Ít lựa chọn với nhiệt điện than

Ít lựa chọn với nhiệt điện than

Tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện sẽ vẫn tiếp tục tăng tới năm 2030 là thực tế sau khi cân đối các nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh. Công suất cực đại của hệ thống tương ứng là 42.080 MW, 63.470 MW và 90.650 MW. So với mức 165 tỷ kWh điện sản xuất của năm 2015, nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế là rất lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, người đã tham gia xây dựng nhiều quy hoạch phát triển điện cho hay, tất cả các phương án cân bằng năng lượng đều đã được đặt lên bàn tính toán nhằm lựa chọn phương án hợp lý nhất về cả khả năng và thực tế. Với điều kiện của Việt Nam về địa lý, kinh tế - xã hội, câu chuyện phát triển nhiệt điện than là con đường khó tránh.

Trong cơ cấu sản xuất điện giai đoạn 2010 - 2015, tỷ trọng của nhiệt điện than đã tăng từ 17,5% lên 30,4%; nhiệt điện khí từ 49% giảm xuống còn 29,5%; thuỷ điện từ 27,6% lên 38%, còn các nguồn năng lượng khác từ 6% xuống còn 2,1%.

Chia sẻ thực tế này, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương thừa nhận, không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm các nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng và vì thế, nhiệt điện than được xem là giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu điện đến năm 2030.

“Điện gió và điện tái tạo có giá thành cao, sẽ khó có thể tìm ra nguồn vốn để đáp ứng sự phát triển, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện lại gia tăng nhanh chóng. Đối với điện khí hiện đang khai thác tại khu vực Phú Mỹ - Nhơn Trạch từ nguồn Nam Côn Sơn là chủ yếu, thì sau năm 2030 sẽ suy giảm mạnh, dẫn tới khả năng, nếu vẫn muốn duy trì các cụm điện khí này thì phải tìm kiếm các nguồn cung cấp khí đầu vào mới để bổ sung. Hai nguồn khí mới được nhắc tới là Cá Voi Xanh ở miền Trung và Lô B tại miền Tây Nam bộ, nếu có đưa vào khai thác cũng chỉ đáp ứng được khoảng 8.0000 MW công suất", ông Vượng nhận xét và cho biết, với nguồn thuỷ điện, các tiềm năng để phát triển nhà máy lớn đã khai thác triệt để và hiện chiếm hơn 40% công suất đặt, nên không còn nhiều cơ hội gia tăng mạnh. Đối với 2 nhà máy điên hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, hiện mới đang trong giai đoạn triển khai và chỉ có thể phát điện thương mại trong một tương lai xa, nên nhiệt điện than là giải pháp quan trọng.

"Trên thực tế, các nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa là bởi vì đã hết niên hạn, chứ không phải bất ngờ bị đóng cửa"

- GS - TS. Trương Duy Nghĩa.

Theo đó, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than sẽ đạt khoảng 26.000 MW và chiếm tỷ trọng 49,3% trong tổng lượng điện sản xuất; năm 2025, con số tương ứng là 47.600 MW và 55%; tới năm 2030 là 55.300MW và 53,2% điện sản xuất.

GS - TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho hay, những thông tin được nhóm nghiên cứu Đại học Harvard đưa ra cho rằng, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người/năm, bởi vậy, cần thận trọng bởi nếu có ảnh hưởng xấu vậy sao nhóm nghiên cứu không công bố thông tin về thực tế tại nước Mỹ, nơi các nhà máy nhiệt điện than đang chiếm 50% sản lượng điện sản xuất ra. Ngay cả thông tin được một số nhà khoa học tại Việt Nam dẫn lại như “đóng cửa 165 nhà máy nhiệt điện than hay không cho đầu tư 179 nhà máy nhiệt điện than tại Mỹ cũng không đầy đủ về mặt thông tin khiến dễ gây hiểu lầm”.

“Trên thực tế, các nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa là bởi vì đã hết niên hạn, chứ không phải bất ngờ bị đóng cửa. Còn việc đầu tư 179 nhà máy nhiệt điện than khác sẽ tiêu tốn khoảng 3.000 tỷ USD, trong khi đó, nhu cầu để nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định thì chỉ cần 4-5 nhà máy nhiệt điện than với công suất 1 triệu MW/năm là đủ”, ông Nghĩa nhận xét và cho biết thêm, Mỹ và Trung Quốc có nhiều các nhà máy nhiệt điện than và hiện đang chiếm 50% tổng lượng phát thải của thế giới. Mức phát thải ở Việt Nam mới là 0,5% của thế giới. Vì vậy, cần nhìn nhận thực tế đất nước để có những giải pháp phù hợp chứ không phải tạo ra những lo lắng, nhất là khi nguồn lực thực tế của đất nước không dồi dào mà lại cần phải đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế.

“Sau năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than sẽ giảm, nhưng từ nay tới năm 2030 vẫn giữ vai trò trọng yếu trong cấp điện”, ông Vượng nói nhưng cũng cho hay, với thực tế một số nhà máy nhiệt điện than thời gian qua đã có những sự cố, khiến cả xã hội lo ngại, bởi vậy, chuyện phát triển nhiệt điện than để vừa đủ điện, vừa đáp ứng môi trường, đồng thời thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh là vấn đề được Chính phủ, Bộ Công thương rất quan tâm.

Chia sẻ thực tế đang được triển khai tại Hàn Quốc, Công ty Điện lực Hàn Quốc Kepco - doanh nghiệp có 51% vốn Nhà nước cho hay, điện than và điện hạt nhân chiếm tỷ trọng 30% tổng sản lượng điện của Hàn Quốc và là phụ tải nền ổn định trong hệ thống điện. Tại Quy hoạch điện 7 vừa được ban hành cuối năm 2015 cho giai đoạn 2016 - 2030, Hàn Quốc sẽ xây dựng thêm 20 tổ máy nhiệt điện than với công suất 18.100 MW, chiếm tỷ trọng 23,4% nguồn điện mới được phát triển. “Lý do Hàn Quốc tiếp tục phát triển nhiện điện than là do nguồn cung ổn định, giá thành rẻ hơn các nguồn khác. Năng lượng mới và năng lượng tái tạo tốt, nhưng có chi phí lớn và độ khả dụng có hạn chế nên sẽ phát triển theo từng cấp độ”, đại diện Kepco cho hay.

Dẫu vậy, để phát triển các nhà máy nhiệt điện than đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe, Hàn Quốc đã đầu tư nghiên cứu và hiện đang phát triển các tổ máy siêu tới hạn 500 MW, tổ máy 800 MW trên siêu tới hạn và tổ máy 1.000 MW siêu tới hạn tiên tiến nhằm đạt mục tiêu chất thải của nhà máy bằng 0 để không gây hại tới môi trường.

Tin bài liên quan