Môi trường đầu tư và chuẩn mực quốc tế

Môi trường đầu tư và chuẩn mực quốc tế

Mục tiêu thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao đang được nhắc tới, như một trong những động lực quan trọng để kinh tế Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững những năm tới.
Nhiều giải pháp đang được bàn, nhưng chuyện về chiếc phích cắm sai chuẩn mà ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhắc đến như một ví dụ về rào cản thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng từ EU, Mỹ chắc chắn không nhỏ như kích cỡ chúng.

Nhiều nhà đầu tư EU đã kể với ông rằng, khi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, một trong những khó khăn nhất là bàn về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn Việt Nam, đi cùng với đó là những công nghệ, quy trình theo tiêu chuẩn Việt Nam. Các quy định, cơ chế chính sách và phương thức quản lý của nhà nước đi theo hệ tiêu chí này. 

Trong khi đó, cuộc chơi toàn cầu đang đặt ra những chuẩn mực thống nhất, ở đẳng cấp cao, nhiều khi là khác biệt so với những gì doanh nghiệp Việt Nam đang tuân thủ. Trong không ít trường hợp, cơ hội kết nối làm ăn hay chuyển giao công nghệ bị cắt ngang bởi tư duy về chuẩn mực không cùng mặt bằng.

Những nỗi thống khổ của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm suốt nhiều năm trước khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm được ban hành vào tháng 2/2018 là minh chứng. Họ đã phải tuân thủ những tiêu chuẩn mà không ở đâu quy định, thậm chí là không thể hiểu tại sao lại có như bổ sung hàm lượng chất xơ vào cà phê bột hòa tan, trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật cho cà phê bột ở châu Âu chỉ có độ ẩm và cafein…

Nhiều việc đã được giải quyết, nhưng các quy định tương tự vẫn tồn tại trong khá nhiều ngành, lĩnh vực. 

Thậm chí, khi bàn về cơ hội đầu tư vào khu vực doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa, chuẩn mực không cùng mặt bằng cũng đang làm khó các nhà đầu tư từ Nhật Bản và có thể không chỉ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã trình bày, các hội viên của họ luôn có nghĩa vụ giải trình trước cổ đông, HĐQT của công ty khi quyết định đầu tư liên quan đến các dự án M&A, trong đó có mua cổ phần, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa của Việt Nam.

Chuẩn mực về quản trị đòi hỏi họ phải thực hiện việc đánh giá các phân tích rủi ro, rà soát, các đối sách trong quy trình rà soát đặc biệt liên quan đến luật pháp, tài chính, thuế. Các giải pháp đối với các vấn đề đã được làm rõ qua quá trình rà soát trên sẽ phải được đưa vào hợp đồng (hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần, hợp đồng cổ đông).

Trong khi đó, các phương pháp xác định giá bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước đang khác biệt khá xa so với tiêu chuẩn định giá cổ phiếu quốc tế. Thông tin về các tập đoàn nhà nước lớn không thực sự đầy đủ, khiến nhiều khi các nhà đầu tư nước ngoài khó hiểu rõ nội dung ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn. Đó là chưa kể mong muốn bán được giá ngay cả với các doanh nghiệp không thực sự tốt mà không quan tâm đến cải thiện quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…

Hệ quả là sự khác biệt trong các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá đang làm giảm đi tính hấp dẫn của cơ hội đầu tư mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã từng xác định là chiến lược khi tìm đến Việt Nam. 

Mọi khoảng cách sẽ trở nên xa hơn khi tới đây, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sẽ được thực hiện với hàng loạt chuẩn mực mới cao hơn.

Vào thời điểm này, chuẩn mực quốc tế, thông lệ toàn cầu không còn là những khẩu hiệu mang tính cổ súy, khuyến khích mà phải là nhiệm vụ, tiêu chí buộc phải thực hiện trong rà soát, sửa đổi hệ thống văn quy định pháp luật của Nhà nước cũng như các quyết định đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Khi môi trường đầu tư – kinh doanh đạt chuẩn mực toàn cầu, khi doanh nghiệp Việt Nam khớp với chuẩn của các chuỗi giá trị lớn, dòng đầu tư FDI chất lượng sẽ tràn đến.

Tin bài liên quan