Khách quan khi đánh giá FDI

Trong hơn 2 ngày thảo luận tại nghị trường Quốc hội, không ít ý kiến đại biểu đã đề cập những đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những ý kiến xác đáng, vẫn còn những ý kiến thiên lệch. Điều này một lần nữa đòi hỏi dư luận xã hội phải có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn về FDI.

Đầu tiên, phải nhắc đến ý kiến của một đại biểu Quốc hội về việc một năm Việt Nam thất thu 170 tỷ USD vì chuyển giá. Đây là con số không thuyết phục nếu không muốn nói là vô lý, bởi GDP của Việt Nam mới đạt khoảng 202 tỷ USD vào năm 2016, tổng tất cả các loại thuế và vay nợ nước ngoài của Việt Nam cũng chỉ khoảng 44,69 tỷ USD. Như vậy, không thể có con số thất thu lớn hơn cả con số thực tế thu được.

Khách quan khi đánh giá FDI ảnh 1

Trên thực tế, khoản thất thoát 170 tỷ USD được các tổ chức quốc tế nhắc đến là tính chung cho toàn thế giới, chứ không chỉ của Việt Nam. Song một sự nhầm lẫn đáng tiếc đã khiến dư luận xã hội trong những ngày qua có những cái nhìn thiên lệch về những đóng góp của khu vực FDI cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Sau 30 năm thu hút FDI, những đóng góp to lớn của khu vực FDI cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam là điều đã được khẳng định. Không phải khu vực FDI chỉ bổ sung một nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mà một cách chính xác, khu vực này đã trở thành một động lực quan trọng cho kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn những năm gần đây.

Những hạn chế, tồn tại của khu vực này cũng đã được chỉ rõ, từ tình trạng chuyển giá, tới chuyển giao công nghệ còn hạn chế, tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam chưa được như kỳ vọng.

Điều đó đúng. Nhưng chuyển giá là câu chuyện của toàn cầu, không phải của riêng Việt Nam. Chuyển giá diễn ra tại ngay cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu… và tinh vi đến nỗi, ngay cả các quốc gia này cũng không dễ ngăn chặn chuyển giá.

Việt Nam cũng đang nỗ lực ngăn chặn chuyển giá, song chuyển giá chỉ là một “hạn chế” của khu vực FDI, chứ không thể vì “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ nhìn vào chuyển giá để phủ nhận những đóng góp của khu vực này.

Chuyện chuyển giao công nghệ hay tác động lan tỏa cũng thế. Chuyện nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI cũng vậy, rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng - giảm chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI…

Nhận định này không hẳn sai, song đó chỉ là hiện tượng, chưa phải là bản chất. Khách quan mà nói, chuyện tác động lan tỏa kém, chuyện chuyển giao công nghệ còn hạn chế… có nguyên nhân của nội tại nền kinh tế Việt Nam, không hoàn toàn là lỗi của khu vực FDI. Dễ thấy nhất là năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam chưa đủ sức trở thành đối trọng với khu vực FDI trong quá trình phát triển, khu vực doanh nghiệp trong nước chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp FDI…

Thảo luận trên nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhắc đến điều này. Họ lo ngại về những yếu kém nội tại của nền kinh tế, lo kinh tế tăng trưởng không bền vững khi phụ thuộc quá nhiều vào chỉ một hay vài doanh nghiệp FDI quy mô lớn…

Chính vì vậy, phải có cái nhìn khách quan và đúng đắn về khu vực FDI để hiểu rằng, muốn kinh tế Việt Nam phát triển thì phải bằng cách kéo khu vực trong nước đi lên, phát triển ngang tầm với khu vực FDI, trở thành hai động lực mạnh cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI. Những đóng góp của khu vực FDI cần được nhìn nhận khách quan, đồng thời cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để dư luận xã hội hiểu rõ hơn về khu vực này. Thêm nữa, cần phải có chiến lược để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, đồng thời có giải pháp để tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Tin bài liên quan