Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Đ.T

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Đ.T

Tiến độ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Sức ép thời gian và lựa chọn nhà thầu

Mục tiêu hoàn thành Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông vào cuối năm 2021 đang phụ thuộc khá nhiều vào những ẩn số khó lường.

Vừa chạy vừa xếp hàng 

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua nội dung báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 như đề nghị của đơn vị chuẩn bị đầu tư công trình là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tại Công văn số 11199/BGTVT-ĐTCT.

Theo Bộ GTVT, tính đến đầu tháng 10/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn. Đối với dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công còn là Dự án Xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu, Bộ GTVT sẽ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong ít ngày tới, sau khi hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt Báo cáo tác động môi trường.

Đối với 8 dự án thành phần dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang chỉ đạo cập nhật, hoàn chỉnh số liệu, xác định mức vốn tham gia của Nhà nước sau khi nhận được ý kiến góp ý của các bộ, ngành cho 3 dự án là Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Dầu Giây - Phan Thiết. Các dự án thành phần còn lại là Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bộ GTVT đã hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định mức vốn Nhà nước tham gia. 

Được biết, ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi 8 dự án PPP được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, cùng lúc với việc tổ chức sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Để đảm bảo có đủ mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai ngay khi được lựa chọn, Bộ GTVT sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương vào đầu năm 2019. Mục tiêu được Bộ GTVT đề ra là đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% khối lượng và hoàn thiện toàn bộ vào khoảng quý I/2020.

“Thời gian thực hiện theo quy định đối với các thủ tục nói trên cần tối thiểu khoảng 15 tháng, do vậy, các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ bắt đầu thi công vào khoảng đầu năm 2020 và cơ bản hoàn thành trong năm 2021”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Đối với 3 dự án đầu tư công, thời gian tối thiểu để hoàn thành thiết kế kỹ thuật sẽ khoảng 6 - 7 tháng, riêng Dự án Xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 cần khoảng 10 tháng, nên việc lựa chọn nhà thầu xây lắp sẽ tiến hành khoảng từ quý I/2019 đến quý III/2019. Nếu suôn sẻ, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn sẽ khởi công từ tháng 4/2019, hoàn thành sau khoảng 2 năm. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công gói thầu cầu chính vào quý I/2020 và thi công trong 3,5 năm (hoàn thành năm 2023).

Ẩn số khó lường

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, mốc tiến độ thi công 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông vào cuối năm 2021 mà Bộ GTVT đề ra là rất căng thẳng, gần như không có thời gian dự trữ.

Đến thời điểm này, ngoài rủi ro liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, việc lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần PPP là một trong những ẩn số khó lường nhất.

“Để triển khai thành công các dự án PPP có quy mô lớn như tuyến cao tốc Bắc - Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách quốc gia, sự đồng thuận của người dân”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đang trông chờ vào việc Chính phủ thông qua chủ trương xây dựng cơ chế bảo lãnh Chính phủ để áp dụng thí điểm đối với các dự án PPP. 

“Nếu không có cơ chế bảo lãnh, các rủi ro liên quan đến lưu lượng tăng trưởng phương tiện không như dự báo, thay đổi tỷ giá, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng… sẽ khiến các nhà đầu tư phải đắn đo rất nhiều trước khi xuống tiền đầu tư dự án PPP”, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Phương Thành cho biết.

Liên quan đến lãi suất vốn vay cho tại 8 dự án PPP - một trong những vướng mắc khiến một loạt dự án PPP cao tốc đang được triển khai như Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận rơi vào thế bế tắc, Bộ GTVT cho biết, vẫn đang phải chờ tháo gỡ từ phía Bộ Tài chính.

Cụ thể, theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 75/2017/TT-BTC ngày 21/7/2017, mức lãi suất vốn vay không được vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ có kỳ hạn tương ứng trong thời gian thực hiện của hợp đồng PPP trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công.

Theo quy định này, Bộ GTVT đang tính toán mức lãi suất vốn vay khoảng 7,72%/năm làm cơ sở phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và xây dựng hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, mức lãi suất vốn vay thực tế của thị trường tín dụng hiện là 10,5% - 11%. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, trần lãi suất cho phần vốn vay cứng nhắc nói trên, nguy cơ các dự án PPP không tìm được nhà đầu tư là hoàn toàn có thể xảy ra, ngay cả khi được các tổ chức tín dụng sẵn sàng bơm vốn.

Tin bài liên quan