Theo đánh giá của một số chuyên gia, dịch Covid-19 ngoài tác động tiêu cực thì ở góc độ số hóa các hoạt động kinh tế đã được đẩy nhanh với tốc độ "1 năm bằng 10 năm". Điều này có đúng trong lĩnh vực thanh toán điện tử Việt Nam thời gian vừa qua hay không?
Đại dịch Covid-19 đến nay đã lan rộng ra toàn cầu, gây thiệt hại rất lớn đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Về mặt kinh tế, rõ ràng đại dịch này đã khiến cho chuỗi cung ứng dịch vụ hàng hóa trên toàn cầu cũng như toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đứt gẫy.
Doanh nghiệp và người dân phải chuyển sang kênh giao dịch trực tuyến để đảm bảo hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp.
Theo nhận định của Chính phủ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc kiểm soát và giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chúng ta bước đầu kiểm soát được dịch bệnh và sớm gỡ bỏ cách ly xã hội.
Trong thời gian bệnh dịch và giãn cách xã hội, Napas đã ghi nhận giao dịch trực tuyến qua hệ thống tăng nhẹ cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019, chứ không phải tăng đột biến như một số dự đoán trước đó.
Tuy nhiên, ngược với đà tăng trưởng chung, một số ngành như: du lịch, khách sạn, vận tải hàng không, đường sắt thì giảm mạnh.
Riêng trong thời gian giãn cách xã hội (tháng 4/2020), hệ thống Napas ghi nhận xu hướng giảm hơn 16% về số lượng giao dịch và hơn 20% giá trị giao dịch so với tháng 3/2020, trong đó kênh giảm nhiều nhất là giao dịch tiền mặt qua ATM và thanh toán POS; kênh có tỷ trọng giảm ít nhất là kênh thanh toán trực tuyến (Ecom).
Từ con số này cho thấy, trong dịch bệnh, người dân có xu hướng giảm giao dịch tiền mặt, thanh toán tại quầy và thay bằng các giao dịch qua kênh thanh toán trực tuyến qua ngân hàng và trung gian thanh toán.
Nhìn một cách tổng thể về hoạt động thanh toán điện tử qua giai đoạn dịch bệnh và cách ly xã hội vừa qua cho thấy, dù hoạt động thanh toán trực tuyến không đột biến như mong đợi nhưng có một điểm tích cực là bên cạnh những khách hàng cũ, đã có một bộ phận người dùng đã làm quen với những hình thức thanh toán mới, không tiền mặt.
Qua quan sát của chúng tôi trong thời gian này, có nhiều người dùng đã có cơ hội trải nghiệm phương tiện thanh toán mới, ngoài sự tiện lợi còn có ý nghĩa góp phần bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành thói quen thanh toán mới khi dịch bệnh đi qua.
Napas đã làm gì để hỗ trợ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn Covid-19 bùng phát tại Việt Nam?
ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng giám đốc CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas).
Trong thời điểm cả nước chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch Covid-19, thực hiện vai trò của tổ chức chuyển mạch quốc gia, đồng thời triển khai nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Napas đã triển khai 3 chương trình giảm phí liên tiếp trong năm 2020, nhằm chia sẻ trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và người dân, cùng chung tay chia sẻ khó khăn với Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Cả ba chương trình giảm phí của Napas sẽ kéo dài đến hết năm 2020. Đây là cơ sở để các ngân hàng triển khai chương trình miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng và các doanh nghiệp thương mại điện tử, thúc đẩy thanh toán không dung tiền mặt.
Gần đây nhất, ngày 10/4, Napas thực hiện miễn 100% phí xử lý giao dịch và phối hợp Vietcombank giảm lên đến 35% phí thanh toán cho cả hai dịch vụ Cổng thanh toán điện tử và dịch vụ Hỗ trợ thu hộ, chi hộ.
Chương trình này hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp vận tải hàng không và đường sắt thanh toán qua cổng thanh toán điện tử Napas như: Vietnam Airlines, Vietjetair, BambooAirways và Đường sắt Việt Nam.
Trước đó, ngày 25/3, Napas giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng đến 2.000.000 đồng. Thực hiện miễn phí công và miễn/giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống từ 25/2.
Đến thời điểm này, 100% ngân hàng đã hưởng ứng chính sách này và thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ với mức thu 0 đồng hoặc giảm 90% so với mức thu cũ của dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7. 100% giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ qua Napas được hưởng chính sách miễn/giảm phí.
Mặc dù cả ba chương trình miễn giảm phí làm doanh thu của Napas trong năm 2020 giảm tới 40% nhưng Napas vẫn sẵn sàng thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Napas đã chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng cho nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới ?
Với vai trò Công ty thanh toán quốc gia, Napas luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn và đa dạng hóa các sản phẩm với đa kênh thanh toán để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia.
Cụ thể trong thời gian qua, Napas đã cung cấp dịch vụ: Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch ATM, POS; Chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking của 45 ngân hàng; Dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến; Dịch vụ thanh toán cho dịch vụ công, dịch vụ tiện ích như: điện, nước, cước bưu chính, học phí, viện phí…
Để đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của thị trường, trong thời gian tới, Napas tập trung: (i) Với các sản phẩm dịch vụ hiện có đảm bảo cung cấp liên tục và an toàn; (ii) Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình của NHNN, phát triển hệ sinh thái trên nền tảng thẻ chip;
(iii) Triển khai hệ thống bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH), dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong tháng 6/2020.
Hệ thống ACH không chỉ kết nối cung cấp dịch vụ thanh toán cho ngân hàng, trung gian thanh toán, mà còn kết nối tới các cơ quan Chính phủ cung cấp dịch công để cung cấp các dịch vụ thu/chi ngân sách, chi trả các khoản trợ cấp xã hội, các khoản thanh toán cố địch như điện, nước, dịch vụ bưu chính…;
(iv) Chuyển mạch tài chính quốc tế với các quốc gia khác như Nga, Hàn Quốc, các nước trong khối ASEAN, kết nối chuyển mạch giao dịch thẻ với các tổ chức thẻ quốc tế (Visa, MasterCard, JCB, UPI, DFS...).
Đồng thời, Napas đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm thanh toán mới trên nền tảng di động, bao gồm: cung cấp các tiện ích mới cho dịch vụ mobile banking của các ngân hàng như dịch vụ số hóa thẻ chip nội địa sử dụng trên các thiết bị di động; sử dụng điện thoại di động như thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán không tiếp xúc; chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cho chuyển mạch thanh toán QR quốc tế với các nước trong khu vực; sẵn sàng kết nối mobile money với tài khoản ngân hàng, kết nối chuyển mạch giao dịch mobile money.
Dường như Napas đã sẵn sàng hệ thống để nền kinh tế có thể chuyển đổi nhanh sang các phương thức thanh toán mới hiện đại hơn?
Có thể nói như vậy, điều này là xu hướng và cũng là nhu cầu của xã hội. Trong giai đoạn bệnh dịch, dễ nhận thấy là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt có một điều kiện rất thuận lợi để phát triển và mở rộng khả năng phục vụ cho các nhu cầu kinh tế - xã hội.
Rõ ràng, các hình thức thanh toán cần được phát triển ở một hình thái mới, cho phép người dân, doanh nghiệp có thể chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi, hạn chế việc tiếp xúc không cần thiết.
Điều này dẫn đến nhu cầu cần nâng cao khả năng đáp ứng với những hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless/ mobile payment), thanh toán trực tuyến (online).
Ngay trong giai đoạn dịch, hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH) đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm và sẵn sàng cho việc đưa vào sử dụng chính thức từ tháng 6/2020.
Đây là hệ thống thanh toán hiện đại, được xây dựng trên các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế sử dụng tiêu chuẩn ISO 20022, đáp ứng mọi nhu cầu tích hợp thanh toán của Chính phủ, các ngân hàng, trung gian thanh toán, doanh nghiệp và các đơn vị viễn thông.
Hạ tầng thanh toán hiện đại của Napas giúp các đơn vị tiết kiệm thời gian phát triển mạng lưới thanh toán, cung cấp các sản phẩm thanh toán mới cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Hệ thống ACH cung cấp các dịch vụ thanh toán bán lẻ theo thời gian thực (Realtime) và thanh toán theo lô với số lượng giao dịch lớn (Batch), đáp ứng các nhu cầu thu/chi ngân sách giữa chính phủ với danh nghiệp, người dân; nhu cầu thanh toán giữa doanh nghiệp với người dân… qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.