Ngành y tế khuyến khích thực hiện các dự án theo mô hình PPP

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường quản lý thị trường dược phẩm, đảm bảo chất lượng thuốc, giá thuốc và đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Kết quả nổi bật trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh năm 2018 là gì, thưa Bộ trưởng?

Năm 2018, với nỗ lực của toàn ngành y tế, công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, với một hệ thống hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh từ Trung ương đến xã, trong năm qua, ngành y tế điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp.

Đặc biệt, việc hình thành và phát triển trung tâm y tế chuyên sâu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Huế và TP.HCM, đã góp phần quan trọng để chuyển giao kỹ thuật theo chuyên ngành. Nhờ đó, nhiều kỹ thuật về chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị của Việt Nam đã ngang tầm với các nước trong khu vực như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, đặc biệt là ghép tim thành công. Hiện hệ thống y tế Việt Nam đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, giác mạc, tế bào gốc tạo máu…

Cùng với việc hình thành và phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu là khánh thành đưa vào sử dụng, khởi công nhiều công trình y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Nhờ chủ trương xã hội hoá ngành y tế, nhiều cơ sở đã trang bị được những thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh như máy xạ hình Spec, máy CT-Scan 64 lớp cắt, máy chụp cắt lớp võng mạc OTC, máy mổ Laze Lamz Excm CX3 trong cận, viễn, lão và các tật về khúc xạ, máy siêu âm 4D… góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Một vấn đề người dân rất quan tâm là tình trạng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Bộ trưởng cho biết, ngành y tế đã làm gì để giúp truy xuất nguồn gốc thuốc và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn?

Trong những năm qua và đặc biệt là năm 2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện kết nối hệ thống nhà thuốc để thực hiện truy xuất nguồn gốc thuốc và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. 

Theo đó, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)  triển khai thí điểm ứng dụng CNTT kết nối nhà thuốc tại 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên và Nam Định. Qua quá trình triển khai thí điểm, Bộ Y tế đã tổ chức các cuộc họp nhằm rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên phạm vi cả nước.

Đến thời điểm hiện tại, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Các địa phương đã phối hợp với các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn  như Viettel, VNPT, FPT… tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, cấp tài khoản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các nhà thuốc trên địa bàn.

Giá thuốc hiện vẫn còn cao so với mức sống người dân. Bộ Y tế có giải pháp gì để giảm giá thuốc, thưa Bộ trưởng?

Đàm phán giá thuốc với các hãng dược chính là một trong những giải pháp góp phần quan trọng làm giảm giá thuốc, đảm bảo giá thuốc là giá thực, hạn chế tối đa tình trạng các hãng tự ý đẩy giá cao.

Thời gian qua, Hội đồng Đàm phán giá thuốc Bộ Y tế đã đàm phán thành công 4 mặt hàng thuốc, đã giảm được 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại (so với số lượng thuốc dự kiến mua cho các cơ sở y tế trong năm 2019 - 2020 thì giảm hơn 551 tỷ đồng so với giá trúng thầu hiện tại). Trên sơ sở kết quả đạt được bước đầu, năm 2019, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán giá các mặt hàng thuốc biệt dược, góp phần giảm giá thuốc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến các dự án PPP trong lĩnh vực y tế. Xin Bộ trưởng cho biết, những dự án nào của ngành y tế sẽ thực hiện theo mô hình PPP?

Quan điểm của Bộ Y tế là khuyến khích thực hiện các dự án theo mô hình PPP, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và các bên liên quan. Bộ Y tế đã có chủ trương cho một số đơn vị triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP như: Dự án Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Chợ Rẫy, Dự án Xây dựng ký túc xá Đại học Y - Dược Hải Phòng, Dự án Xây dựng ký túc xá Đại học Y - Dược TP.HCM.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét thủ tục phê duyệt một số dự án PPP về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng y tế và mua sắm trang thiết bị y tế. Chúng tôi rất hoan nghênh các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án này.

Tin bài liên quan