Không vay ODA bằng mọi giá

Trong bối cảnh nợ công nhiều khả năng chạm trần vào cuối năm nay, thông điệp mà Chính phủ đưa ra rất rõ ràng. Đó là không phá vỡ trần nợ công, không vay ODA và vốn vay ưu đãi bằng mọi giá.

Thực tế, các địa phương có nhu cầu cao về vốn và sẵn sàng vay rất nhiều, kể cả các khoản vốn ưu đãi, chứ không chỉ ODA. Thậm chí, có địa phương đề xuất cùng lúc 8-9 dự án, hoặc trong một lĩnh vực như y tế thì có đến 3 dự án của 3 bệnh viện gửi vay 3 ngân hàng khác nhau.

Trước thực tế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các địa phương xem xét, rà soát, ưu tiên lựa chọn các dự án cần thiết và quan trọng để đề xuất vay vốn. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất với các nhà tài trợ và đảm bảo không vượt quá hạn mức vay nợ của các địa phương.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát toàn bộ các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đang triển khai trên tinh thần kiên quyết hủy vốn các hợp phần không cần thiết, kém hiệu quả, đảm bảo hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát lại định hướng thu hút, sử dụng vốn nước ngoài, thu hẹp lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định, Chính phủ sẵn sàng trao đổi với 6 ngân hàng trên trong quá trình rà soát, vì không nhất thiết phải vay bằng mọi giá. Thực tế, việc từ chối vay ưu đãi, kể cả có một phần viện trợ không hoàn lại đã xảy ra.

Cho đến nay, số vốn vay ODA và vay ưu đãi chưa giải ngân khoảng 20,5 tỷ USD, sẽ được giải ngân theo tiến độ hiệp định đã ký từ nay đến hết năm 2026, trong đó, tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017-2020 (17,55 tỷ USD). Để bảo đảm giải ngân được số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung quyết liệt, trung bình mỗi năm phấn đấu giải ngân trên 4,3 tỷ USD.

Cơ hội cho tư nhân

Thời gian tới, trước mắt là giai đoạn 2018-2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tính toán trần nợ công 3 năm này để định hướng thu hút sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Định hướng thu hút sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021-2025 sẽ được tiến hành song song với việc xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để sửa đổi khuôn khổ pháp lý theo hướng khu vực tư nhân cũng được tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi, cập nhật vào định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng ban hành ngay trong quý IV/2017.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, với bối cảnh hiện tại, để khu vực tư nhân tiếp cận vốn ODA sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với vốn vay ưu đãi thì hoàn toàn khả thi. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu và sẵn sàng trao đổi với 6 nhà tài trợ để xem xét những điều kiện, tiêu chí để khu vực tư nhân có thể tiếp cận vốn vay ODA và ưu đãi”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Tin bài liên quan