Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

PPP vẫn là giải pháp hàng đầu để thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng tại Việt Nam

Với nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng trung bình 24 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016-2020, hầu hết các chuyên gia vẫn cho rằng cơ chế Hợp tác công - tư (PPP) vẫn là giải pháp toàn diện thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng.

Kết cấu hạ tầng được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam. Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng của Việt Nam đă được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ hiện đại và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Một số công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước như việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 746 km đường cao tốc; các công trình cảng hàng không quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải… Bên cạnh đó là các công trình hạ tầng năng lượng, hạ tầng đô thị như các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các công trình cấp nước, thoát nước…

Để đạt được các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới thì việc đề xuất các giải pháp toàn diện, trong đó có đề xuất về cơ chế, chính sách để huy động vốn đầu tư là vấn đề cấp thiết

- Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương

Về vấn đề này, tại Hội thảo quốc gia về chiến lược tài trợ cơ sở hạ tầng tại Việt Nam diễn ra sáng 3/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng việc đầu tư kết cấu hạ tầng để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư.

Ông Phương phân tích, nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, thị trường tín dụng trong nước đối với các dự án PPP, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông đường bộ đã ở mức cao, quy định về trần nợ công cũng ảnh hưởng tới việc huy động vốn nước ngoài. Trong khi đó, các chính sách về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng đổi mới còn chậm, chưa có cơ chế bảo lãnh một số rủi ro nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư.

“Để đạt được các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới thì việc đề xuất các giải pháp toàn diện, trong đó có đề xuất về cơ chế, chính sách để huy động vốn đầu tư là vấn đề cấp thiết”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương chỉ rõ.

PPP vẫn là giải pháp hàng đầu để thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng tại Việt Nam ảnh 1

Hội thảo quốc tế về chiến lược tài trợ cơ sở hạ tầng tại Việt Nam 

Theo báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương - Liên Hiệp Quốc (ESCAP), đầu tư  hạ tầng trung bình hàng năm giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam là 12,6 tỷ USD/năm và sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 24 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020.

Đánh giá về các dự án giao thông hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng phòng Quản lý ngoại hối Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho rằng, các nhà đầu tư tư nhân hiện nay không đầu tư dự án liên kết vùng mà ưu tiên các dự án có khoảng cách ngắn, thời gian thu hồi vốn nhanh.

“Nếu chưa minh bạch, chưa phân đoạn thị trường thì nguồn lực chủ yếu cho đầu tư hạ tầng vẫn là ODA, ngân sách”, ông Trung nói.

Ông Trung cũng chỉ ra, khó khăn hiện nay để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án lớn liên quan đến thời gian cho vay. “Với thời gian cho vay tối đa 15 năm, bản thân cơ chế này không phù hợp, bởi nếu tối đa 15 năm không đảm bảo thời gian hoàn vốn”.

Trong khi đó, ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá, ưu đãi thuế ở Việt Nam đối với các dự án hạ tầng đứng vào hàng ưu đãi rất cao trong khu vực, như thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, chính sách phí và lệ phí có một số loại đã được chuyển sang cơ chế giá. “Đó sẽ là một điều kiện để các nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan tâm”, ông Lê Tuấn Anh nhận định.

Ông Tuấn Anh cũng chia sẻ, về sử dụng vốn ngân sách, việc sử dụng ngân sách nhà nước sẽ phải hiệu quả hơn ở khía cạnh đầu tư vào dự án thực sự cần thiết, hai là sử dụng nguồn vốn ngân sách hạn chế này để làm công cụ thu hút nguồn vốn của tư nhân thông qua các cơ chế hợp tác, mà PPP cũng là một trong các cách thức thực hiện.

Ông Lê Tuấn Anh cho hay, trong cấu trúc tài chính của 1 dự án thì đa số là vốn vay thương mại, chiếm 80-90% tổng mức đầu tư, trong khi vốn cổ phần từ các nhà đầu tư thể chế thường chưa hiện hữu nhiều trong các dự án hạ tầng. Trong khi đó, vốn vay thương mại chỉ nên chiếm 40 - 50% tổng mức đầu tư dự án, 40% vốn nên đến từ các nhà đầu tư thể chế thông qua các công cụ chứng khoán.

Khẳng định vấn đề quan trọng là cần đa dạng hóa nguồn lực, ông Tuấn Anh cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam bắt buộc phải được đẩy mạnh, phát triển để cấu trúc tài chính của 1 dự án hạ tầng phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ so với giai đoạn vừa qua.

“Giai đoạn tới, trách nhiệm của các bộ tổng hợp sẽ phải trình Chình phủ giải pháp để cơ cấu lại cấu trúc tài chính này”, ông Tuấn Anh nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia của ESCAP cho rằng, để khuyến khích thúc đẩy mô hình PPP, cần thiết lập các quỹ và cơ chế tài chính cho cơ sở hạ tầng, bảo đảm cho nhà đầu tư hạn chế các rủi ro chính trị, pháp lý, sử dụng nguồn lực nhà nước, bao gồm cả vốn ODA làm đòn bẩy thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Tin bài liên quan