Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 3,46 điểm, tương đương giảm 0,25% xuống 1.389,24 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 2,2% lên 110.405 tỷ đồng, khối lượng giao dịch tăng 3,5% lên 3.790 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 6,37 điểm, tương đương tăng 1,66% lên 391,21 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 3,8% lên 13.294 tỷ đồng, khối lượng tăng 15,6% lên 652 triệu cổ phiếu.
Tuần qua là một tuần giao dịch sôi động của nhóm cổ phiếu xây dựng khi toàn ngành đã bay cao với mức tăng 2,9%, nhiều mã cũng bật mạnh trên sàn. Nhóm ngành này đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi sau mở cửa cùng với lực đẩy mạnh từ đầu tư công.
Cổ phiếu xây dựng bay cao
Mã chứng khoán |
Niêm yết |
Giá đóng cửa ngày 15/10 (VNĐ) |
Giá đóng cửa ngày 22/10 (VNĐ) |
Chênh lệch (%) |
IDJ |
HNX |
39.000 |
47.700 |
22,31 |
CSC |
HNX |
85.900 |
100.000 |
16,41 |
HTN |
HOSE |
51.700 |
58.900 |
13,93 |
BCG |
HOSE |
20.750 |
23.500 |
13,25 |
S99 |
HNX |
19.900 |
22.500 |
13,07 |
L14 |
HNX |
123.000 |
138.200 |
12,36 |
LCG |
HOSE |
15.140 |
16.700 |
10,30 |
C4G |
UPCoM |
11.700 |
12.500 |
6,84 |
FCN |
HOSE |
15.650 |
16.500 |
5,43 |
HBC |
HOSE |
16.100 |
16.900 |
4,97 |
Tăng mạnh nhất phải kể đến mã IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam với 22,31% giúp cổ phiếu tăng từ 39.000 đồng/CP lên 47.700 đồng/CP. Trong cả tuần giao dịch, IDJ chỉ có phiên ngày 20/10 giảm nhẹ 0,7%, các phiên còn lại đều tăng mạnh.
Tuy nhiên, IDJ mới bị HNX đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 8/10 do Công ty đã vi phạm quy định công bố thông tin 4 lần trở lên trong một năm và thuộc trường hợp bị cảnh báo của Quy chế niêm yết. Cũng vì lý do này, hiện cổ phiếu IDJ không được phép giao dịch ký quỹ. Nhưng điều này cũng không cản được đà tăng của IDJ vì cổ phiếu này vẫn tăng 37,1% kể từ ngày bị cảnh báo.
Mã CSC của CTCP Tập đoàn Cotana cũng tăng 16,41% trong tuần và tăng 39,1% kể từ đầu tháng 9. Ngoài ra, mã HTN của Hưng Thịnh Incons tăng 13,93%; mã BCG của Bamboo Capital theo sau với 13,25%,…
Các mã LCG của CTCP Licogi 16, mã C4G Tập đoàn Cienco4 , mã FCN của CTCP Fecon, mã HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình luôn là những cái tên đầu ngành xây dựng khi nhắc đến đầu tư công. Trong tuần qua, các mã này dù chưa bật mạnh nhưng vẫn tăng tích cực.
Trong đó, mã LCG có phiên đầu tuần không thuận lợi khi giảm 4,88%, nhưng hai phiên tăng trần sau đó đã kéo cổ phiếu tăng 10,30% trong cả tuần giao dịch và chốt giá 16.700 đồng/CP vào phiên ngày 22/10. Tuy nhiên, so với hồi đầu tháng, LCG vẫn giảm 10,78% và cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hồi phục trong những phiên tới.
Đáng chú ý, ngày 21/10, Licogi 16 đã chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ. Cụ thể, Công ty sẽ chào bán 50 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông với giá 10.000 đồng/CP, tỷ lệ thực hiện là 115.248.172:50.000.000 (cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu được hưởng 01 quyền mua, cứ 115.248.172 quyền được mua 50.000.000 cổ phiếu mới).
Bên cạnh đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới đây đã thông báo trúng thầu 2 dự án mới tại Hà Nội với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị trúng thầu lũy kế từ đầu năm lên 16.054 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch của năm 2021 (14.000 tỷ đồng).
Những thông tin tích cực về tình hình kinh doanh, liên tiếp trúng thầu các dự án đã phản ánh vào giá cổ phiếu của HBC trong tuần qua khi mã này đã tăng 4,97%. Trong phiên ngày 22/10, cổ phiếu tăng trần và chốt phiên với giá 16.900 đồng/CP, khối lượng giao dịch cũng đạt đỉnh tuần với hơn 17,47 triệu đơn vị.
Động lực vẫn từ đầu tư công
Hầu hết, cho đến nay các doanh nghiệp xây dựng chưa công bố báo cáo tài chính quý III. Như vậy, đà tăng của cổ phiếu không đến từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều phỏng đoán cho rằng khi các doanh nghiệp tung ra các con số chính thức, cổ phiếu ngành này sẽ bị “lung lay”.
Quý III không phải là một quý thuận buồm xuôi gió của các doanh nghiệp. Suốt thời gian dịch bệnh trong tháng 7, 8 và cả tháng 9, lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt khiến hoạt động xây dựng bị ngưng trệ, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Rất nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất lao động của mình từ 30 - 50%. Do đó, thực tế rằng doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhiều doanh nghiệp sẽ không đạt được những con số như kỳ vọng.
Như vậy, sau đại dịch, đầu tư công vẫn là lực đẩy mạnh nhất để cứu cánh cho nền kinh tế và cho toàn ngành xây dựng. Bởi nhóm ngành này cùng với vật liệu xây dựng vẫn luôn là những ngành đầu tiên được nhắc tới trong câu chuyện hưởng lợi từ đầu tư công từ trước đến nay.
Chuyên gia đến từ BSC cũng khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư công như xây dựng hạ tầng, nguyên liệu để giải ngân như: đá, thép, xi măng, nhựa đường,… Những ngành này sẽ được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong nước và thế giới.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC cho rằng, ngành xây dựng sẽ có nhiều cơ hội sau khi đại dịch được kiểm soát. Các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh đầu tư công để khôi phục kinh tế. Ở Việt Nam cũng có làn sóng đầu tư công về công nghiệp và đẩy mạnh đầu tư công của nhà nước để khôi phục kinh tế sau đại dịch.
“Bởi vậy, sau đại dịch, ngành xây dựng sẽ rất “nóng”. Không chỉ “nóng” ở Việt Nam mà còn ở cả thế giới”, ông Hải nhận định.
Ngành xây dựng đang có lợi thế về phát triển các dự án đầu tư công lớn là công trình giao thông, hạ tầng khu công nghiệp. Trong đó, một số dự án đầu tư công trọng điểm như Sân bay Quốc tế Long Thành đến nay đã giải phóng mặt bằng đạt 50% và khởi công giai đoạn 1 hay 11 dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam,...
Càng những tháng cuối năm, Chính phủ cùng các cơ quan bộ ngành càng cấp tốc đẩy mạnh đầu tư công. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9/2021 ước đạt 47,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao phó, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (56,35%).
Vậy nên, nguồn vốn đầu tư công đến cuối năm 2021 còn khoảng 250.000 tỷ đồng sẽ được tăng tốc hướng tới xây dựng công trình cơ sở hạ tầng.
Về dài hạn, Chứng khoán VDSC đánh giá các doanh nghiệp xây dựng sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ biện pháp đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ. Nếu các dự án quy mô lớn được triển khai thì đây sẽ là động lực giúp thúc đẩy ngành xây dựng trong những năm tới.
“Đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn nhất của ngành xây dựng trong 5 năm tới, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng”, VDSC dự báo.
Theo Fitch Solutions, giá trị ngành xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ đạt 158.167 tỷ đồng vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10% trong giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng lớn là động lực chính.