Mỹ cải cách thuế, dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều

Mỹ cải cách thuế, dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều

(ĐTCK) Một trong những cải cách thuế quan trọng nhất của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. Diễn biến này được dự báo sẽ có tác động lớn tới dòng vốn đầu tư toàn cầu, cũng như ảnh hưởng nhất định tới thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.  

Dòng vốn đầu tư hướng về Mỹ

Nội dung chính của chính sách thuế mới bao gồm việc giảm mạnh mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ, từ 35% xuống còn 21% bắt đầu từ đầu năm 2018, bãi bỏ thuế tối thiểu thay thế (AMT), giới hạn việc khấu trừ lãi suất kinh doanh ở mức 30% thu nhập nhằm hướng tới giảm gánh nặng thuế đối với một số loại hình doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, công ty một thành viên, trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân, công ty hợp danh, công ty cá thể, doanh nghiệp loại S...

Đặc biệt, chính sách cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cho phép hồi hương lợi nhuận của các doanh nghiệp với mức thuế giảm, đồng thời thay đổi cách thức đánh thuế lợi nhuận thu được từ nước ngoài của các công ty đa quốc gia, cụ thể là chỉ đánh thuế đối với lợi nhuận trong nước.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, việc thực hiện dự luật cải cách thuế sẽ tác động mạnh mẽ tới đầu tư tư nhân nội địa, do chi phí vốn giảm và lợi nhuận kỳ vọng tăng, đồng thời giúp tăng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ ở nước ngoài quay trở lại quê nhà. Điều này có thể khiến tăng trưởng GDP Hoa Kỳ trong giai đoạn 2018 - 2019 tăng thêm 0,3 điểm phần trăm, đạt 2,5 - 2,8% và tăng lên 3% trong 8 năm tiếp theo.

Ở chiều ngược lại, chính sách cải cách thuế theo hướng trọng thị trường nội địa của Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài tăng cường đầu tư trở lại Hoa Kỳ, giảm đầu tư vào các thị trường khác.

Bên cạnh đó, thay vì để lại lợi nhuận nhằm mở rộng đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ gia tăng đầu tư về Mỹ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn đầu tư toàn cầu. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ước tính, dự luật thuế mới của Mỹ sẽ tác động tới khoảng 50% lượng vốn FDI toàn cầu, làm dịch chuyển khoảng 2.300 tỷ USD tiền mặt của các công ty Mỹ tại nước ngoài quay trở lại nước Mỹ, từ đó dẫn tới sự sụt giảm mạnh của lượng vốn đầu tư toàn cầu.

Còn theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế IFO, do thuế thu nhập doanh nghiệp của châu Âu và các đối tác chủ chốt của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều cao hơn mức thuế mới 21% của Mỹ, nên khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế kể trên sẽ giảm xuống, khiến dòng vốn đầu tư đảo chiều từ các nước này sang Mỹ.

Lượng hóa các tác động

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy về Mỹ, kết quả phân tích định lượng và mô phỏng tác động từ chính sách cải cách thuế của Mỹ tới thu hút FDI của Việt Nam do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia – NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa thực hiện mới đây cho thấy, nguồn vốn FDI vào Việt Nam có bị ảnh hưởng, song chưa nhiều.

Nguyên nhân bởi vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, ước tính vào khoảng 9,9 tỷ USD vốn lũy kế đăng ký vào thị trường Việt Nam tính đến năm ngoái, trong khi mức đăng ký đầu tư năm 2017 chỉ đạt trên 870 triệu USD.

Cụ thể, theo tính toán của NCIF, trong năm 2018 là năm đầu tiên Mỹ thực hiện dự luật, vốn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam dự kiến giảm khoảng 625 triệu đồng. Mức giảm thu hút FDI sẽ mạnh hơn một chút vào năm 2019 ở mức 2,95 tỷ đồng và phục hồi trở lại trong trung và dài hạn. Đối với thương mại và tăng trưởng kinh tế nói chung, tác động là chưa đáng kể và rõ rệt.

Mặc dù vậy, theo NCIF, vấn đề cần quan tâm là nguồn vốn đầu tư từ các nước là đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…, đồng thời là những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Thống kê cho thấy, đầu tư FDI vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là dòng vốn đầu tư từ các thị trường kể trên, trong đó chắc chắn có bao gồm một lượng không nhỏ luồng vốn FDI mà các công ty Mỹ đầu tư vào các quốc gia này như là nước thứ ba trước khi vào Việt Nam.

Theo NCIF, luồng vốn này là khá lớn, song hiện nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể nên chưa tính toán được tác động tới mức nào. Song với con số gần 2.300 tỷ USD mà UNCTAD dự báo có thể bị rút khỏi dòng vốn FDI toàn cầu để quay trở về Mỹ, thì tác động tới vốn đầu tư vào nước thứ ba là không hề nhỏ.

Ở góc độ khác, luồng vốn gián tiếp cũng cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ, bởi dòng tiền đến từ các nhà đầu tư quốc tế, quỹ và các tổ chức tài chính sẽ có sự cân nhắc trước lợi ích kỳ vọng đang tăng lên tại thị trường Mỹ.

Tin bài liên quan