Singapore vẫn là “vùng đất hứa” của các doanh nghiệp Việt Nam

Singapore vẫn là “vùng đất hứa” của các doanh nghiệp Việt Nam

(ĐTCK) Singapore, luôn trong nhóm đầu về đầu tư trực tiếp - FDI vào Việt Nam, nhưng không chỉ như vậy, quốc đảo sư tử còn được kỳ vọng là bệ phóng cho doanh nghiệp Việt Nam khi có nhiều cơ hội làm ăn đang được mở ra, cả ở việc đầu tư sang đảo quốc sư tử.

Cái “rốn” của thông tin

Theo các chuyên gia, thời gian qua, có không ít doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra các nước trong khu vực, trong đó có Singapore.

Một trong các lý do dẫn đến số lượng doanh nghiệp lựa chọn Singapore ngày càng nhiều được các chuyên gia lý giải là do hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa nên có những thuận lợi nhất định. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt đang coi nước này là là cầu nối để kết nối châu Á với các châu lục khác.

Ông David Nguyễn Vũ, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore lý giải: “Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam sang Singapore đầu tư ngày càng tăng cao. Trong đó, chúng ta mới chỉ đề cập nhiều đến việc nước này là trung tâm cảng biển; trung tâm tài chính; trung tâm con người với nguồn nhân lực trình độ cao. Nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của một Singapore là trung tâm thông tin.

Thực tế, cho thấy hầu hết những thông tin mật về thương mại bị rò rỉ sớm nhất ở Singapore. Mà có thông tin là có lợi nhuận. Tôi nói đơn cử, thông tin thiếu gạo ở một quốc gia được phát ra từ Singapore và nếu có doanh nghiệp Việt Nam nhạy bén thì hoàn toàn có thể ký được những đơn hàng hàng triệu tấn gạo xuất khẩu…”.

Vùng đất hứa để huy động vốn

Hiện, việc đầu tư sang Singapore cũng có nhiều điều kiện thuận lợi và các doanh nghiệp có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ.

Một chuyên gia ngân hàng của Singapore cho biết: “Khi các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh tại Singapore, hệ thống ngân hàng có thể cung cấp tất cả các dịch vụ liên quan đến ngân hàng một cách dễ dàng. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ về công nghệ, quản trị nhân lực, kế toán tài chính thì phía ngân hàng cũng có thể hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp”.

Singapore vẫn là “vùng đất hứa” của các doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1

 Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo về cơ hội đầu tư vào Singapore.

“Chúng tôi từng có kinh nghiệm sử dụng dịch vụ của các ngân hàng và nhận thấy sự hỗ trợ của họ cho các doanh nghiệp là rất tốt. Với các doanh nghiệp mới, Phòng Thương mại Việt Nam có thể hỗ trợ, tư vấn để có thể sử dụng các dịch vụ tài chính tại đảo quốc sư tử”, ông David Nguyễn Vũ cho biết thêm.

Không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, Singapore còn là vùng đất hứa để các doanh nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư. Theo các chuyên gia đến từ Singapore, nhiều doanh nghiệp của nước này đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư, góp vốn hoặc M&A tại Việt Nam.

Ông Gilest. Cooper, Giám đốc Công ty Luật Morris nhận định: “Singapore không chỉ là điểm đến để đầu tư mà còn có thể là nơi để các doanh nghiệp Việt Nam kêu gọi, huy động vốn. Luật đầu tư và luật doanh nghiệp của các bạn mới đây đã mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả các nhà đầu tư Singapore”.

Quản trị doanh nghiệp và pháp lý là điểm yếu của doanh nghiệp Việt

Hiện nay, khi đầu tư vào Việt Nam, các quỹ đầu tư Singapore quan tâm nhiều đến vấn đề pháp lý của các doanh nghiệp Việt Nam, như tính minh bạch của các hợp đồng hợp tác, các loại giấy chứng nhận, giấy phép của doanh nghiệp... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại có nhiều hạn chế ở lĩnh vực này.

Theo nhận định của ông Trịnh Minh Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Quản lý Liên doanh, hệ thống quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuyên nghiệp, nhiều nhà đầu tư khi tiếp xúc, tìm hiểu và thấy chưa minh bạch nên rất e dè trong việc rót vốn.

Thậm chí, bản thân nhà quản trị của công ty còn chưa nhìn ra hết các vấn đề của doanh nghiệp mình. Đây chính là rào cản dẫn đến việc huy động vốn đầu tư từ Singapore còn chưa như kỳ vọng.

Ông Phạm Bạch Dương, chuyên gia tư vấn đầu tư cho biết, văn hóa kinh doanh cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa, trong đó có việc hiểu và tuân thủ pháp luật. Singapore là nước có mức độ tuân thủ rất cao nên yêu cầu của họ về sự chuyên nghiệp cũng lớn.

Đơn cử như việc nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam thường xuyên ca thán về việc các doanh nghiệp thường có từ 2 - 3 cuốn sổ kế toán. Do đó, để có thể cải thiện tình hình thu hút đầu tư thì các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi những điều này.

Tin bài liên quan