Bất động sản và thu phí giao thông đang là hai lĩnh vực chính của CII.

Bất động sản và thu phí giao thông đang là hai lĩnh vực chính của CII.

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII): Nợ lớn, dòng tiền âm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều năm liên tục vay vốn để tài trợ dự án, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đang đối mặt với nghĩa vụ trả nợ hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, trong khi dòng tiền kinh doanh chưa kịp dương trở lại.

Hoạt động xây dựng gặp “bão” giá nguyên liệu

CII hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm phát triển cầu và đường; xây dựng; đầu tư bất động sản; cơ sở hạ tầng cấp nước.

Giai đoạn 2017 - 2020, cơ cấu lợi nhuận gộp của CII có sự dịch chuyển từ lĩnh vực thu phí sang lĩnh vực bất động sản, trong khi lĩnh vực hạ tầng nước thường xuyên thua lỗ. Nếu như năm 2017, tỷ trọng lợi nhuận gộp lĩnh vực thu phí giao thông chiếm 72,5%, thì tới năm 2020 chỉ còn 38,3%. Trong khi đó, tỷ trọng lợi nhuận gộp lĩnh vực bất động sản tăng từ 4,4% lên 61,1%.

Dự kiến, bất động sản và thu phí giao thông là hai lĩnh vực sẽ đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Đối với lĩnh vực bất động sản, kế hoạch của CII trong năm 2021 là tiếp tục công tác giải phóng mặt bằng, thi công và bán hàng dự án Khu dân cư Sơn Tịnh, Quảng Ngãi; triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi Bình Thuận.

Đối với lĩnh vực đầu tư cầu đường, Công ty sẽ hoàn tất nghiên cứu khả thi và đề xuất Thành ủy triển khai dự án Đường trên cao nội đô tại TP.HCM. Dự án này sẽ nối nhiều tuyến đường chính của TP.HCM với tổng vốn đầu tư khoảng 39.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá nhiều nguyên liệu cơ bản, nhất là thép, có diễn biến tăng mạnh kể từ đầu năm 2021 đến nay đang gây ra thách thức lớn về chi phí đối với các công ty xây dựng, chủ đầu tư dự án bất động sản, trong đó có CII.

Gánh nặng nợ vay

CII có tham vọng thực hiện các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, cũng như dự án bất động sản. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh chính của CII không tạo ra dòng tiền, thậm chí thâm hụt, khiến Công ty phải huy động dòng tiền tài chính (phần lớn là phát hành trái phiếu).

Giai đoạn 2017 - 2020, tổng dòng tiền đầu tư của CII là 5.315,9 tỷ đồng, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 1.151,4 tỷ đồng, nên doanh nghiệp đã phải huy động dòng tiền tài chính lên tới 4.245,4 tỷ đồng.

Trong quý I/2021, tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện khi dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 343,1 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư âm 162,4 tỷ đồng và CII tiếp tục phải huy dòng dòng tiền tài chính 493,3 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay.

Chính vì chiến lược liên tục gia tăng vay nợ để tài trợ cho hoạt động mở rộng, trong khi kết quả kinh doanh chưa có dấu hiệu cải thiện về dòng tiền, nên tổng gia trị nợ vay cũng như tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của CII tăng cao. Nếu như năm 2016, tổng nợ vay là 3.572,7 tỷ đồng, chiếm 46,1% vốn chủ sở hữu, thì tới ngày 31/3/2021 đã tăng lên 17.082,1 tỷ đồng, chiếm 220,3% vốn chủ sở hữu.

Công ty có thuyết minh lịch trả nợ trong giai đoạn sắp tới: đối với các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, năm thứ nhất sẽ trả 677,9 tỷ đồng, năm thứ hai là 1.224 tỷ đồng, từ năm thứ ba đến năm thứ năm là 2.179,2 tỷ đồng, sau 5 năm là 3.512,5 tỷ đồng; đối với các khoản trái phiếu thường, lịch trả nợ trong năm thứ nhất là 1.361,3 tỷ đồng, năm thứ hai là 2.461 tỷ đồng, năm thứ ba đến năm thứ năm 5 là 2.243,9 tỷ đồng, sau 5 năm là 1.150 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính tới 31/3/2021, lượng tiền và đầu tư tài chính của CII chỉ là 1.102,7 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp sau nhiều năm liên tục huy động tiền vay để tài trợ dự án, dòng tiền kinh doanh chưa kịp dương trở lại đã phải chịu áp lực trả gốc và lãi, trong bối cảnh doanh nghiệp đang có lượng tiền mặt eo hẹp.

Xét 3 năm qua, bên cạnh dư nợ vay liên tục tăng thì áp lực lãi vay cũng tăng: năm 2018, chi phí lãi là 632,2 tỷ đồng, năm 2019 là 729,3 tỷ đồng, năm 2020 là 901,1 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận năm 2019 và 2020 lần lượt là 521,9 tỷ đồng và 472 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, dòng tiền kinh doanh chính liên tục âm, doanh nghiệp phải huy động nợ vay bằng phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, Ban lãnh đạo CII chia sẻ, trong năm nay, Công ty dự kiến huy động 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền để huy động vốn cho dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Khu dân cư Sơn Tịnh…

Ngoài ra, doanh nghiệp đang làm việc với các tổ chức tài chính lớn trong nước để nghiên cứu phát triển sản phẩm đầu tư tài chính trên nền tảng công nghệ tài chính (FinTech), mục tiêu thực hiện các gói trái phiếu lên đến 20.000 tỷ đồng dựa trên nguồn trả nợ là dòng doanh thu từ các dự án BOT hiện hữu đã đi vào vận hành thu phí.

Trước đó, năm 2020, sau khi pháp luật siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, CII đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn từ cổ đông hiện hữu.

Diễn biến giá cổ phiếu CII từ tháng 11/2020 đến nay. Nguồn: FireAnt.

Diễn biến giá cổ phiếu CII từ tháng 11/2020 đến nay. Nguồn: FireAnt.

Cổ đông nội bộ và cổ đông ngoại thoái vốn

Kể từ đầu tháng 4/2021, khi có thông tin một loạt lãnh đạo cấp cao của CII đăng ký bán ra cổ phiếu và một số quỹ đầu tư nước ngoài liên tục thoái vốn, cổ phiếu của doanh nghiệp bước vào giai đoạn giảm giá mạnh.

Cụ thể, ngày 8 - 9/4, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CII bán ra 1,7 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0,33%; ngày 8/4, bà Nguyễn Thị Thu Trà, Giám đốc Tài chính CII bán ra toàn bộ 557.000 cổ phiếu; ngày 6/5, ông Nguyễn Trường Hoàng, Giám đốc Phòng Quản lý dự án bán ra 55.000 cổ phiếu.

Bên cạnh đó, nhóm quỹ Dragon Capital liên tục thoái vốn tại CII, giảm tỷ lệ sở hữu từ 11,17% đầu tháng 4/2021 xuống 6,92% tính đến ngày 21/5. Ngoài ra, ngày 26/5, nhóm quỹ Korea Investment Management Co., Ltd bán ra 500.000 cổ phiếu CII, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,02% xuống 4,81%.

Động thái bán ra của cổ đông nội bộ và quỹ ngoại đã tác động không nhỏ tới diễn biến giá cổ phiếu CII. Từ ngày 1/4 đến 1/6, giá cổ phiếu CII giảm 24,6%, xuống 19.600 đồng/cổ phiếu, trái ngược với xu hướng tăng của thị trường chung. Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số VN-Index tăng 9,3%, chỉ số VN30 tăng 20,9%.

Tin bài liên quan