Công ty TNHH Phú Thọ Matsuoka ngoài mở rộng đầu tư tại Phú Thọ còn mua lại nhà máy tại Bắc Giang.

Công ty TNHH Phú Thọ Matsuoka ngoài mở rộng đầu tư tại Phú Thọ còn mua lại nhà máy tại Bắc Giang.

Vốn Nhật tỏa “chân rết” vào ngành dệt may

Cùng với việc đầu tư mở rộng nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Hà Viglacera (tỉnh Phú Thọ), Matsuoka Corporation đã kịp mua lại một nhà máy may xuất khẩu tại Bắc Giang.     

Chỉ mới đặt chân vào Việt Nam từ năm 2014, bằng quyết định “đóng đô” tại KCN Phú Hà Viglacera, Tập đoàn Matsuoka Corporation (Nhật Bản) đã rất nhanh chóng tỏa chân rết khi công bố mở rộng đầu tư nâng công suất lên gấp 6-7 lần.

Ban đầu, Công ty TNHH Phú Thọ Matsuoka thuộc Matsuoka Corporation chỉ thuê lại nhà xưởng đã có sẵn tại KCN Phú Hà Viglacera, để lắp đặt máy móc, thiết bị, đưa vào vận hành dây chuyền may xuất khẩu, với tổng mức đầu tư khoảng 5 triệu USD. Sau khi nhận giấy phép đầu tư Nhà máy may xuất khẩu vào Phú Thọ, chỉ sau một thời gian ngắn, Nhà máy đã được hoàn thiện, công suất 1 triệu sản phẩm/năm, quy mô 500 lao động. Công ty TNHH Phú Thọ Matsuoka đã công bố đầu tư mở rộng công suất nhà máy lên 7 triệu sản phẩm/năm, sử dụng khoảng 3.000 lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Văn Đông, đại diện Công ty TNHH Phú Thọ Matsuoka cho hay, công tác đầu tư nhà xưởng mở rộng tại KCN Phú Hà Viglacera đang diễn ra khẩn trương và chuẩn bị tuyển dụng thêm khoảng 2.500 lao động.

Theo kế hoạch, cuối năm 2016, Công ty phải tuyển dụng lao động cần cho giai đoạn mở rộng để tiến hành đào tạo trước, để đầu năm 2017 chính thức đưa vào vận hành, đến năm 2018 sẽ chạy hết công suất 7 triệu sản phẩm.

Ông Matsuoka Noriyuki, Chủ tịch Matsuoka Corporation cho biết, sau 1 năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty đã đi vào ổn định và phát triển, nên việc mở rộng đầu tư là cần thiết để tận dụng lao động dồi dào tại địa phương.

Nhà máy may Matsuoka Phú Thọ chủ yếu sản xuất các sản phẩm may mặc cho thương hiệu Uniqlo để xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Không dồn dập và tạo thành làn sóng đầu tư mạnh mẽ như Hàn Quốc, nhưng dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào ngành dệt may đang có dấu hiệu đi lên so với thời gian trước.

Điều này không chỉ minh chứng từ dự án của Tập đoàn Matsuoka, mà đồng hương của Matsuoka là Công ty Sakai Amiori cũng đã hoàn thành việc thuê đất, xây dựng nhà máy may tại Việt Nam.

Sakai Amiori đến từ tỉnh Fukui, là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực dệt may của Nhật Bản với quy mô khoảng 30 nhà máy. Không chỉ là đơn vị sản xuất, công ty này còn đào tạo lao động trong lĩnh vực dệt may.

Việc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam đã được Sakai Amiori tính toán rất kỹ càng, để tối ưu hóa đồng vốn đầu tư tại Việt Nam, trong đó không thể không nói đến ưu thế về nguồn nhân lực và lợi thế xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới.

Là một trong 4 thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản đạt 2,95 tỷ USD trong năm 2015 và 8 tháng của năm 2016 đạt hơn 1,88 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Với bản tính cẩn trọng, các nhà đầu tư Nhật Bản dành nhiều thời gian tìm hiểu trước khi quyết định mang vốn vào Việt Nam. Mặc dù đánh giá Việt Nam là thị trường  quan trọng ở châu Á để đầu tư về dệt may, nhưng chỉ khi các hiệp định thương mại tự do (FTA), mà điểm nhấn nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Nhật Bản cũng là một thành viên được ký kết, thì việc “xuống vốn” mới được tiến hành.

Điều này càng được khẳng định rõ hơn từ câu chuyện đầu tư của Matsuoka Corporation khi mua thêm 1 nhà máy may xuất khẩu tại Bắc Giang.

“Việc mua lại nhà máy tại Bắc Giang được tiến hành từ đầu năm, đến tháng 4/2016 đã hoạt động sản xuất bình thường. Hiện, Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 500 lao động nữa cho nhà máy này”, ông Đông cho biết thêm.

Matsuoka Corporation không phải là cái tên xa lạ trên thị trường dệt may Nhật Bản, vốn là đối tác của các thương hiệu may mặc hàng đầu như Uniqlo, Tore, Korabu… Doanh thu hàng năm của tập đoàn này lên tới 57 tỷ Yên, tương đương 530 triệu USD, đứng số 1 Nhật Bản và thứ 11 trên thế giới, sở hữu 17 nhà máy sản xuất đặt tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Banglades, Myanmar...

Với mục tiêu vươn lên tốp 10 nhà sản xuất dệt may hàng đầu thế giới, tập đoàn này đang cụ thể hóa mục tiêu thông qua các dự án đầu tư mới và mua lại nhà máy. Những động thái đầu tư vừa qua tại Việt Nam đã cho thấy rõ điều đó.

Tín hiệu đáng mừng hơn từ việc đầu tư của Matsuoka Corporation còn được đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) kỳ vọng, đó sẽ là một cú hích, kéo thêm các doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam đầu tư.

Tin bài liên quan