Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước nhìn thấy cơ hội và tham gia vào TTCK Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước nhìn thấy cơ hội và tham gia vào TTCK Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh.

Đầu tư chứng khoán 2021, chọn doanh nghiệp để chiến thắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường năm 2020 tăng mạnh, vượt ngoài kỳ vọng của các thành viên liệu có tiếp tục lặp lại trong năm 2021, đâu là những yếu tố các nhà đầu tư cần lưu ý là nội dung cuộc trò chuyện của ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch FPTS với Đầu tư Chứng khoán. 

Đã có rất nhiều dữ liệu cho thấy năm 2020 thị trường chứng khoán (TTCK) có được những ảnh hưởng tích cực từ các chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Ông nhìn nhận ra sao về những yếu tố hỗ trợ thị trường như vậy và triển vọng trong năm 2021?

Năm 2020, chúng ta nhìn thấy rất rõ yếu tố dòng tiền trên thị trường có những thay đổi lớn, đến từ gói kích cầu ở các nước, rồi giá vốn rẻ khi tăng trưởng tín dụng ngân hàng ở mức thấp, đã có xu hướng chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán.

Ở góc độ nào đó, thì những tổ chức lớn như ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm đã nhìn thấy cơ hội trên TTCK, và họ cũng đã tham gia cuộc chơi với vị thế là những nhà đầu tư lớn.

Ngành ngân hàng và bất động sản là hai ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trong VN-Index, với gần 60%. Cả hai lĩnh vực này đều được cho là hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào, mặt khác, giá bất động sản tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.

Đó chính là động lực để tạo đà cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch FPTS.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch FPTS.

Năm 2021, chúng tôi vẫn nhìn thấy nhiều cơ sở hỗ trợ cho sự tăng trưởng của TTCK. Có thể kể đến là kỳ vọng vào lợi ích đến từ các hiệp định thương mại tự do mà gần đây ký kết như RCEP, EVFTA, cùng với nó là sự hồi phục của nền kinh tế (tăng trưởng GDP năm 2021 được dự báo trên 6%) và sự tăng trưởng mạnh từ đầu tư nước ngoài - cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.

Ngoài ra, những chuyển động tích cực hơn cũng đến từ sự cải thiện môi trường kinh doanh khi một loạt luật mới có hiệu lực từ 2021, đến từ quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam.

Thêm vào đó, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước nhìn thấy cơ hội và tham gia vào TTCK Việt Nam mang lại dòng vốn vô cùng dồi dào, hỗ trợ thị trường cả về thanh khoản và điểm số.

Mặc dầu vậy, sau giai đoạn mọi người hồ hởi phấn khởi cuối năm 2020, thị trường năm 2021 sẽ khó khăn hơn. Khi các chỉ số tăng mạnh do dòng tiền, khả năng duy trì độ bền có thể là một ẩn số và sẽ có những sự điều chỉnh, chưa kể đến những diễn biến khó lường tiếp theo của tình hình dịch bệnh Covid-19 và cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ đối với Việt Nam.

Có nhiều ý kiến cho rằng, so sánh trong mối tương quan với các khu vực, chứng khoán Việt Nam chưa quá đắt đỏ và trong mặt bằng lãi suất mới như hiện nay, nhìn nhận về định giá cần có sự thay đổi tương ứng, ông nghĩ sao?

Một phương pháp định giá cổ phiếu tương đối đơn giản và phổ biến là định giá theo P/E. Ở phương pháp này, chỉ số P/E luôn được các nhà đầu tư cân nhắc trong mối tương quan với mặt bằng lãi suất tiền gửi. Người ta thường chấp nhận P/E cao hơn khi mặt bằng lãi suất thấp.

Chẳng hạn, trước kia, P/E thị trường 13 là bình thường với tương quan lãi suất 8%/năm; thì nay lãi suất xuống 5%, P/E = 15 vẫn là hấp dẫn. Hai năm nay lãi suất đi xuống, hiện tại lợi tức trái phiếu chính phủ vô cùng thấp, kỳ hạn 10 năm chỉ hơn 2%, trong khi vài năm trước kia ở mức 5% ~ 6%.

Tất nhiên, chúng ta luôn phải tính đến kỳ vọng về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp hay của ngành mỗi khi xem xét vấn đề định giá.

Liệu có tái lặp tình trạng phần lớn nhà đầu tư đều thắng lợi dù mua bất cứ cổ phiếu nào?

Trong bối cảnh thị trường tăng mạnh thời gian qua, không loại trừ có những doanh nghiệp tranh thủ đánh bóng, thổi phồng thông tin, nhằm tạo sóng giá cổ phiếu trong khi nhà đầu tư có tâm lý không mua thì hết hàng.

Những trường hợp đó, nhà đầu tư vẫn đối diện với rủi ro rất lớn dù thị trường chung tăng điểm mạnh. Bởi vậy, khi mua bán cổ phiểu, nhà đầu tư cần xem xét rõ doanh nghiệp chứ đừng nên nhao vào mua bán theo phong trào, bất chấp các chỉ số rủi ro.

Tất nhiên, trên thị trường vẫn có những mã tăng trưởng, đến từ nội tại doanh nghiệp và tiềm năng trong tương lai thì việc chấp nhận mua ở một mặt bằng giá cổ phiếu mới, với mức P/E tương đối cao không phải là sự lựa chọn tồi.

Bản thân FPTS, trong những thời điểm thị trường tăng nóng, cũng phải theo dõi biến động rất sát. Chúng tôi có hệ thống để nhận biết những cổ phiếu có sự bất thường trong việc tăng giá, tăng thanh khoản… để từ đó tiến hành tìm hiểu, đánh giá, nhằm sớm có cảnh báo tới khách hàng cũng như quản lý rủi ro cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Mua cổ phiếu nào, bán khi nào luôn là câu hỏi thường trực với các nhà đầu tư. Ông có nghĩ rằng thị trường cần bổ sung thêm hàng hóa chất lượng hay không, vì nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng họ cứ phải lựa chọn quanh quẩn trong vài mã, ngay VN30 cũng có e ngại sẽ toàn cổ phiếu ngân hàng, bất động sản?

Câu chuyện về việc bổ sung hàng hóa có chất lượng thì luôn luôn là một nhiệm vụ quan trọng của ngành chứng khoán rồi.

Chính vì thế mà ngoài việc bắt buộc các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu của mình niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, thì bản thân các nhà quản lý phải làm cho thị trường hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp, làm vai trò kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp.

Gần đây, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần đã đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết hoặc UPCoM. Trong năm 2021, dường như không còn nhiều các doanh nghiệp lớn như vậy lên sàn nữa, trừ khi chính phủ đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa.

Nói đến VN30 thì cũng lưu ý rằng, trong năm 2020 vừa rồi, các quỹ ETF dựa trên bộ chỉ số này đã có một năm rất thành công khi thu hút được một lượng vốn rất lớn (đâu đó tương đương trên 500 triệu USD mà phần lớn là vốn từ nhà đầu tư nước ngoài).

Do các doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay chủ yếu là ở ngành ngân hàng và bất động sản nên gần một nửa VN30 là các doanh nghiệp ở 2 ngành này.

Có thể trong thời gian tới, các quỹ ETF mới sẽ mô phỏng bộ chỉ số khác, hoặc HOSE có thể sẽ xây dựng một số bộ chỉ số khác có nhiều đại diện ở các ngành khác.

Với các công ty chứng khoán nói chung và FPTS nói riêng, theo ông, năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi?

Thị trường quả thực đang có những biến đổi rất lớn, tất nhiên khi miếng bánh to ra các công ty chứng khoán đều được hưởng lợi. Lý thuyết là vậy nhưng để duy trì thị phần thì thực sự không đơn giản, cạnh tranh đang ngày càng mạnh và khốc liệt hơn.

Với riêng FPTS, chúng tôi vẫn tập trung vào cung cấp dịch vụ tiện ích cho nhà đầu tư. Bên cạnh chú trọng củng cố bộ máy nhân sự, đào tạo và nâng cao chất lượng tư vấn đầu tư, chúng tôi vẫn liên tục đầu tư cho công nghệ để hiện đại hóa hệ thống giao dịch, đề cao tính bảo mật, thuận tiện cho nhà đầu tư và đặc biệt là đảm bảo được tính ổn định của hệ thống ở mọi thời điểm.

Một điểm khác biệt nữa là sau nhiều năm dày công đào tạo, FPTS đã xây dựng được đội ngũ chuyên viên tư vấn đầu tư tâm huyết, yêu nghề, có kiến thức học thuật tốt, có kinh nghiệm và kỹ năng truyền đạt để nhà đầu tư hiểu và nắm bắt được thông tin, nhằm ra quyết định đầu tư một cách hiệu quả.

Ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ tư vấn đầu tư của FPTS, cùng với hiệu quả đầu tư vượt trội của khách hàng chính là nguồn động viên lớn với đội ngũ chuyên viên và thực tế đó cũng là chất keo kết dính khách hàng với FPTS.

Tin bài liên quan