Cha đẻ của trường phái đầu tư giá trị là Benjamin Graham, cùng người đồng nghiệp David Dodd đã viết thành những cuốn sách được coi là “kinh thánh” trong đầu tư giá trị.
Từ đó tới nay, cụm từ “giá trị” được mở rộng và áp dụng thành công bởi các học trò xuất sắc của hai ông, tiêu biểu là Warren Buffett và Charlie Munger.
Phương pháp đầu tư giá trị tập trung vào việc đánh giá giá trị tài sản của công ty, kỳ vọng giá thị trường đang thấp sẽ sớm quay về giá trị thực.
Warren Buffett và Charlie Munger đã mở rộng hai từ “giá trị” lên một tầm cao mới, vì phương pháp ban đầu mang nặng yếu tố định lượng, ít các yếu tố định tính như tài sản vô hình, lợi thế cạnh tranh, triển vọng tương lai, văn hóa công ty, năng lực quản trị của ban lãnh đạo…
Charlie Munger cho rằng, bản chất của việc đầu tư là bỏ ra một đồng vốn và thu lại nhiều hơn một đồng vốn ở trong tương lai, cụm từ “giá trị” đi kèm được hiểu là giá trị thực hay giá trị nội tại của công ty. Về dài hạn, giá cả của công ty sẽ xoay quanh giá trị nội tại.
Hai ông đã xây dựng Tập đoàn Berkshire Hathaway trở nên khổng lồ như ngày nay là nhờ phương pháp đầu tư giá trị và mỗi năm có khoảng 40.000 cổ đông đến từ khắp nơi trên thế giới tập hợp tại đây để học hỏi.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, phương pháp đầu tư giá trị chưa được áp dụng rộng rãi và đa số giao dịch ngắn hạn, “lướt sóng”.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp vào dạng thị trường sơ khai nên niềm tin của nhà đầu tư không cao và số lượng người tham gia rất thấp.
Nhiều người không quan tâm đến chứng khoán, không có ý niệm về việc đầu tư ngoài gửi tiếp kiệm, mua vàng hay mua đất.
Có những người cho rằng, thị trường chứng khoán giống như “sòng bạc cao cấp” và khả năng để một nhà đầu tư cá nhân tự đầu tư thành công gần như là 0% nên họ tìm mọi cách để lấy được những thông tin mà thị trường không có mới đầu tư thành công được.
Ngay cả một bộ phận những người làm nghề tư vấn (người đi bán ý tưởng đầu tư) cũng có suy nghĩ tương tự.
Làm thế nào để lan tỏa, tuyên truyền, phổ biến những nhận thức đúng đắn về đầu tư chứng khoán và công việc của một nhà đầu tư cá nhân?
Ðiều này có lẽ cần thời gian để tạo ra một thế hệ các nhà đầu tư nghiêm túc, thành công đủ lớn để lan tỏa các triết lý khắp các ngóc ngách trong cuộc sống của một nhà đầu tư.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, đây là công việc đòi hỏi một “hệ sinh thái (Ecosystem)” bao gồm sự tham gia rộng rãi của chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và sự liên kết giữa các tổ chức khác như ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…
Theo quan điểm người viết thì cần thời gian và sự tuyên truyền không biết mệt mỏi, vì đây là câu chuyện của việc xây dựng niềm tin, uy tín để thu hút các thành phần cùng tham gia xây dựng thị trường.
Ðộ lớn của thị trường sẽ không quan trọng bằng độ lớn của nhận thức, niềm tin, sự nghiêm túc của đại bộ phận các nhà đầu tư tham gia thị trường và dĩ nhiên đây là nền móng vững chắc để thị trường đi xa hơn.
Thị trường hiệu quả sẽ không phải là thị trường phản ánh ngay tức thời với tất cả các loại thông tin, mà là thị trường có nhiều nhà đầu tư có trình độ chuyên môn cao, đầu tư hiệu quả thực sự.
Có thể lấy câu chuyện Ðội tuyển bóng đá U23 Việt Nam để truyền cảm hứng. Người Việt có sẵn tình yêu bóng đá, nhưng hàng chục năm trước chưa dám mơ tới những thành tích cao.
Thành tích gần đây có thể nói là “điểm bùng nổ” cho quá trình chuẩn bị hàng chục năm trước đó, với những con người tiên phong trong việc xây dựng học viện và câu lạc bộ bóng đá, đi khắp đất nước để chọn ra những “hạt mầm” tiềm năng, đi khắp thế giới để học hỏi, mang về những huấn luyện viên và cầu thủ chất lượng, giúp nâng tầm nền bóng đá.
Những “ông bầu” như bầu Ðức, bầu Long, bầu Thắng, bầu Hiển… thực sự đam mê bóng đá, vì làm bóng đá thời đó quá nhiều bất cập, tiêu cực, chứ chưa dám nghĩ tới lợi nhuận để ngày hôm nay đội tuyển có những chiến thắng vang dội, người dân có những dịp “tràn” ra ngoài đường ăn mừng vì niềm tự hào dân tộc và lạ thay, tất cả mọi người như quen biết nhau từ trước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập năm 2000 với 2 công ty niêm yết, nhưng hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp trên 3 sàn và rất nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như doanh nghiệp đại chúng sẽ lên sàn theo quy định, bên cạnh đó là hàng vạn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm.
Ðây sẽ là những cơ hội đầu tư tiềm năng trong tương lai, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp cận và học hỏi từ thế giới ngày càng trở nên dễ dàng hơn.
Isarel là một trong những quốc gia mà nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới rót vốn vào đầu tư.
Quốc gia này khởi nguồn từ trí tưởng tượng của những con người 2.000 năm lưu vong, hành trang không có gì ngoài những lời nguyện cầu, nuôi dưỡng hy vọng và lòng trung thành của người Do Thái với vùng đất hứa của cha ông họ.
Vốn liếng duy nhất có thể sử dụng chính là con người. Mảnh đất khô cằn không tự dưng sản sinh ra vàng, mà phải cần đến con người tình nguyện làm nhiều, hưởng ít.
Họ đã phát minh ra lối sống mới như kibbutz (nông trang), xây dựng nên những thị trấn và cộng đồng dân cư từ nơi chưa hề tồn tại.
Họ lao động cật lực và không bao giờ thỏa mãn với bản thân, song họ cũng chính là những con người biết ước mơ và hướng đến sự sáng tạo (trích từ sách Quốc gia khởi nghiệp).
Có thể nói, tài sản và di sản ban đầu được sinh ra từ những tư duy đúng đắn, biết đặt những lợi ích chung, lâu dài của tập thể, tổ chức lên trên lợi ích tầm thường của cá nhân.
Tư tưởng này cũng rất quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ với tinh thần hợp tác cùng phát triển.
Quay trở lại với câu chuyện về đầu tư thì vai trò của “giáo dục” trong việc thiết lập một hệ tư tưởng của các thế hệ đi sau phải được đặt lên hàng đầu.
Các nước phát triển đề cao ý thức, tính tự giác, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định của bản thân.
Ðặc biệt, họ để những đứa trẻ tự vấp ngã đứng dậy, đi bằng chính đôi chân của mình. Ngay từ nhỏ, bọn trẻ đã được dạy về tiền bạc bằng những câu chuyện sâu sắc.
Khi mức độ nhận thức cao, những đứa trẻ sẽ trưởng thành rất nhanh, có định hướng nghiêm túc trong mọi việc làm, chúng hiểu được rằng làm bất kỳ việc gì cũng cần quá trình rèn luyện, kỷ luật và đương nhiên việc đầu tư cũng không ngoại lệ.
Ðầu tư suy cho cùng là để đồng tiền làm việc sinh lợi ra nhiều đồng tiền khác, nhưng khi trình độ, tầm hiểu biết chưa đủ thì việc sở hữu những khối tài sản lớn đôi khi là “gây hại” cho những người sở hữu nhiều hơn và bài học là thứ duy nhất còn ở lại sau khi tài sản ra đi.
Trong khi đó, không ít nhà đầu tư Việt Nam bước vào thị trường chứng khoán nhằm nhân đôi, nhân ba tài khoản trong thời gian ngắn, dù chưa nhận thức được những rủi ro có thể gặp phải, trình độ chuyên môn cần thiết để đầu tư.
Họ dùng kinh nghiệm tại những ngành nghề khác áp dụng và ngoại suy trong việc đầu tư với những hy vọng tươi sáng.
Những kinh nghiệm có sẵn không phù hợp hoặc chưa đầy đủ này quay lại làm hại họ và là yếu tố ngăn cản họ học hỏi những điều mới, những điều đúng đắn và những triết lý đầu tư vượt thời gian, vì “cái tôi”.
Việc tiếp cận kiến thức, giao lưu với thị trường thế giới hiện tại đã dễ dàng nên có thể hy vọng thị trường Việt Nam sẽ có hàng trăm cộng đồng về đầu tư giá trị “đúng nghĩa”, là những con suối chảy xuống sông và hòa mình vào biển lớn.
Thay vì cần những tổ chức thật thành công về đầu tư giá trị để lan tỏa thì mỗi nhà đầu tư cần tự xác lập lại tư duy, nghiêm túc trong quá trình nghiên cứu, nuôi dưỡng và chịu lan tỏa những giá trị đúng đắn.
Quá trình cộng hưởng về giá trị đến một lúc nào đó sẽ quay lại hỗ trợ mọi người tốt lên, nâng cao trình độ và tất cả đều sẽ có những kết quả đầu tư thỏa đáng với những nỗ lực đã bỏ ra. Ðây chính là bí quyết đi bền với thị trường trong mọi hoàn cảnh.