Lãi suất các khoản vay thương mại trung và dài hạn là rào cản khó vượt khi doanh nghiệp nội muốn đầu tư cao tốc.

Lãi suất các khoản vay thương mại trung và dài hạn là rào cản khó vượt khi doanh nghiệp nội muốn đầu tư cao tốc.

Tham gia Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam: Ngoài tầm với của nhà đầu tư nội?

Các nhà đầu tư nội với nhiều hạn chế về năng lực tài chính, tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn sẽ phải tham gia đấu thầu bình đẳng, sòng phẳng với các “ông lớn” tài chính, xây dựng nước ngoài để giành 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.

Mua hồ sơ mời sơ tuyển… để ngắm?

Tới thời điểm này, sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với 8 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức PPP thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là khá lệch nhau.

Cuối tuần trước, trong trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (PMU 85) cho biết, sau 2 ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho Dự án PPP cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, mới chỉ có 1 nhà đầu tư trong nước đến mua.

“Có thể hồ sơ mời sơ tuyển mới được phát hành ít hôm, PMU85 lại xa Hà Nội, TP.HCM nên các nhà đầu tư cũng cần có thời gian để tiếp cận. Bên cạnh đó, thời gian vẫn còn khá dài khi hồ sơ sẽ được phát hành tới tận tháng 7/2019. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt vào cuối tháng 10/2018 đến nay cũng không có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu”, ông Vân nói.

Trong khi đó, tại Hà Nội, chỉ sau 2 ngày phát hành, PMU 2 đã bán được 8 bộ hồ sơ mời sơ tuyển cho 8 nhà đầu tư quan tâm đến Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc PMU2, trong 8 nhà đầu tư, thì có 1 nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc) mua hồ sơ sơ tuyển dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.

“Công tác bán hồ sơ mời sơ tuyển dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đang rất khả quan khi có nhiều nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Pháp, Hàn Quốc trước đây bày tỏ quan tâm đến Dự án sẽ đến mua hồ sơ dự tuyển trong những ngày tới”, ông Sơn nói.

Là nhà đầu tư “có số má” trong lĩnh vực đầu tư BOT giao thông, (từng tham gia trước đây như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hạ Long - Vân Đồn), nhưng lãnh đạo Công ty CP Phương Thành cho biết là vẫn chưa quyết định tham gia đầu tư vào dự án cụ thể nào, dù sẽ xuất tiền mua hồ sơ mời sơ tuyển cả 8 dự án PPP.

Trước đó, đầu tháng 5/2019, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các ban quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Hồ Chí Minh - các đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển và các tài liệu liên quan; chịu trách nhiệm về tính chính xác, thống nhất nội dung giữa hồ sơ bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

“Các đơn vị này phải đăng tải thông báo mời sơ tuyển tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần trước ngày 10/5/2019 để bảo đảm tiến độ tổng thể của Dự án”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Cao nên khó với

Cho đến thời điểm này, khả năng đấu thầu thành công 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP vẫn đang là ẩn số đối với chính Bộ GTVT - trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, ngay trong bước nghiên cứu tiền khả thi, Chính phủ đã có Tờ trình số 487/TTr - CP ngày 21/10/2017 báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ việc lựa chọn nhà đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu. Đồng thời, Chính phủ cũng đánh giá trong điều kiện chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, hành lang pháp lý và điều kiện hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu của nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài (bảo lãnh doanh thu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ 3...), chưa thể khẳng định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài sẽ thành công.

Trong khi đó, với bối cảnh nước ta là thành viên của các tổ chức như WTO và tham gia Hiệp định CPTTP, việc đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án phải tuân thủ pháp luật về đấu thầu cũng như các hiệp ước quốc tế; không ban hành các tiêu chí để hạn chế hay ưu tiên nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.

Như vậy, các nhà đầu tư trong nước chỉ có thể được chọn nếu thỏa mãn các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ - CP của Chính phủ về triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đó là, vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét... Với quy mô các dự án cao tốc PPP đều vượt quá 10.000 tỷ đồng, nên sẽ rất ít nhà đầu tư nội có đủ năng lực tham gia với tư cách nhà đầu tư độc lập nên sẽ phải liên danh với các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu.

“Ngoài ra, trong điều kiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Nhật thừa nhận.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, để tham gia đấu thầu sòng phẳng, thì lãi suất các khoản vay thương mại trung và dài hạn là rào cản khó vượt đối với các nhà đầu tư nội trong cuộc cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong khi doanh nghiệp trong nước đang phải vay lãi suất hơn 10%/năm, thì các nhà đầu tư nước ngoài chỉ phải vay từ 1-3%, cá biệt có quốc gia còn hỗ trợ rất lớn để các doanh nghiệp nước mình vươn ra bên ngoài”, ông Hoàng cho biết.

Bộ GTVT thừa nhận, để triển khai thành công các dự án PPP phụ thuộc nhiều vào thị trường (tính hấp dẫn của dự án, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách...).

“Để đánh giá chính xác khả năng tham gia của nhà đầu tư trong nước hay quốc tế phải qua bước sơ tuyển mới đủ cơ sở để đánh giá. Do đó ẩn số sẽ chỉ lộ diện sau khoảng 60 ngày nữa”, lãnh đạo Vụ PPP, Bộ GTVT nhìn nhận.

Các mốc tiến độ công tác lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc – Nam:

1. Công tác sơ tuyển nhà đầu tư
- Bộ GTVT đã hoàn thiện Hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư và phát hành HSMST trong tháng 5/2019. Nhà đầu tư có thời gian 60 ngày để chuẩn bị HSDST.
- Dự kiến thời gian lấy ý kiến các cơ quan, thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển trong tháng 8/2019.

2. Công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
- Hồ sơ mời thầu (HSMT), dự thảo hợp đồng (tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và Ban QLDA thực hiện): Dự kiến phê duyệt và phát hành HSMT trong tháng 10/2019.
- Công tác tổ chức đấu thầu (dự kiến 5 tháng): Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu; thời gian đánh giá, thẩm định hồ sơ dự thầu là 60 ngày; dự kiến phê duyệt và công bố kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 3/2020.

3. Đàm phán, ký kết hợp đồng dự án:
- Dự kiến thời gian hoàn thành đàm phán, ký hợp đồng với Nhà đầu tư trong tháng 4/2020.

Tin bài liên quan