới trong năm nay từ việc đặt cược rằng một chiến thắng cho đảng Dân chủ Mỹ tại Thượng viện sẽ thúc đẩy các gói kích thích tài chính hơn nữa, tăng thêm điều kiện mở rộng bảng cân đối kế toán cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Nhà đầu tư nổi tiếng Jeremy Grantham cho biết: “Chúng tôi rất hiếm khi thấy mức độ hưng phấn của nhà đầu tư như thế này. Chưa bao giờ có một thị trường tăng giá tuyệt vời nào lại kết thúc bằng loại bong bóng mà không giảm ít nhất 50%".

Thế giới có tất cả các vấn đề đã gặp phải trong một năm trước. Thương mại toàn cầu đang giảm, tăng trưởng toàn cầu đang ngày càng chậm lại và chậm hơn trong vài thập kỷ qua. Cơ cấu dân số già hơn… những điều này đều rất xấu cho sự tăng trưởng”.

Grantham từ lâu đã cảnh báo về những gì ông coi là bong bóng đang căng phồng trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trong bức thư về triển vọng nhà đầu tư của mình vào đầu tháng 1/2021, ông đã trình bày chi tiết về mức độ định giá quá cao, sự tăng giá bùng nổ, phát hành điên cuồng và cái mà ông gọi là "hành vi đầu cơ cuồng loạn của nhà đầu tư" đều chứng tỏ rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang ở trong một bong bóng mà ngay cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng không có thể ngăn bong bóng bùng nổ.

Tin bài liên quan