Khi “tay to” chưa gom xong thì sẽ ít có khả năng đánh lên sốc, giá tăng mạnh

Khi “tay to” chưa gom xong thì sẽ ít có khả năng đánh lên sốc, giá tăng mạnh

Đầu tư chứng khoán, không chỉ biết, mà còn cần hiểu (kỳ 4): Kịch bản của các “tay to”

(ĐTCK) Trên thị trường có những nhóm nhà đầu tư lớn săn lùng các cổ phiếu tốt để đầu cơ nhằm thu lãi cao từ chênh lệch giá trong ngắn hạn. Nhận biết được kịch bản giao dịch của các “tay to” này sẽ giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ có cơ hội hưởng lợi, đồng thời hạn chế được rủi ro.

Hoạt động đầu tư và đầu cơ đều phổ biến trên thị trường. Bao năm qua, các nhà đầu tư và đầu cơ vẫn tồn tại song song với nhau, vì mỗi loại đều có cái hay, cái giá trị riêng. Hiểu được bản thân, hiểu được cái giá phải trả cho mỗi kiểu sẽ giúp chúng ta vững tâm hơn trên con đường đầu tư.

Phải luôn nhớ rằng, không được lẫn lộn giữa đầu tư và đầu cơ. Không vì mua cổ phiếu để lướt sóng mà lại bị kẹp, trở thành nhà đầu tư dài hạn. Điều này rất nguy hiểm, vì nếu đánh ngắn hạn, chỉ quan tâm tới giá, không hiểu câu chuyện cơ bản mà lại tiếp tục nắm giữ, chờ giá phục hồi thì rất rủi ro. Nếu may mắn thì nhà đầu tư thoát ra được, còn nếu cổ phiếu rơi vào xu hướng giảm dài hạn thì tài sản có nguy cơ bốc hơi hết (trường hợp sử dụng ký quỹ nhiều).

Tôi cho rằng, sẽ không có nhà môi giới, không có hệ thống nào giúp các bạn mua đáy, bán đỉnh. Người nào vài lần làm được việc này thì đó là nhờ may mắn, mà nếu đã là may mắn thì nó không hiện hữu lâu dài. Chúng ta phải chịu khó nghiên cứu, tìm tòi và suy nghĩ sâu sắc vấn đề, cố gắng đưa ra những kịch bản và hướng xử lý.

Bây giờ, hãy giả định bạn là một “tay to”, một người bước vào thị trường với số vốn hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Bạn chắc chắn sẽ không có một hội hay một nhóm chơi chung hay không? Khả năng cao là bạn sẽ kết giao với nhiều nhà đầu tư khác có tài sản lớn tương tự như bạn. Theo đó, một nhóm nhà đầu tư có tổng tài sản khoảng vài trăm tỷ đồng (chưa kể margin) và trên thị trường có rất nhiều nhóm như vậy.

Tôi đang nhìn mọi thứ ở khía cạnh tích cực, tức giả định những đội nhóm này đều không phải là người lái cổ phiếu, mà là đi tìm, săn lùng những cổ phiếu tốt để đầu cơ, nhằm hưởng chênh lệch giá trong ngắn hạn. Chắc chắn, họ là những người sành sỏi về thị trường chứng khoán, hiểu phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật. Đặc biệt, họ sẽ tìm cách để liên lạc, tạo mối quan hệ với ban lãnh đạo doanh nghiệp mục tiêu mà họ muốn bỏ tiền vào, nhằm có được thông tin nhanh và đầy đủ về doanh nghiệp. Đây là lợi thế của các nhà đầu tư lớn.

“Làm giá” bằng tin độc

Theo kinh nghiệm của tôi, không ít cổ phiếu tăng giá mạnh do có dòng tiền của các nhóm nhà đầu tư lớn. Tất nhiên, họ muốn thu lãi lớn thì phải thu hút được đông đảo nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia, qua đó thoái vốn thành công.

Tôi đưa ra một bài toán nhỏ để các bạn suy nghĩ: Giá cổ phiếu đang trong xu hướng lên, giả sử giá chạy từ 1 tới 12. Là dân lướt sóng, khi cổ phiếu tích lũy trong vùng giá 1-2-3, các bạn có giải ngân hay không? Hãy nhớ nguyên lý: Giá đi lên trong ngắn hạn thường kèm theo một tin tức nào đó ảnh hưởng trọng yếu tới doanh nghiệp. Việc không nắm được tin tức, trong khi các chỉ báo, tín hiệu kỹ thuật chưa hề báo mua, thì chúng ta chưa nên xuống tiền.

Vậy ai mua cổ phiếu đó trong những ngày giá tích lũy lâu như vậy tại vùng 1-2-3? Với giá trị tài sản vài trăm tỷ đồng của nhóm nhà đầu tư lớn, việc mua vào cổ phiếu khi giá tăng là không dễ dàng, vì ít người bán ra. Phải mua trong những phiên tích lũy, mua trong những phiên giá “đỏ”, chưa rõ xu hướng. Về nguyên tắc, họ phải mua được phần lớn khối lượng muốn mua (khoảng 70 - 80%) trong giai đoạn này. Sau khi mua xong, họ dùng phần tiền còn lại, hoặc kết hợp với sử dụng margin, tạo ra dòng tiền lớn để đẩy giá cổ phiếu lên. Qua đó, tạo tín hiệu mua trên đồ thị phân tích kỹ thuật, các chỉ báo từ giá tới khối lượng, sức mạnh đều báo tích cực để các nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào mua tại vùng giá 4-5-6.

Dòng tiền lớn sẽ quyết định được xu hướng của giá cổ phiếu. Nếu bạn chỉ có vài tỷ đồng, việc giải ngân có thể chỉ gói gọn trong 2 - 3 ngày, lâu hơn thì 1 - 2 tuần, chứ không thể đủ tiền để mua/đẩy cổ phiếu trong khoảng thời gian tính bằng tháng.

Những chỉ báo kỹ thuật chỉ phát huy tác dụng khi cổ phiếu có xu hướng rõ ràng (đường MA, MACD, RSI, Stochastic, trendline, hộp Darvas…), cùng thời điểm bùng nổ đó của giá cổ phiếu thì các tin tức hỗ trợ cũng lần lượt được tung ra, tạo nền, tạo đà, tạo niềm tin vững chắc hơn để giá đi lên. Cần nhớ rằng, thông tin/tín hiệu tích cực mà chúng ta nhận được cũng chính là cái mà các “tay to” muốn chúng ta thấy và làm theo.

Khi giá tăng cao, các “tay to” không ai dại gì mà bán một lúc với khối lượng lớn, bởi cầu sẽ vào không kịp và họ sẽ bị kẹp hàng. Chiến thuật của các nhà đầu tư lớn lúc này là vừa mua vào để đẩy giá lên, vừa bán ra để thoát hàng. Do có nhiều nhà đầu tư khác tham gia nên họ có thể dần dần thoái vốn ở mức giá cao, mà không làm thay đổi tín hiệu của các chỉ báo kỹ thuật. Họ sẽ bán dồn dập khi còn lại một khối lượng nhỏ. Lúc này, các tín hiệu mới báo bán, các chỉ báo mới tiêu cực. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm được kịch bản này thì có thể mua được ở vùng giá 4-5-6, bán được ở vùng giá 7-8-9.

Liên quan đến phân tích kỹ thuật, cần lưu ý rằng, do lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế, mà trường phái đầu tư của họ phần lớn là ngắn hạn, lướt sóng, nên các hệ thống, các tư vấn của nhà môi giới ra đời chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu này của nhà đầu tư. Nhà môi giới luôn phải cập nhật, phân tích, tìm ra cổ phiếu mới tiềm năng. Nhiều khi hôm nay bạn hỏi, họ sẽ tư vấn một số cổ phiếu này, nhưng mai lại là cổ phiếu khác. Do chỉ báo, hệ thống hay tín hiệu đều “đi” theo ý của các “tay to”, nên nhiều khi mọi thứ cứ loạn cả lên.

Quan điểm của tôi là thận trọng khi lướt sóng, cần quan sát, theo dõi cổ phiếu nhiều ngày, đưa ra một danh sách khoảng 5 - 7 cổ phiếu cần chú ý, từ đó ra quyết định giao dịch những mã này, chứ không phải nhìn thấy ở đâu “xanh” (giá cổ phiếu khác tăng, chỉ báo kỹ thuật báo mua) là nhảy vào đó.

Đầu tư chứng khoán, không chỉ biết, mà còn cần hiểu (kỳ 4): Kịch bản của các “tay to” ảnh 2

Các tín hiệu kỹ thuật cho ta điểm mua /bán, cảnh báo xu hướng tiếp theo, không có nghĩa rằng nhà đầu tư mua xong thì giá hôm sau, hoặc T+3 hay T+5 sẽ tăng ngay. Chẳng hạn, cổ phiếu PDR ngày 31/8 cho tín hiệu tăng, nhưng sau khi tích lũy 5 phiên mới “chạy”; cổ phiếu HBC ngày 19/6 và ngày 29/8, tín hiệu báo mua, nhưng tích lũy 5 - 7 phiên mới chạy; cổ phiếu MWG ngày 30/8 cho tín hiệu mua, nhưng tích lũy 5 - 6 phiên mới tăng…

Liên hệ với những gì tôi chia sẻ ở trên, khi “tay to” chưa gom xong thì sẽ ít có khả năng đánh lên sốc, giá tăng mạnh. Tín hiệu báo kỹ thuật phát ra là để cảnh báo dòng tiền lớn đã vào và sẽ có một đợt tăng hoặc giảm. Lướt sóng cũng cần sự kiên nhẫn thì phần thưởng mới tới được.

Nhằm hạn chế rủi ro, cần lướt sóng các cổ phiếu có nền tảng cơ bản, tăng trưởng lợi nhuận tốt, để chúng ta biết rằng vùng giá hiện tại không quá cao, không quá xa giá trị thực. Mỗi một cổ phiếu đều có cách giao dịch, lịch sử giao dịch riêng, hãy theo dõi để quen, để hiểu cổ phiếu đó hơn.

Có nhiều cổ phiếu cùng ngành có diễn biến giá tương tự nhau. Cố gắng tìm ra những cặp cổ phiếu như vậy, hoặc tìm ra những cổ phiếu có mẫu hình tương tự nhau, nhưng đều phải có câu chuyện cơ bản, hứa hẹn triển vọng tốt.

Để tìm được cổ phiếu như trên, bạn phải có nhiều thời gian và/hoặc có một người môi giới, tư vấn tốt, với nhiều kinh nghiệm, có tâm với nghề. Luôn phải kiểm tra người tư vấn cho mình bằng nhiều cách, thử trình độ chuyên môn tới kinh nghiệm của họ, vì họ chính là người đồng hành cùng bạn, là người có ảnh hưởng lớn tới kết quả đầu tư sau này.

Nguyễn Đại Hiệp

(Bạn đọc có thể trao đổi với người viết qua địa chỉ: Facebook.com/kennguyen68)

Tin bài liên quan