Tham vấn rộng rãi chủ trương đầu tư Dự án BOT kênh Chợ Gạo trị giá 1.400 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành tham vấn ý kiến của Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn đại biểu quốc hội hai tỉnh: Long An, Tiền Giang, Hiệp hội Vận tải thủy Việt Nam về chủ trương thực hiện đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo.     

Theo đó, ngoài quy mô xây dựng, giải pháp thiết kế, Bộ Giao thông vận tải muốn hai địa phương cho ý kiến về 3 nội dung quan trọng liên quan đến phương án tài chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, Dự án sẽ khả thi về mặt tài chính nếu nhà đầu tư được thu phí sử dụng đường thủy nội địa trên toàn bộ tuyến kênh với chiều dài 28,6 km để hoàn vốn đầu tư giai đoạn 2. Đối tượng thu phí là các tàu vận tải hàng hóa, hành khách du lịch có trọng tải toàn phần lớn hơn 300 tấn. Mức thu phí dự kiến khoảng 50 đồng/tấn.km (tính trên chiều dài kênh là 28,6 km), tương đương 1.430 đồng/tấn/lượt; dự kiến 3 năm điều chỉnh tăng phí một lần, mỗi lần tăng 7,5%.

Tham vấn rộng rãi chủ trương đầu tư Dự án BOT kênh Chợ Gạo trị giá 1.400 tỷ đồng  ảnh 1

Thi công nâng cấp kênh Chợ Gạo, giai đoạn I 

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được xây dựng mới trạm thu phí gồm: Trạm điều hành trung tâm tại Km21+500, phía bờ Nam (gần cầu Chợ Gạo cũ); 2 trạm hướng dẫn và điều tiết công tác thu phí tại Km1+000 phía bờ Nam và tại Km28+350 phía bờ Bắc. Tại các trạm thu phí bố trí các nhà điều hành, làm việc và nhà ở cho cán bộ công nhân viên.

Với quy mô tổng mức đầu tư  (đã bao gồm lãi vay) vào  khoảng 1.388 tỷ đồng nên thời gian hoàn vốn dự kiến là 18 năm 2 tháng.

Được biết, giai đoạn I, Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo có các hạng mục đầu tư chính là nạo vét 17km luồng đoạn Rạch Lá và Kỳ Hôn đảm bảo đạt tiêu chuẩn Cấp II-ĐTNĐ;  nạo vét mở rộng ½ luồng về phía bờ Bắc kênh Chợ Gạo (chiều dài 11,6km);  Xây dựng 6,25km kè thảm đá bờ Bắc kênh Chợ Gạo và 5,9km kè trồng cây tại Rạch Kỳ Hôn và Rạch Lá; xây dựng 6,2km đường nông thôn loại B tại bờ Bắc kênh Chợ Gạo; 0,35km tại Rạch Kỳ Hôn.

Đến nay, giai đoạn 1 của Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy tốt hiệu quả dự án như: giảm tình trạng ùn tắc trên tuyến, nâng cao năng lực vận tải và tăng cường an toàn giao thông thủy; đồng thời, ngăn ngừa hiện tượng xói lở bờ, góp phần cải tạo bộ mặt đô thị, nông thôn và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân cư sống dọc theo bờ Bắc tuyến kênh.

Giai đoạn 2 Dự án gồm các hạng mục đầu tư chính phía bờ Nam đoạn Chợ Gạo còn lại, cụ thể như sau: nạo vét 11,6km mở rộng ½ luồng đảm bảo đạt chiều rộng Bct = 55m, độ sâu chạy tàu Hct = 3,1m; xây dựng 8 bãi đổ đất nạo vét; xây dựng kè thảm đá phía bờ Nam; xây dựng 14 cống và 11,2km đường nông thôn loại B; xây dựng 4 cầu BTCT; lắp đặt toàn bộ hệ thống báo hiệu vĩnh cửu bằng kết cấu thép.

Tuy nhiên, giai đoạn 2 xây dựng phía bờ Nam kênh Chợ Gạo, đến nay chưa thể triển khai được do rất khó khăn về bố trí vốn nhà nước.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính), Bộ Kế hoạch và Đầu tư  ngày 21/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức Hợp đồng BOT.

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tại Quyết định số 3143/QĐ-BGTVT ngày 07/10/2016, đang triển khai công việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Do tuyến kênh Chợ Gạo là tuyến quốc gia hiện hữu đang vận hành khai thác, có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh đồng bằng Nam Bộ nói chung và 2 tỉnh Tiền Giang, Long An nói riêng.

Vào đầu tháng 1/2017, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đã thực hiện tham vấn các doanh nghiệp liên quan. Kết quả tham vấn còn có nhiều ý kiến khác nhau về phương án thu phí; tuy nhiên, các kiến nghị này nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính dự án, không đảm bảo hiệu quả dự án.

“Để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, người sử dụng và nhà nước khi triển khai Dự án, Bộ Giao thông vận tải muốn Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang có ý kiến về chủ trương thực hiện đầu tư trước khi triển khai các bước tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết.

Tin bài liên quan