Việc đánh giá đúng, đủ quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP là nhằm phản ánh chính xác năng lực của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của từng địa phương. (ảnh minh họa)

Việc đánh giá đúng, đủ quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP là nhằm phản ánh chính xác năng lực của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của từng địa phương. (ảnh minh họa)

Lợi ích của việc đánh giá lại quy mô GDP

Sau khi đánh giá lại, quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017 của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng, cho dù vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9/2019, Tổng cục Thống kê mới chính thức công bố con số này.

Đây cũng là cơ sở để một số chuyên gia nhận định, sau khi đánh giá lại, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng tính theo GDP như bội chi, nợ công, thu ngân sách nhà nước, nợ nước ngoài, GDP/đầu người, chỉ số ICOR, năng suất lao động… sẽ tích cực hơn.

Nhưng bên cạnh những thông tin tích cực, mang tính xây dựng, đã xuất hiện không ít bình luận thiếu thiện chí khi cho rằng, quy mô GDP tăng do đánh giá lại sẽ là cơ sở để Chính phủ tăng mức độ đóng góp của người dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế qua thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh vay nợ cả trong và ngoài nước, mở rộng đầu tưcông...

Quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010 - 2017 chắc chắn sẽ tăng sau khi đánh giá lại. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam, mà đúng với hầu hết các nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế phát triển luôn cập nhật đầy đủ dữ liệu, số liệu của mọi hoạt động kinh tế.

Việc số liệu thống kê có sự thay đổi không phải là ý muốn chủ quan của cơ quan thống kê hay do sự chỉ đạo của bất cứ cơ quan, tổ chức, bộ ngành, cá nhân nào, mà hoàn toàn do yếu tố khách quan.

Thực tế, khi công bố số liệu tăng trưởng GDP ước tính hàng quý, hàng năm, cơ quan thống kê chưa cập nhật được đầy đủ số liệu, dữ liệu của toàn bộ hoạt động kinh tế. Chính vì vậy, sau khi có thêm dữ liệu, số liệu và tính toán lại, số liệu thay đổi cũng là lẽ đương nhiên.

Tương tự, sau khi cập nhật đầy đủ số liệu, dữ liệu từ 4 cuộc tổng điều tra kinh tế; tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản từ năm 2010 đến nay và số liệu được cung cấp từ 10 bộ, ngành liên quan, thì quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017 tăng lên cũng là điều dễ hiểu.

Khác với một số ý kiến suy diễn cho rằng, việc đánh giá lại quy mô GDP có thể được xem là cơ sở để tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng theo GDP, tất cả chỉ tiêu đã công bố vẫn được giữ nguyên.

Cụ thể, với quy mô GDP năm 2017 đạt trên 5 triệu tỷ đồng, thì con số đã được công bố về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi, tổng vốn đầu tư toàn xã hội… vẫn không thay đổi cho dù GDP sau khi đánh giá lại có tăng thêm 20 - 30%.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017 của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng và có khả năng tăng rất mạnh vì được bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp từ cơ sở dữ liệu của ngành thuế do trước đó, cơ quan thống kê chưa có được con số chính xác. Hơn nữa, toàn bộ hoạt động kinh tế thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng không được thống kê khi tính quy mô GDP hằng năm cũng được “bao quát” qua 4 cuộc tổng điều tra kinh tế sẽ được tính vào quy mô GDP sau khi đánh giá lại.

Có thể nói, việc đánh giá đúng, đủ quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP là nhằm phản ánh chính xác năng lực của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của từng địa phương. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để so sánh nền kinh tế Việt Nam với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới.

Đây còn là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm, 10 năm tới, để biết nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu, đang cần thêm giải pháp, cơ chế, chính sách gì nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng khi thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Tin bài liên quan