Công ty chứng khoán tăng cường "tuyển mộ”… robot
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phả sức nóng vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ chứng khoán, khi nhiều CTCK không muốn mình là kẻ “uống nước đục” trong cuộc đua đầu tư cho công nghệ.
Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường tài chính quốc tế, ông Gauraw Srivastava, Trưởng Phòng Quản lý tài sản của VPBank nhìn nhận, hơn 20 năm trước, thị trường tài chính thế giới hầu như không nói về robot, nhưng nay thì ngược lại, khi đội ngũ “nhân sự” này đang tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Trong bối cảnh khách hàng muốn chủ động kiểm soát hoạt động tư vấn, thì robot đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình này.
“10 năm qua, thị trường tài chính Ấn Độ có chuyển biến lớn trong thiết kế và cấu trúc các sản phẩm. Trong đó, robot ở vai trò là nhà tư vấn tài chính, với nhiều ứng dụng đã được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng…”, ông Srivastava cho hay.
Ở trong nước, là CTCK đầu tiên áp dụng mô hình Robo Advisor - công cụ tư vấn TCWealth, CTCK Kỹ thương (TCBS) cho biết, hiện nay, công nghệ không đơn thuần là giá trị cộng thêm để doanh nghiệp tập trung bán các sản phẩm, dịch vụ tài chính, TCBS phát triển công nghệ như là một phần quan trọng mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng.
Nếu như với mô hình kiến trúc công nghệ cũ, việc nâng cấp hệ thống tốn khá nhiều thời gian, lên tới cả năm, thì với mô hình mới, công nghệ có khả năng nâng cấp liên tục theo tuần, thậm chí là hàng ngày. Bài toán đầu tư cho công nghệ luôn có được lời giải mới, theo ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT TCBS, là nhờ Công ty giữ tinh thần sáng tạo và linh hoạt của một start-up…
Một cái tên khác gần đây cũng mở rộng "hầu bao" cho công nghệ là CTCK BIDV (BSC). Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích BSC cho hay, sau sản phẩm robot tư vấn đầu tư i-Broker, trong tháng 4 vừa qua, BSC đã đưa vào vận hành sản phẩm quản lý đầu tư thông minh BSC i-Invest.
Bằng việc ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu chuyên sâu, i-Invest là sản phẩm xây dựng và quản lý các danh mục đầu tư dựa trên mục tiêu, khẩu vị rủi ro và thời gian đầu tư của nhà đầu tư.
Còn tăng sức nóng
Ghi nhận ý kiến từ thị trường cho thấy, cuộc đua công nghệ trong khối CTCK sẽ "nóng" hơn khi mô hình tổ chức Sở GDCK Việt Nam, cũng như hệ thống hạ tầng giao dịch mang tính thống nhất toàn thị trường chính thức ra đời. Tuy nhiên, đến nay, cả 2 yếu tố quan trọng này vẫn chưa hoàn tất, nên nhiều CTCK đầu tư cho công nghệ còn khá cầm chừng.
Dẫu vậy, các CTCK không bị động chờ đợi, mà đang lựa chọn đầu tư vào những mảng mang lại lợi thế cạnh tranh ngay, đồng thời ít đối mặt với rủi ro phải sửa đổi hệ thống khi hệ thống hạ tầng công nghệ giao dịch toàn thị trường được định hình trong thời gian tới.
Không chỉ các CTCK trong nước, mà cả chuyên gia nước ngoài cũng dự báo cạnh tranh đầu tư cho công nghệ trong khối CTCK sẽ tăng dần trong thời gian tới.
Từ kinh nghiệm cung cấp giải pháp công nghệ cho các CTCK ở Việt Nam, ông Uday Bhaskar Nimmakayala, Tổng giám đốc Công ty Wealth Object (Anh quốc) cho rằng, cuộc đua đầu tư vào công nghệ của các tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, nên sắp tới sẽ rất sôi động, bởi có một điều chắc chắn là để duy trì tính cạnh tranh, các công ty cần cung cấp một mô hình tư vấn tự động trực tuyến thông qua robot để cung cấp lời khuyên theo cách hiệu quả hơn về chi phí cho khách hàng.
Theo giới chuyên gia, cách đầu từ cho công nghệ của các CTCK tại Việt Nam đang đi theo hướng tiếp cận ngay các hệ thống, cũng như giải pháp công nghệ hiện đại trên thị trường tài chính quốc tế, nhưng thiết kế thêm những tính năng phù hợp với khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư Việt. Điều này vừa giúp bài toán đầu tư cho công nghệ của các CTCK được hiệu quả, vừa giúp gia tăng năng lực cạnh tranh.