Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI): Rừng cao su lớn, năng suất cao, nhưng lợi nhuận thấp

(ĐTCK) Trước thềm niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) có rừng cao su tự nhiên lớn, cho năng suất cao, nhưng giá cao su giảm và chi phí lãi vay cùng lỗ chênh lệch tỷ giá khiến lợi nhuận sau thuế ở mức thấp. 

Rừng cao su hơn 8.800 ha

Thành lập năm 2012 nhằm tiếp quản Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk từ Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco), DRI hiện là công ty con của Dakruco với tỷ lệ sở hữu chi phối 66,6%, đang quản lý diện tích vườn cây cao su trên 8.800 ha tại Lào. Sản phẩm kinh doanh chính là cao su định chuẩn kỹ thuật SVR như SVR 3L, SVR CV60, SVR 10.

Ngoài tiêu thụ trong nước, các sản phẩm cao su kỹ thuật của DRI còn được xuất khẩu với tỷ trọng 36,14% trên tổng doanh thu trong năm 2018, tăng mạnh từ mức 9,52% của năm 2017. Ngoài cao su, Công ty có doanh thu từ chuối, điều, nhưng tỷ trọng đóng góp còn nhỏ.

So với một số doanh nghiệp cao su đang niêm yết, diện tích rừng cao su của DRI hiện nay chỉ nhỏ hơn Cao su Phước Hòa (PHR, 14.734 ha), Cao su Đồng Phú (DPR, 9.340 ha) và cao hơn so với nhiều doanh nghiệp khác như Cao su Tây Ninh (TRC, 7.172 ha), Cao su Hòa Bình (HRC, 5.061 ha), Cao su Thống Nhất (TNC, 1.880 ha)…

Năng suất vườn cao su của DRI cũng cao hơn đáng kể, vì có độ tuổi khai thác trẻ, trong khi nhiều doanh nghiệp khác có cơ cấu vườn cây già. Số năm khai thác vườn cao su của DRI tính đến nay cao nhất là 9 năm, so với số năm khai thác trung bình của cây cao su từ 20 - 25 năm.

Tuy nhiên, DRI đang gặp một số bất lợi, thứ nhất là áp lực nợ vay khá lớn. Báo cáo tài chính cho biết, tại ngày 30/9/2019, Công ty có 500,5 tỷ đồng nợ vay (cuối năm 2016 là 625,5 tỷ đồng), bao gồm 316,2 tỷ đồng vay dài hạn và 184,3 tỷ đồng vay ngắn hạn; tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn ở mức 37%.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, chi phí lãi vay phải trả là 25,5 tỷ đồng, tương đương 51,5% lợi nhuận gộp.

Thứ hai, diện tích rừng cao su của DRI nằm tại Lào, các khoản vay chủ yếu bằng đồng Kíp Lào (LAK), nên Công ty có rủi ro tỷ giá. Lỗ chênh lệch tỷ giá ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2019 là 8,1 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, thời điểm 30/9/2019, giá trị các khoản nợ ngắn hạn (chủ yếu là nợ vay) của DRI là 215,4 tỷ đồng, gấp 1,63 lần tài sản ngắn hạn. Đây là vấn đề được Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam (AFC) nhấn mạnh tại báo cáo soát xét bán niên 2019.

Mặc dù Công ty mẹ có thể cung cấp các hỗ trợ tài chính cần thiết giúp DRI thanh toán các khoản nợ đến hạn và duy trì khả năng hoạt động liên tục, nhưng hệ số thanh toán ngắn hạn thấp vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi Dakruco đã được cổ phần hóa.

Trước đây, Dakruco là công ty TNHH MTV, 100% vốn nhà nước, trực thuộc tỉnh Đăk Lăk. Tháng 7/2018, Công ty chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, khối lượng 97,57 triệu đơn vị, với giá khởi điểm 12.600 đồng/cổ phần. Trong lần đấu giá này, có 69 cá nhân tham gia với tổng khối lượng đăng ký đấu giá 54.500 cổ phần (chiếm 0,06%).

Thứ ba, trong bối cảnh giá cao su tự nhiên giảm thấp, nhiều doanh nghiệp như PHR, DPR, HRC… có định hướng tận dụng quỹ đất với giá vốn rẻ để chuyển phần vườn cây già cỗi, kém hiệu quả sang làm khu công nghiệp, đón đầu nhu cầu thuê đất tăng cao theo dòng vốn FDI vào Việt Nam, thì với DRI, do diện tích rừng cây nằm ở nước ngoài nên gần như hoàn toàn đứng ngoài xu hướng này.

Ngoài ra, trong khi các doanh nghiệp có cơ cấu vườn cây già có thể thanh lý vườn cây để tái canh trong điều kiện giá mủ cao su xuống thấp, đem về nguồn thu nhập khác, thì với DRI, nguồn thu nhập này không đáng kể, bởi tuổi đời vườn cây còn trẻ.

Kế hoạch 2019 khó hoàn thành

Trong 9 tháng đầu năm 2019, DRI đạt doanh thu 357,5 tỷ đồng, giảm 3,06% so với cùng kỳ năm 2018.

Doanh thu giảm, trong khi giá vốn hàng bán tăng 6,98%, khiến lợi nhuận gộp giảm 24,2%, xuống mức 89,3 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng tăng 59,85%, dẫn đến lợi nhuận trước thuế còn 20,6 tỷ đồng, giảm 35,4% so với cùng kỳ, dù chi phí tài chính và chi phí quản lý được tiết giảm.

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI): Rừng cao su lớn, năng suất cao, nhưng lợi nhuận thấp ảnh 1

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2019, trên cơ sở giá bán thấp, DRI đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 48,89 tỷ đồng trong năm 2019, giảm 21% so với năm 2018 (tỷ lệ cổ tức dự kiến 5%). Tuy vậy, kết thúc 9 tháng, Công ty mới hoàn thành được 42,1% kế hoạch này.

Quý IV thường là mùa cao điểm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của khối doanh nghiệp cao su tự nhiên, nhưng DRI vẫn đang đứng trước nguy cơ suy giảm lợi nhuận năm thứ hai liên tiếp.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Công ty giảm 59,4% so với năm 2017 và chỉ thực hiện được 42,95% kế hoạch, do giá bán bình quân thấp hơn 6,12% so giá bán kế hoạch và thấp hơn 9,85% so với bình quân năm 2017, còn sản lượng tiêu thụ giảm 11,86%.

Lý giải nguyên nhân sản lượng năm 2018 không tăng so với năm 2017 và đặt kế hoạch sản lượng năm 2019 thấp, dù vườn cây tại Lào đang trong thời kỳ sung sức, Ban lãnh đạo DRI cho biết, mức giá thấp khiến Công ty chỉ khai thác vừa phải, đảm bảo lợi nhuận và chú trọng sức khỏe vườn cây để cho mủ lâu dài.

Lợi nhuận giảm, tất yếu các chỉ số hiệu suất sinh lợi cũng giảm: tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu và trên tổng tài sản năm 2018 chỉ đạt 5,57% và 3,32%. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ này lần lượt là 1,79% và 1,09%.

Mới đây, báo cáo của DRI cho biết, lũy kế 10 tháng đầu năm 2019, Công ty khai thác được 10.907,9 tấn mủ, hoàn thành 60,6% kế hoạch năm; sản lượng tiêu thụ mủ thành phẩm 13.709,33 tấn, doanh thu 18,1 triệu USD, hoàn thành 76% kế hoạch năm; giá bán bình quân 10 tháng là 1.321,09 USD/tấn, giảm 2,5% so với bình quân năm 2018.

Triển vọng ngành kém hấp dẫn

DRI đăng ký giao dịch trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) từ tháng 5/2017, giai đoạn giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới đạt mức cao nhất 5 năm, giúp kết quả kinh doanh của Công ty tăng cao, thị giá cổ phiếu trải qua gần 1 năm đầu tiên tích cực, tăng từ 30 - 50% so với giá chào sàn.

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI): Rừng cao su lớn, năng suất cao, nhưng lợi nhuận thấp ảnh 2

Sau đó, cùng với diễn biến lao dốc của giá cao su khiến doanh thu của DRI bị ảnh hưởng, giá cổ phiếu giảm xuống dưới mệnh giá từ đầu tháng 2/2018 và trong 1 tháng gần đây dao động trong khoảng 5.200 - 5.600 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong nhóm các doanh nghiệp cao su tự nhiên niêm yết.

Do hoạt động kinh doanh thuần túy tập trung vào lĩnh vực khai thác, chế biến và kinh doanh các sản phẩm mủ cao su, triển vọng tăng trưởng của DRI gần như phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá cao su - vốn nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp.

Với việc giá cao su duy trì ở mức thấp, khiến lợi nhuận giảm, thị giá cổ phiếu DRI sụt giảm là điều dễ hiểu.

Hiện nay, khoảng 85% nhu cầu cao su thiên nhiên đến từ ngành sản xuất lốp xe. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đến nhu sản xuất lốp xe và tác động đến nhu cầu cao su thế giới.

Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại xuống mức 2,6% trong năm 2019 và 2,7% cho năm 2020, thấp hơn mức 3% đạt được trong năm 2018.

Đáng chú ý, sự cân bằng cung - cầu cầu su thiếu bền vững. Thời gian qua, nguồn cung được cắt giảm chủ yếu đến từ các chương trình cắt giảm sản lượng, giảm tần suất khai thác, thay vì giảm diện tích cao su.

Điều này dẫn đến rủi ro là nếu giá cao su hồi phục, các quốc gia có thể nhanh chóng tăng sản lượng, tạo sức ép mất cân đối cung - cầu.

Ngoài ra, giá dầu duy trì ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến giá cao su tự nhiên, bởi khả năng thay thế giữa cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, dù khả năng thay thế còn phụ thuộc vào thị trường và các ứng dụng của cao su, chứ không chỉ chênh lệch giá.

Những yếu tố trên khiến giá cao su được nhiều tổ chức dự báo sẽ khó có cơ hội để hồi phục mạnh.

Tin bài liên quan