Thủy điện Lai Châu chính thức vận hành, sớm 1 năm so với kế hoạch

Thủy điện Lai Châu chính thức vận hành, sớm 1 năm so với kế hoạch

(ĐTCK) Ngày 20/12, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức lễ Khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu, vượt tiến độ hoàn thành sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Dự án Thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng, là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ 3 được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình.

Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Đập bê tông đầm lăn thủy điện Lai Châu có khối lượng 1.886.000 m3; chiều cao đập lớn nhất 137 m, tốc độ thi công nâng đập theo chiều cao trung bình trên 20 m/tháng, lớn nhất 27,9 m/tháng. Đây là một trong những đập có tốc độ nâng đập lớn nhất thế giới.

Việc thi công bê tông đầm lăn vượt tiến độ đã tạo điều kiện thi công sớm các hạng mục khác, nhờ đó đã sớm tích nước hồ chứa, đem lại hiệu ích phát điện cho Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.

Thi công dự án thành phần xây dựng công trình thủy điện Lai Châu là Tổ hợp nhà thầu do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu gồm các nhà thầu thành viên: Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.

Đơn vị tư vấn giám sát phần xây dựng do Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La tự thực hiện có sự hỗ trợ của hãng Fichtner (Đức); đơn vị giám sát lắp đặt thiết bị là Công ty Thủy điện Sơn La.

Thủy điện Lai Châu chính thức vận hành, sớm 1 năm so với kế hoạch ảnh 1

Cung cấp thiết bị chính cho nhà máy gồm: Thiết bị cơ điện do Liên danh HZN/ALSTOM cung cấp; Máy biến áp 500kV do Hãng TBEA cung cấp; Trạm GIS 500 kV do hãng NHVS cung cấp; Các thiết bị cơ khí thủy công phần lớn do các nhà thầu trong nước gia công, chế tạo (thiết bị cửa nhận nước do Liên danh nhà thầu MIE, AGRIMECO, NARIME thực hiện; đường ống áp lực do Liên danh CTCP Cơ điện miền Trung (CEMC) và CTCP Cơ khí Điện lực (PEC) chế tạo, cầu trục các loại do Liên danh CTCP Cơ khí Hồng Nam và Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo và cung cấp).

Đại diện EVN cho biết, để đạt được kết quả hoàn thành công trình sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội là có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Nhà nước, sự phối hợp tổ chức đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương, giải quyết vốn trong thời gian đầu và giải phóng mặt bằng để thi công công trình.

Với việc đẩy nhanh thời gian hoàn thành công trình sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đã giúp cung cấp sớm hơn cho hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh điện năng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung.

Ngoài lợi ích tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Lai Châu, việc xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu còn có ý nghĩa đã kết hợp sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông đóng vai trò quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu và vùng Tây Bắc.

Các mốc chính của Dự án đã đạt được:

- Khởi công:                   Ngày 05/11/2011;

- Ngăn sông đợt 1:          Ngày 24/4/2012;

- Ngăn sông đợt 2:          Ngày 15/10/2014;

- Đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa: Ngày 20/6/2015;

- Phát điện TM1:            Ngày 14/12/2015;

- Phát điện TM2:            Ngày 20/6/2016;

- Phát điện TM3:           Ngày 09/11/2016.

Công trình Thủy điện Lai Châu được khánh thành cũng là thành tích chào mừng kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2016).

Tin bài liên quan