Đà Nẵng đã định hướng quy hoạch từ rất sớm, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh.

Đà Nẵng đã định hướng quy hoạch từ rất sớm, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh.

Phát triển kinh tế miền Trung: Thông quy hoạch để kích hoạt dòng vốn đầu tư

Phần lớn các dự án đầu tư trên địa bàn các tỉnh Duyên hải miền Trung đang “tắc” mà nguyên chính là dính đến vấn đề quy hoạch…

Yếu tố tiên quyết

Từ trăn trở về việc làm thế nào để địa phương bứt phá, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh, việc cần phải làm ngay đối với tỉnh này là quy hoạch lại một cách đồng bộ, chuẩn mực. Khi đã có quy hoạch, thu hút đầu tư sẽ thuận lợi hơn, nhà đầu tư sẽ triển khai dự án nhanh hơn.

Trăn trở của ông Dương cũng chính là trăn trở của phần lớn lãnh đạo các tỉnh miền Trung hiện nay. Từ lãnh đạo đến người dân, ai cũng đau đáu khi chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư tên tuổi trong và ngoài nước đến với địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng không ít người không thể “kiên nhẫn” chờ lập quy hoạch, trình quy hoạch, thông qua quy hoạch, để rồi mới xác định ai đầu tư, đầu tư gì.

Thực tế, quy hoạch mới là cơ sở xác định đầu tư cái gì, ở đâu, có đúng không, có phù hợp không. Còn quyết định ai đầu tư, đầu tư như thế nào... thì còn phải đợi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Chưa kể, quy hoạch tốn không ít chi phí, quy hoạch bài bản thì cần tư vấn giỏi, thậm chí tư vấn nước ngoài, càng tốn nhiều chi phí. Trong khi đó, đối với tỉnh còn khó khăn thì vấn đề ngân sách là chuyện lớn, không phải nói là làm ngay được.

Để giải quyết vấn đề chi phí, không ít địa phương linh hoạt tổ chức thi ý tưởng quy hoạch cho các nhà đầu tư quan tâm, trên cơ sở đó lựa chọn ý tưởng tốt nhất giao cho doanh nghiệp tự bỏ tiền ra lập quy hoạch, sau đó bán lại cho địa phương để địa phương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, người trúng thầu sẽ hoàn trả chi phí quy hoạch cho đơn vị lập quy hoạch.

Rõ ràng, quy hoạch đang đóng vai trò tiên quyết đối với việc thu hút đầu tư tại các địa phương, nhất là phần lớn các tỉnh Duyên hải miền Trung mới tiếp cận vấn đề quy hoạch và quy hoạch chưa theo kịp sự phát triển. Chính sự không theo kịp này khiến nhiều sở, ban, ngành lúng túng trong việc hỗ trợ nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Lữ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên chia sẻ, khi nhà đầu tư đến, địa phương rất mừng, nhưng vì vướng các vấn đề liên quan đến quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất thì địa phương phải làm đúng quy trình. Tất nhiên, làm đúng quy trình thì phải mất thời gian, chính quyền cũng không muốn vậy.

“Nhiều nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn đánh giá chúng tôi quá khắt khe, quá hành chính, nhưng thật sự, chúng tôi cũng rất muốn nhà đầu tư tiếp cận dự án nhanh hơn, triển khai nhanh hơn, nhưng để đảm bảo an toàn nhất cho nhà đầu tư sau này, chúng tôi phải hoàn thiện tất cả các thủ tục liên quan”, ông Tân nói.

Về đến vấn đề này, từ cuối năm 2018, tỉnh Quảng Nam buộc phải dừng tất cả việc cấp mới các dự án đầu tư để rà soát lại toàn bộ quy hoạch sử dụng đất. Chấp nhận mất cơ hội chào đón nhiều nhà đầu tư lớn, nhưng đổi lại, địa phương đảm bảo được quyền lợi lâu dài của nhà đầu tư sau này.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, quy hoạch chuẩn không chỉ đảm bảo quyền lợi lâu dài cho nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn, mà còn đảm bảo hiệu quả sử dụng đất của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị đất khi đã được quy hoạch 1/2.000 hoặc chi tiết hơn là 1/500, khi đem ra đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, sẽ gấp nhiều lần so với khu vực chưa được quy hoạch.

Gần đây, tỉnh Phú Yên đã đem ra đấu giá vệt đất trên tuyến đường Hùng Vương và kết quả thật bất ngờ khi Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Trung đã mạnh dạn đưa ra mức giá cao gấp đôi giá trị ban đầu mà tỉnh đưa ra. Với một nhà đầu tư bất động sản tên tuổi như Đất Xanh, việc đánh giá hiệu quả đầu tư là chuyện không phải bàn. Rõ ràng, việc này đã giúp cho Phú Yên có một cách nhìn khác về vai trò của quy hoạch.

Định hướng chiến lược

Quy hoạch đang là nút thắt đối với miền Trung và tất nhiên các địa phương đã xác định quy hoạch đóng vai trò quan trọng mang tính định hướng cho sự phát triển lâu dài và bền vững của mình. Phần lớn các địa phương đã bắt tay vào việc quy hoạch mang tính tổng thể đối với địa phương mình, nhưng từ tổng thể đến chi tiết là một vấn đề, để hiệu quả hơn thì cần làm thêm một bước quy hoạch cơ sở.

Thừa Thiên Huế vừa công bố quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Chân Mây đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, với tổng diện tích quy hoạch là 9.490 ha. Trong đó, diện tích vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1.350 ha. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch golf, thể thao, vui chơi giải trí công nghệ cao và phát triển các sản phẩm du lịch phụ trợ.

Quy hoạch trên được đánh giá là rất chi tiết và mang tính chiến lược, đính hướng phát triển du lịch tại một trong những địa điểm được cho là tiềm năng lớn của Thừa Thiên Huế hiện nay. Nhưng đây chỉ là quy hoạch mang tính tổng thể, định hướng phân khu để dự kiến kêu gọi đầu tư phát triển khu vực. Khi nhà đầu tư triển khai dự án, cần tiếp cận chi tiết hơn, đủ cơ sở để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Trong khi đó, TP. Đà Nẵng được cho đã định hướng quy hoạch từ rất sớm, nhưng sau chặng đường phát triển vượt bậc, vẫn còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp chiến lược phát triển lâu dài hơn, trong đó không gian đô thị luôn là bài toán cần có tầm nhìn mang tính chiến lược.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đây là địa phương đầu tiên lập quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Luật Quy hoạch mới sẽ có hiệu lực từ năm 2019.

“Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển Đà Nẵng thời gian qua, những thách thức đang đặt ra, dư địa còn có thể khai thác, nhóm chuyên gia đã đề xuất mục tiêu và giải pháp cho đô thị Đà Nẵng trong hơn 10 năm tới”, ông Dũng nói. Theo ông, quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng trong thời gian tới đặt trong mối liên kết vùng sẽ làm cho đô thị Đà Nẵng “lớn lên” và tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

“Hai mũi quy hoạch phát triển đô thị được xác định là phía Đông Nam và Tây Bắc của Thành phố. Sự phát triển về phía Nam để kết nối đô thị Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); phát triển về hướng Tây và Tây Bắc hình thành các đô thị vệ tinh, các khu sản xuất tập trung với các dự án đầu tư động lực để phát triển kinh tế”, ông Dũng nhìn nhận.

Tầm nhìn quy hoạch về không gian đô thị Đà Nẵng với tầm nhìn liên kết với Quảng Nam đã mở ra cách tiếp cận mới cho nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh Duyên hải miền Trung có sự tương đồng về điều kiện phát triển. Trong đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và hạ tầng du lịch là nhân tố quan trọng để nâng tầm phát triển lĩnh vực này hiệu quả.

Và đương nhiên, định hướng này sẽ tác động đáng kể đến ý tưởng quy hoạch của các địa phương. Điều quan trọng nhất là quy hoạch sẽ là chiếc cầu nối đầu tiên đưa sự liên kết vùng trở nên hiệu quả hơn trong tương lai.

Tin bài liên quan