“Nhiều dự án BOT là cơ hội cho tham nhũng, hối lộ và bòn rút ngân sách quốc gia”

(ĐTCK) Trước thực trạng nhiều dự án BOT chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ và nảy sinh tiêu cực, sáng 8/9 tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp”.

Tọa đàm do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Viện PLD) tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia.

Các đại biểu đã cùng đưa ra những cái nhìn về thực trạng, hạn chế tại các dự án BOT và đề xuất nhiều hướng giải quyết.

“Nhiều dự án BOT là cơ hội cho tham nhũng, hối lộ và bòn rút ngân sách quốc gia” ảnh 1

 Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Trong đánh giá về thực trạng các dự án BOT, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhận định, việc buông lỏng quản lý và thiếu kiểm tra, giám sát đã tạo ra những nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau đặc quyền đặc lợi, chiếm đoạt những dự án béo bở, chèn ép các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

"Đây là nguyên nhân chính dẫn đến người dân phản ứng ngày càng nhiều, sự việc nếu không giải quyết được sẽ dẫn đến sự đối đầu của người dân với các cơ quan điều hành của nhà nước".

Cùng nhận định này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Nhiều dự án BOT là cơ hội cho tham nhũng, hối lộ và bòn rút ngân sách quốc gia”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét: Chi phí logistics chiếm đến 21% GDP so với 12 - 14% GDP ở các nước khác, làm tăng giá thành sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Doanh cũng đưa ra những con số thú vị về nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong đó có BOT.

“Chi phí vận tải chiếm đến 60% giá thành của một số doanh nghiệp xuất khẩu ở Đồng Bằng sông Cửu Long. Chi phí BOT cao hơn chi phí xăng dầu từ Đồng bằng sông Cửu Long về TP. HCM (theo VLA). Giảm chi phí đầu vào là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế, trong đó có chi phí BOT”, ông Doanh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để các dự án BOT được triển khai một cách hiệu quả, cần tổ chức phản biện trên diện rộng, có đóng góp của các chuyên gia độc lập không phụ thuộc vào cơ quan của nhà nước hoặc bộ chuyên ngành để có những phản biện chính xác và vô tư nhất.

Bên cạnh đó, các chủ dự án phải có ít nhất 70 - 80% vốn tự có để thi công không được vay ngân hàng và không được tính lãi vay ngân hàng vào giá thành.

Thêm vào đó, phải xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm với mức phạt cao nhất tương xứng, với vi phạm kiên quyết xử lý hình sự khi nhà đầu tư vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, cần áp dụng đấu thầu công khai, kế hoạch tài chính phải được xây dựng thực tế, chặt chẽ, biên độ vượt kế hoạch khống chế tối đa +/- 10%.

Tin bài liên quan