Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả

Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả

(ĐTCK) Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2019 với chủ đề "Kỷ niệm 25 năm thương mại và đầu tư" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) và Phòng thương mại Hoa Kỳ phối hợp tổ chức ngày 10/5.

Hội nghị đã thu hút thu hút sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có những tên tuổi lớn như Exxon Mobil, Amazon, Cocacola, Google, Facebook, Paypal, Visa… và nhiều nhà đầu tư mới.

Hội nghị đã tập trung thảo luận một số vấn đề chính như: Tăng cường nền kinh tế kỹ thuật số, giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, động lực thương mại toàn cầu và khả năng cạnh tranh... Dự kiến chương trình cũng sẽ công bố “Sách Trắng” bao gồm những đề xuất, kiến nghị hướng đến việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Đánh giá cao các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt nam, Phó Thủ tướng cho rằng, các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó góp phần nâng cao tay nghề, tăng thu nhập và mang lại thịnh vượng cho người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, tính hiệu quả trong hợp tác giữa hai nước còn thể hiện ở sự gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau trong thời gian qua.

“Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày…, thì Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến các dự án đầu tư năng lượng hay các hợp đồng mua máy bay...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng khẳng định, chính sách xuyên suốt của Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là nền tảng và động lực của quan hệ hai nước.

“Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, du lịch, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…”, Phó Thủ tướng nói.

Bà Natasha Ansell, Chủ tịch AmCham tại Hà Nội cho biết, các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm cho lao động Việt Nam và mở ra thị trường mới cho hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ.

“Các công ty Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công tiếp nối của Việt Nam và AmCham sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để phát triển khu vực tư nhân tại đây”, bà Natasha Ansell khẳng định.

Theo ông Charles Freeman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề quốc tế khu vực châu Á, thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ, các thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ rất quan tâm tới thị trường Việt nam trong những năm gần đây và lạc quan về tiềm năng hợp tác phát triển.

Đây là lý do, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra sáng kiến tăng cường thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước dựa trên Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) hiện nay nhưng tập trung nâng cấp và chuyên sâu hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế số, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, cơ sở hạ tầng năng lượng và nhiều lĩnh vực khác nhằm đi đến thỏa thuận cụ thể.

“Chúng tôi tin rằng mục tiêu tiêu dài hạn của hai nước là có một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên, do đó chúng tôi phác thảo một loạt các bước đi thiết thực có thể đạt được trong thực tế nhằm tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư, đồng thời tạo nền tảng cho việc xây dựng một Hiệp định thương mại tự do cuối cùng trong dài hạn hơn”, ông Charles Freeman nhấn mạnh.

Đánh giá cao sự tăng trưởng mạnh mẽ liên tục của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là sự tăng trưởng ấn tượng của hoạt động thu hút FDI trong ba lĩnh vực: sản xuất, bất động sản và thương mại bán lẻ, song Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho rằng, Việt Nam nên tăng cường thu hút FDI hơn nữa vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, để giúp đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

Dẫn dự báo từ nghiên cứu từ cơ sở hạ tầng toàn cầu, Đại sứ Kritenbrink cho biết, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu cơ sở hạ tầng cho năm 2040.

“Không có chính phủ nào có số tiền này. Chỉ khi các quốc gia hoan nghênh đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, thì cơ hội tiếp cận sẽ mở ra và hàng nghìn tỷ USD mới được đưa vào nền kinh tế. Để giải quyết khoảng trống đó, Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump nhằm mục đích giải phóng sức mạnh của khu vực tư nhân có thể tiếp cận 70.000 tỷ USD vốn tư nhân nằm trong các trung tâm tài chính thế giới. Để hỗ trợ Việt Nam có điều kiện và cơ hội tiếp cận dòng tài chính này cho phát triển, tất cả chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam để hoàn thành một khung pháp lý để thu hút đầu tư tư nhân, hy vọng vào năm 2020”, Đại sứ nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đang bắt tay nhau triển khai nhiều dự án tiềm năng trên các lĩnh vực chế tạo, chế biến, năng lượng sạch, hàng không, công nghệ số, y tế, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác.

Trong hợp tác giữa hai nước có vai trò dẫn dắt của các tập đoàn lớn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng cũng không thể thiếu vai trò quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa.

“Hy vọng với sự tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Việt Nam không chỉ có các công xưởng mà sẽ có cả những “Thung lũng Silicon châu Á” để góp phần định hình tương lai kinh tế Việt Nam”, ông Lộc đề xuất.

Tin bài liên quan