Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài dưới 400 tỷ đồng sẽ không phải thẩm tra

Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài dưới 400 tỷ đồng sẽ không phải thẩm tra

Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán: Dưới 400 tỷ đồng không phải thẩm tra

(ĐTCK) Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 83/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện chi tiết Luật Đầu tư 2014 về hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 83 kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định 78/2006/NĐ-CP, đồng thời điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, bổ sung những quy định còn thiếu chưa được hướng dẫn cụ thể và những quy định mới để hướng dẫn Luật Đầu tư 2014.

Trên tinh thần đó, Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao hướng dẫn tại Luật Đầu tư 2014, những nội dung đã quy định trong Luật thì chỉ dẫn chiếu để thực hiện, không quy định lại. Đồng thời, quy định bổ sung các nội dung trong Nghị định 78/2006/NĐ-CP còn phù hợp nhưng chưa được luật hóa và một số nội dung nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ, chi tiết và thuận lợi cho việc thực thi trên thực tế.

Nghị định quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước và địa điểm thực hiện dự án đầu tư, quy định chi tiết về thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước đối với dự án thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định chi tiết về thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án không thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài cùng các điều khoản thi hành.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh của các nhà đầu tư; thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư (hình thức đầu tư trực tiếp).

Đầu tư gián tiếp sẽ có quy định riêng 

Đối với hình thức đầu tư ra nước ngoài theo hình thức mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài (hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài), sẽ được quy định tại Nghị định riêng về đầu tư ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước xây dựng theo chỉ  đạo của Chính phủ.

Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, do đây là lĩnh vực đặc thù, có tính chuyên môn cao, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 121/2007/NĐ-CP và Nghị định số 17/2009/NĐ-CP của Chính phủ nên cũng không thuộc phạm vi của Nghị định này.

Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, nhà đầu tư bao gồm các tổ chức kinh tế thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Hợp tác xã; tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật, cá nhân; các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cũng theo quy định tại Nghị định, mỗi dự án đầu tư được cấp một mã số duy nhất, không thay đổi trong quá trình hoạt động của dự án và không được cấp cho dự án khác. Mã số dự án đầu tư bị xóa khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chấm dứt hiệu lực. Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số dự án đầu tư để quản lý và trao đổi thông tin về dự án đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư thực hiện theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương khác, mã số dự án đầu tư là số Giấy phép đầu tư, số Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hoặc số giấy tờ tương đương khác đã cấp cho dự án đầu tư. Trường hợp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hoặc giấy tờ tương đương khác được điều chỉnh, dự án đầu tư được cấp mã số mới theo quy định tại Nghị định.

Về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo nguyên tắc nhà đầu tư lập hồ sơ đăng ký, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận việc đăng ký của nhà đầu tư thông qua hoạt động cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng...  trên 400 tỷ đồng phải thẩm định

Đối với các dự án không thuộc diện Thủ tướng Chính phủ/Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài dưới 400 tỷ đồng hoặc các dự án khác có vốn đầu tư ra nước ngoài dưới 800 tỷ đồng, theo quy định tại Nghị định 83, nhà đầu tư lập hồ sơ đầy đủ đầu mục và theo mẫu quy định, đăng ký trực tuyến và nộp hồ sơ bản cứng đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 15 ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư hoặc có văn bản từ chối, nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư thuộc diện cần phải có chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ/Quốc hội trong các lĩnh vực trên, có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông,...) hoặc các dự án khác có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên, Nghị định quy định, nhà đầu tư lập hồ sơ đầy đủ đầu mục và theo mẫu quy định, đăng ký trực tuyến và nộp bản cứng đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan, lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ/Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Trường hợp dự án có vốn chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra Nghị định cũng quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư nhà nước, về việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, về trách nhiệm của nhà đầu tư và chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài.

Tin bài liên quan