Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có chủ trương liên kết từ lâu, nhưng chủ yếu chỉ kết nối giao thông vốn được hình thành từ điều kiện địa lý tự nhiên. Ảnh: T.C.D

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có chủ trương liên kết từ lâu, nhưng chủ yếu chỉ kết nối giao thông vốn được hình thành từ điều kiện địa lý tự nhiên. Ảnh: T.C.D

Liên kết vùng: Những trăn trở từ miền Trung

Dù chưa thật sự rõ nét và hoàn chỉnh, nhưng chủ trương liên kết đã xuất hiện thường xuyên tại những hội nghị liên vùng trong nước và quốc tế và được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, sự liên kết đôi khi vẫn còn rời rạc.

Chuẩn bị sớm

Từ nhiều năm trước, định hướng phát triển kinh tế vùng, như phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phía Nam là TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu - Côn Đảo, miền Trung là Đà Nẵng và một số thành phố cảng khác, đã được hình thành. Mục tiêu là thu hút đầu tư trong và ngoài nước; phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, đầu mối phát triển kinh tế đối ngoại; liên kết, thúc đẩy và lôi kéo các vùng khác phát triển...

Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, vấn đề liên kết vùng tiếp tục được chú trọng, lồng ghép vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan tỏa đến các vùng khác, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn. Từ những chủ trương trên, cả nước đã thành lập nhiều vùng kinh tế, phía Bắc, phía Nam, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.

"Thời gian qua, chúng ta đã làm được một số việc, nhưng tồn tại lớn nhất chính là liên kết giữa các địa phương trong việc phát triển công nghiệp, du lịch, kể cả giao thông kết nối chưa hiệu quả" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng.

Để thực hiện chủ trương trên, từ Trung ương đến các địa phương đang hoàn thiện quy hoạch vùng làm cơ sở quản lý phát triển vùng; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; nghiên cứu cơ chế quản lý, liên kết hợp tác phát triển phù hợp; lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế.

Từ năm 2013 đến nay, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động triển khai Đề án Nghiên cứu về kinh tế vùng, liên kết vùng, nhằm đề xuất chủ trương, cơ chế chính sách mới về phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, thể chế điều phối liên kết vùng, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp theo vùng. Ban Kinh tế Trung ương cũng phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Điều phối vùng miền Trung... tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề về kinh tế vùng và liên kết vùng.

Dẫu đã được manh nha và chuẩn bị từ sớm, nhưng hoạt động liên kết, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn thiếu thể chế, cơ chế quản lý điều phối kinh tế vùng, thiếu các chính sách đặc trưng cho từng vùng... Tại các địa phương, trong các nghị quyết, hầu như các địa phương chưa đề cập vấn đề liên kết, nên có rất ít các liên kết đúng với các nguyên lý liên kết vùng. Vì vậy, liên kết chưa thật sự trở thành một chủ trương có tính nguyên tắc trong tổ chức không gian phát triển của địa phương, dẫn đến thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư.

Những trăn trở từ miền Trung

Duyên hải miền Trung vốn được biết đến là vùng đất nghèo khó, đất đai cằn cỗi và nhiều giông bão. Để biến hạn chế thành thế mạnh, đòi hỏi các địa phương trong vùng phải bắt tay nhau, đoàn kết, mở rộng biên độ liên kết, nỗ lực vượt qua rào cản địa lý, không gian, tạo thành một thể thống nhất để phát huy tối đa lợi thế.

Từ năm 2012, trên cương vị Trưởng ban điều phối khu vực Duyên hải miền Trung, Đà Nẵng đã chủ trì tổ chức Hội nghị Liên kết vùng, với sự tham gia của 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Tại Hội nghị này, lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố đã ký biên bản cam kết cùng nghiên cứu để phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; hợp tác huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển chung của Vùng...

Vậy nhưng, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận một thực tế rằng: “Thời gian qua, chúng ta đã làm được một số việc, nhưng tồn tại lớn nhất chính là liên kết giữa các địa phương trong việc phát triển công nghiệp, du lịch, kể cả giao thông kết nối chưa hiệu quả. Chúng ta cần có sự liên kết cụ thể để không xảy ra tình trạng cạnh tranh với nhau, dẫn đến không phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương”.

Đồng quan điểm, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng cho rằng, do tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, về tiềm năng công nghiệp, kinh tế biển và du lịch dịch vụ, nên các địa phương vùng Duyên hải miền Trung đang cạnh tranh về chính sách thu hút đầu tư bằng cách hạ giá, tăng thời hạn thuê đất, ưu đãi về thuế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật..., gây bất lợi cho sự phát triển chung của vùng cũng như cho từng tỉnh.

Tin bài liên quan