TP.HCM thu hút gần 1.000 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án trọng điểm

TP.HCM thu hút gần 1.000 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án trọng điểm

(ĐTCK) HFIC vừa ký kết Biên bản ghi nhớ cho vay vốn và Biên bản ghi nhớ nhận tài trợ vốn đối với 2 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng.

Ngày 24/8, tại TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) tổ chức “Hội nghị Kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia thực hiện các dự án thuộc 07 chương trình đột phá của Thành phố”.

Với mục tiêu kêu gọi các tổ chức tín dụng, ngân hàng cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng hành trong các hoạt động tài trợ, cho vay vốn, đảm bảo sự thành công của các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và kêu gọi xã hội hóa đầu tư tham gia 7 chương trình đột phá của TP.HCM

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận cho vay vốn của 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) giữa các nhà đầu tư và các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. 

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư, HFIC, Vietcombank, Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận (IPC), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng An Gia Hưng, Công ty Đường Khánh Hội, Vietinbank, Agribank, SCB, Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc, Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước, Công ty cổ phần Y tế Việt Anh, OCB, Công ty cổ phần đầu tư Thủ Thiêm, Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng An Điền, Vietcombank, Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty cổ phần An Phú, Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông, TPBank, BIDV, Công ty cổ phần Thế giới kỹ thuật đầu tư.

HFIC tiếp tục phát huy vai trò nhà đầu tư chiến lược, tiên phong, mở đường, kêu gọi các thành phần kinh tế và huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm, thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ cho vay vốn và Biên bản ghi nhớ nhận tài trợ vốn đối với 2 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế Quận 7, quy mô vốn đầu tư 99 tỷ đồng, ký kết với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng An Gia Hưng; Dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ số 1 -Bệnh viện Nhi Đồng 1, quy mô vốn đầu tư 800 tỷ đồng, được ký kết với Ngân hàng Vietcombank.

Trước đó, vào ngày 09/08/2017, HFIC cùng Vietcombank và Sawaco đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình phát triển hệ thống cấp nước nhằm bảo đảm cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn TP.HCM.

Theo thỏa thuận được ký kết và với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ nguồn lực tài chính để Sawaco triển khai hiệu quả dự án cấp nước sạch cho người dân TP.HCM, Vietcombank cùng HFIC sẽ cung cấp gói tín dụng trị giá 3.650 tỷ đồng để triển khai 11 dự án cấp 1 do Sawaco làm chủ đầu tư. 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 ước cần khoảng 1.829.385 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư nêu trên.

Trong điều kiện nguồn vốn của Nhà nước hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư xã hội hóa, tận dụng nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân được xem là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những thách thức, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Lãnh đạo TPHCM cho rằng, TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Thành phố không chỉ phục vụ cho nhân dân Thành phố mà còn đảm nhiệm vai trò phục vụ cho một bộ phận nhân dân các tỉnh thành lân cận.

Tuy nhiên, hiện nay tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng của TP.HCM chưa bắt kịp với tốc độ phát triển dân số đã làm ảnh hưởng phần nào đến sự tăng trưởng và chất lượng sống của người dân trong thời gian qua. Trong khi, nguồn vốn ngân sách dành cho việc phát triển còn hạn chế, việc liên kết nguồn lực tài chính của HFIC, các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư khác sẽ là một giải pháp quan trọng để đẩy nhanh phát triển.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, TP.HCM đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng bên cạnh đó là không ít thách thức. Trong đó, việc huy động các nguồn lực và đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, thuộc 7 chương trình trọng điểm mà thành phố đã đề ra là một nhiệm vụ và cũng là một thách thức lớn cho Thành phố.

Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC cho biết, với vai trò là một định chế tài chính nhà nước đặc thù của Thành phố, HFIC là đơn vị tiên phong trong huy động các nguồn lực đề đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô thị, phục vụ dân sinh.

Chỉ riêng từ năm 2010 đến nay, HFIC đã tài trợ vốn cho 160 dự án hạ tầng trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư là trên 25.800 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực then chốt: cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, cấp nước…

Một số dự án tiêu biểu như Trung tâm Tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chương trình hỗ trợ 12.500 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, Xa lộ Hà Nội mở rộng, Đại học Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viên Nhi đồng 1, Nhà máy nước Kênh Đông…

Tin bài liên quan