Theo kế hoạch, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tiếp nhận 1 tỷ m3 khí /năm từ mỏ Cá Voi Xanh để chế biến sâu. Ảnh: Đ.T

Theo kế hoạch, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tiếp nhận 1 tỷ m3 khí /năm từ mỏ Cá Voi Xanh để chế biến sâu. Ảnh: Đ.T

Trông chờ gì ở đại dự án Exxon Mobil?

Dự án Khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh tiếp tục được đại gia Exxon Mobil (Mỹ) thúc đẩy. Việt Nam có thể trông chờ gì ở dự án này?

Động thái mới

Cuối tuần qua, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đã có cuộc gặp gỡ với đại diện Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) để bàn việc triển khai Dự án Khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh.

Theo thông tin được phía Quảng Ngãi chia sẻ, đại diện Exxon Mobil đã khẳng định, Tập đoàn đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể triển khai Dự án. Hiện tại, dựa trên Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh được Tập đoàn ký với Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thì Exxon Mobil đã triển khai thiết kế sơ bộ và thiết kế tổng thể dự án, nhằm triển khai dự án với mục tiêu có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã tiến hành khảo sát vị trí, lấy mẫu đất nền mùa khô để lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Nếu mọi việc suôn sẻ, Exxon Mobil sẽ sớm hoàn thành việc khảo sát địa chất, lập thiết kế lắp đặt đường ống và dự kiến trong tháng 10/2017, sẽ tiến hành xây dựng các cơ sở trên bờ.

Exxon Mobil sẽ sớm hoàn thành việc khảo sát địa chất, lập thiết kế lắp đặt đường ống và dự kiến tháng 10/2017, sẽ tiến hành xây dựng các cơ sở trên bờ.   

Exxon Mobil trên thực tế đã nhắm tới việc khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh từ lâu. Chính tập đoàn này đã thăm dò và phát hiện, trữ lượng khí thu hồi tại chỗ ở mỏ này có thể lên tới 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc Dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Chưa rõ Exxon Mobile sẽ dốc bao nhiên tiền vào dự án này, ban đầu con số được nhắc đến là 20 tỷ USD, sau đó là 10 tỷ USD, nhưng dù là quy mô bao nhiêu thì đây vẫn là một đại dự án.

Các thỏa thuận hợp tác đã được ký giữa các bên, bao gồm cả các địa phương là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư một giàn dầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi, hai cụm khai thác ngầm mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88 km nối vào bờ biển Chu Lai.

Như vậy, sau khá nhiều thời gian đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác, Dự án Khai thác khí mỏ Cá Voi Xanh đang vào giai đoạn gấp rút. Nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, khoảng 6 năm nữa, Việt Nam sẽ đón dòng khí đầu tiên từ mỏ khí ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Trông chờ gì ở đại dự án Exxon Mobil?

Không chỉ là việc khai thác khí ở mỏ Cá Voi Xanh, mà khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ mở ra hàng loạt cơ hội mới cho kinh tế - xã hội địa phương và Việt Nam. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà cả Quảng Ngãi và Quảng Nam đều không hề giấu giếm tham vọng kéo dự án này về địa phương mình. Nhưng có lẽ, hiện tại, cơ hội và lợi ích đang được chia đều cho cả hai.

Lý do là, theo kế hoạch, trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí ở khu vực Chu Lai (Quảng Nam). Đồng thời, trong tổng sản lượng khai thác khí hàng năm khoảng 9 - 10 tỷ m3, sẽ có 1 tỷ m3 được chuyển về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) phục vụ chế biến sâu.

Thêm nữa, theo Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Khí điện miền Trung, ngoài nhà máy xử lý khí, sẽ còn có các dự án điện khí được xây dựng ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nhà máy Điện khí Chu Lai dự kiến được xây dựng ở khu vực phía Đông Nam Khu kinh tế mở Chu Lai, còn Nhà máy Điện khí Dung Quất dự kiến được phát triển ở khu vực Tây Bắc của Khu kinh tế Dung Quất.

Chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch đầu tư các dự án trên, nhưng một điều chắc chắn, chỉ khi Dự án Khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh hoàn thành, thì các dự án “ăn theo” mới có thể được triển khai.

Một trong những sự “lệ thuộc” dễ thấy nhất là dự án điện của Tập đoàn Sembcorp ở Quảng Ngãi. Ban đầu, tập đoàn đầu tư đến từ Singapore này dự kiến xây dựng dự án điện than ở đây, song cuối cùng đã bất ngờ chuyển hướng sang đầu tư điện khí, ngay sau khi nghe thông tin về việc khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh.

Đáng lẽ, dự án dự kiến có quy mô 2,5 tỷ USD này sẽ khởi công xây dựng vào năm 2017, để vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 9/2020 và vận hành toàn bộ vào tháng 3/2021, nhưng do phải đợi khí từ mỏ Cá Voi Xanh, nên phải ít nhất sau năm 2023, dự án này mới có thể triển khai.

Thông tin mới nhất, cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo của Sembcorp đã tới Quảng Ngãi để chính thức báo cáo với các lãnh đạo của tỉnh này rằng, cuối năm nay, Sembcorp sẽ có báo cáo nghiên cứu khả thi về Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tại Khu kinh tế Dung Quất.

Những động thái trên dù được cho là tích cực, song thực tế đến đâu thì vẫn còn phải tiếp tục chờ đợi. Khi hàng loạt dự án quy mô lớn khác trông chờ vào đại dự án Exxon Mobil, thì có lẽ, điều quan trọng nhất là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc triển khai Dự án Khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh.

Tin bài liên quan