Đầu tư giá trị
Thực hiện chiến lược đầu tư giá trị, nhà đầu tư chỉ quan tâm tới giá trị thật của cổ phiếu, bằng mọi phương pháp phải tìm ra giá trị này, thậm chí không quan tâm tới thanh khoản của cổ phiếu. Sau khi có được kết quả, nếu thị giá thấp hơn giá trị thật thì nhà đầu tư chỉ việc mua vào và nắm giữ dài hạn.
Nhà đầu tư không nên theo dõi diễn biến giá trên bảng điện tử, hay thực hiện mua đỉnh - bán đáy như các nhà giao dịch (trader), nhà đầu cơ, mà nên quan tâm tới các yếu tố về ngành, chính sách, vĩ mô, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Nguyên lý ở đây rất rõ ràng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, tự khắc sẽ có những tin tức tốt về dự án, về lợi nhuận. Trong dài hạn, giá cổ phiếu và tình hình kinh doanh khả quan chắc chắn sẽ có mối tương quan thuận chiều.
Hầu như không có khái niệm cắt lỗ đối với các khoản đầu tư giá trị, ít nhất là trong ngắn hạn, khi nhà đầu tư chọn được doanh nghiệp tốt để đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xem xét bán ra cổ phiếu khi thấy doanh nghiệp có sự thay đổi lớn trong yếu tố nội tại theo chiều hướng xấu.
Chẳng hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh liên tục âm. Hay kết quả kinh doanh suy giảm sau khi có sự thay đổi lãnh đạo chủ chốt, người đã chèo lái doanh nghiệp, tạo nên thành công của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Hoặc tỷ lệ nợ tăng mạnh, tức doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính lớn để đầu tư các dự án, nhưng hiệu quả mang lại không cao, dẫn tới gánh nặng về chi phí lãi vay, kéo hiệu quả kinh doanh của cả doanh nghiệp đi xuống…
Nhà đầu tư giá trị buộc phải thức tỉnh, thoái vốn khỏi các khoản đầu tư không còn tiềm năng, kết thúc một khoảng thời gian dài đầu tư và đặt niềm tin vào doanh nghiệp đó.
Đầu tư tăng trưởng
Đây là chiến lược đầu tư chủ yếu mà tôi sử dụng, cái tên cũng đã nói lên hầu hết ý nghĩa của chiến lược này, đó là đầu tư vào các doanh nghiệp tăng trưởng. Tôi tập trung vào các doanh nghiệp có lợi nhuận quý gần nhất tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Lý do là trong ngắn hạn, 1 - 2 quý, lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Ít nhất thì trong ngắn hạn, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp sẽ khó bị thay đổi một cách dễ dàng và rủi ro như tôi đã đề cập không phải là nguyên nhân chính tác động tới giá cổ phiếu trong vòng 1 quý.
Nhà đầu tư cần xem xét bán ra cổ phiếu khi thấy doanh nghiệp có sự thay đổi lớn nội tại theo chiều hướng xấu
Chọn các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ, mức chấp nhận trả giá của thị trường cho cổ phiếu trong quý trước sẽ dùng để tính toán cho giá kỳ vọng ở các quý sau. Tức giả định rằng, nếu thị trường sẽ trả giá cho lợi nhuận tương đương với quý trước, thì lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng trưởng sẽ kéo hệ số P/E sụt giảm, khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn. Khi đó, dòng tiền sẽ quay trở lại, đưa cổ phiếu về tương đương với vùng định giá quý trước, đồng nghĩa với giá tăng.
Vậy nếu dùng phương pháp này, nhà đầu tư có cần phải xem bảng điện và diễn biến giá hàng ngày hay không? Câu trả lời là vẫn phải cập nhật giá một cách thường xuyên, nhưng không tới mức phải xem bảng điện hàng giờ, hàng ngày. Theo tôi, cập nhật giá mỗi 2 - 3 ngày là hợp lý nhất, vì càng theo dõi diễn biến giá, nhà đầu tư càng dễ có nhiều cảm xúc và đôi khi không kiềm chế được lòng mình mà đưa ra các quyết định giao dịch thiếu sáng suốt.
Chiến lược/phương pháp đầu tư trên không phải do tôi nghĩ ra, mà tôi học được từ nhiều nhà đầu tư thành công khác, cũng như sau khi rút ra được không ít kinh nghiệm đầu tư “xương máu” cho riêng mình.
Khi chưa gặt hái được thành quả, niềm tin chưa đủ lớn, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài sẽ thấy “sốt ruột” nếu theo dõi bảng điện, thấy các cổ phiếu khác cứ “nhảy múa” loạn cả lên, còn cổ phiếu của mình thì “lẹt đẹt”. Nhà đầu tư sẽ chạy đi tìm kiếm các diễn đàn, các nhóm chứng khoán để tham khảo thông tin, “lướt lát” theo thông tin, tin đồn. Lâu ngày, chúng ta sẽ quay trở lại trạng thái ban đầu, là đầu tư theo tin tức, tin đồn, mà không có một phương pháp, chiến lược cụ thể nào.
Có thể nói, hiểu được phương pháp, chiến lược đầu tư thì dễ, nhưng áp dụng và tuân thủ rất khó. Tôi nghĩ rằng, đây chính là khác biệt cơ bản giữa nhà đầu tư thành công và nhà đầu tư thất bại khi cùng sử dụng một phương pháp. Có một kinh nghiệm có thể chia sẻ ở đây là mỗi khi rơi vào trường hợp như vậy, hãy tự trấn an rằng, phần thưởng chưa tới với mình, hãy tiếp tục kiên nhẫn và chờ đợi. Bạn có chắc rằng, cổ phiếu kia xanh, đang tăng giá, nhưng mua vào, đến ngày T+3 về tài khoản sẽ có lời hay không? Không nên để cảm xúc chi phối. Nên tắt bảng điện, đi làm việc khác, giúp tạo ra giá trị nhiều hơn.
Lưu ý, phương pháp này có thể được hiểu là giao dịch theo quý, vẫn mang tính ngắn hạn. Tại những quý mà doanh nghiệp đạt lợi nhuận đột biến, P/E sẽ rơi về mức rất thấp, do EPS tăng mạnh. Với mức P/E mà thị trường chấp nhận ở quý trước, giá tính toán cho quý sau sẽ lên mức rất cao. Giá thực tế sẽ khó có thể “leo” tới giá trị mà chúng ta đã tính toán. Do đó, phải loại bỏ những khoản thu nhập bất thường để tính toán một cách khách quan hơn.
Lấy NLG làm ví dụ: Thu nhập chủ yếu trong các năm qua của NLG đến từ bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự. Quý II/2017, NLG ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 289 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chuyển nhượng dự án, nếu định giá theo P/E thì giá mục tiêu sẽ rất cao và không hợp lý.
Kinh nghiệm của tôi về các doanh nghiệp bất động sản là kết quả kinh doanh theo quý biến động mạnh, có quý lợi nhuận chỉ vài tỷ đồng, thậm chí âm, quý sau có thể vọt lên hàng trăm tỷ đồng. Có lẽ, doanh nghiệp có thể thay đổi thời điểm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và dồn vào một quý nào đó.
Theo đó, giá cổ phiếu không ổn định, nhiều khi “chạy trước”, phản ánh cho một khoản lợi nhuận của quý sau. Phương pháp P/E sẽ không hiệu quả cho nhóm cổ phiếu này. Muốn đầu tư dòng bất động sản, nhà đầu tư nên tập trung vào quý II và quý IV.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý những doanh nghiệp có sự kiện bất thường xảy ra. Chẳng hạn, TCM với vụ cháy kho vải ngày 16/9/2017, khiến giá giảm mạnh. Mặc dù mức độ thiệt hại của vụ cháy là không đáng kể, nhưng giá cổ phiếu chưa lên ngay được. Hiện giá cổ phiếu này đang lình xình quanh ngưỡng 27.000 đồng, so với ngưỡng 30.000 đồng trước đó, vùng P/E rơi về 7,8 - 8,6 lần.
Một số cổ phiếu có diễn biến “lạ thường” như KSB, AAA. Cụ thể, KSB khi ra tin lợi nhuận quý II/2017 đạt 82,8 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, giá cổ phiếu không tăng, mà còn giảm từ ngưỡng 53.000 đồng xuống 46.000 đồng trong gần 1 tháng, sau đó hồi phục lên ngưỡng 53.000 đồng. Điều này có nghĩa, biến động giá trong quý I (tăng tới vùng đỉnh 56.000 đồng) đã phản ảnh kỳ vọng lợi nhuận quý II.
Với AAA, áp dụng phương pháp P/E và kiên trì nắm giữ thì định giá sẽ khá chuẩn cho cổ phiếu này trong các quý. Tuy nhiên, nếu quan sát bảng điện hàng ngày thì nhà đầu tư rất dễ lên cơn “đau tim”, bởi nhiều phiên giá đột ngột chuyển từ xanh sang đỏ và ngược lại.
Đối với những cổ phiếu mang nặng tính chu kỳ, ngành như ngân hàng, chứng khoán, P/E nên sử dụng là P/E ngành để so sánh tương quan đắt rẻ và tìm ra nguyên nhân dẫn tới giá cổ phiếu được định giá thấp so với trung bình ngành. So sánh này hợp lý hơn là so với P/E của cổ phiếu trong quá khứ, vì những dòng cổ phiếu này khi “chạy” thường “chạy” cùng nhau.
Ví dụ, lợi nhuận hai quý đầu năm 2017 của HPG không tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá cổ phiếu tăng liên tục từ đầu năm tới nay. Theo đó, vùng P/E cho HPG thay đổi một cách cơ bản từ quanh 6 lần lên trên 8 lần. Khối ngoại có động thái mua ròng và kỳ vọng lợi nhuận từ dự án Dung Quất là hai yếu tố chính đẩy định giá cổ phiếu HPG lên. Trong khi đó, P/E của cổ phiếu HSG vẫn loanh quanh mốc 6 lần, là mốc bền vững của ngành thép.
Vậy sử dụng phương pháp này có phải đặt ra mức cắt lỗ hay không? Câu trả lời là có. Mỗi người phải đặt ra một mức cắt lỗ và tuân thủ đúng như vậy, nhằm bảo toàn vốn. Giả sử chúng ta cắt lỗ sai thì có thể sửa, nếu giá phục hồi về vùng mà chúng ta đã giải ngân thì có thể quay trở lại vị thế mua. Trong đầu tư, thắng 9 thua 1 vẫn có thể mất hết; ngược lại, thua 9 thắng 1 lần thì vẫn có thể gỡ lại những khoản thua lỗ trước đó.
Nguyễn Đại Hiệp, (Bạn đọc có thể trao đổi với người viết qua địa chỉ: Facebook.com/kennguyen68)
Kỳ IV: Kịch bản của các “tay to”