Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trước hết, ông có thể cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công sau 8 tháng đầu năm như thế nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổng hợp, báo cáo Chính phủ con số giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng ước đạt 161.271,361 tỷ đồng, đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 37,92% dự toán năm (cùng kỳ năm 2018 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 44,24% dự toán năm).
Như vậy, nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công từ đầu năm tới nay vẫn thấp, nhất là nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn nước ngoài.
Ngoài một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, khoảng 80%, thì vẫn có nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp, đặc biệt có 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó, 8 bộ, ngành giải ngân đạt dưới 5%.
Nguyên nhân chậm là do đâu, thưa ông? Có phải vì chậm giao kế hoạch, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải chịu một phần trách nhiệm?
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chậm giải ngân là do chậm giao kế hoạch. Tôi cho rằng, cần làm rõ hơn nhận định này để xác định nguyên nhân chính xác.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công có một phần do chậm giao kế hoạch, mà chủ yếu là chậm giao kế hoạch từ cấp các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể. Năm nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 429.300 tỷ đồng.
Nếu tính chung cả năm, kết quả giải ngân vẫn đạt 80 - 90% kế hoạch được giao, cơ bản vẫn đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm
- Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân
Trước ngày 31/12/2018, đã có hơn 367.000 tỷ đồng được giao, đạt 85,5% kế hoạch. Phần còn lại chưa được giao, chủ yếu do một số dự án mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, chưa đủ cơ sở pháp lý để giao kế hoạch và thực hiện.
Bên cạnh đó, trình tự giao kế hoạch vốn còn phải được thực hiện ở cấp chủ đầu tư giao kế hoạch cho các dự án cụ thể nữa.
Để tiếp tục triển khai công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực đôn đốc các bộ, ngành, địa phương còn vốn chưa được giao kế hoạch khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để tổng hợp, giao kế hoạch vốn. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn trên 35.000 tỷ đồng (trên 8% vốn kế hoạch) chưa được giao.
Nguyên nhân chủ yếu, như nói ở trên, vẫn là vì các dự án do các bộ, ngành, địa phương đề xuất giao kế hoạch số vốn trên chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Một phần khác là tại các cơ quan tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác đôn đốc chưa kịp thời, quyết liệt, dẫn tới tình trạng chờ đợi lẫn nhau, đơn vị xong trước chờ đơn vị xong thủ tục sau, nên mất khá nhiều thời gian...
Việc chờ đợi để tổng hợp một lần cũng một phần do tâm lý ngại tổng hợp giao kế hoạch nhiều lần, như đã từng diễn ra trong một số năm trước đây.
Trên thực tế, trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc cải thiện tình hình giao kế hoạch vốn bằng nhiều biện pháp, như áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Tuy nhiên, việc giao kế hoạch vốn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hai chiều giữa cơ quan tổng hợp và các bộ, ngành, địa phương.
Quan trọng nhất là, phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương cần phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, quy định pháp luật, thì khâu tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch mới nhanh, chính xác, đúng pháp luật được.
Nếu có bất kỳ trường hợp nào chưa đúng quy định về nguyên tắc, tiêu chí, chưa đúng quy định pháp luật, thì bản thân cơ quan tổng hợp cũng không thể đơn phương tự triển khai, dẫn tới tình trạng giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần...
Ngoài nguyên nhân trên, thì đâu là điều khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm trở thành “căn bệnh” trầm kha của nền kinh tế, thưa ông?
Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức 3 đoàn công tác để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả làm việc cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, mà một trong số đó là do Luật Đầu tư công có cho phép thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được kéo dài sang năm sau.
Điều này dẫn tới tâm lý không tích cực, tập trung trong việc giải ngân, vì cho rằng thời hạn còn dài. Việc giải ngân thường dồn vào thời gian gần cuối năm, cuối thời hạn cho phép.
Bên cạnh đó, chậm giải ngân còn do giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, năng lực nhà thầu hạn chế, thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định vốn nước ngoài chậm; do những khó khăn trong công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương; do mức áp dụng chỉ định thầu xây lắp và tư vấn hiện nay quá thấp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại một số địa phương…
Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến chuyện một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chưa tích cực trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng thanh toán đối với các dự án theo quy định…
Vậy phải làm thế nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thưa ông? Vốn đầu tư đã rất hạn hẹp, mà lại còn không tiêu được, thì hệ lụy tới nền kinh tế là rất lớn…
Đúng vậy. Giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt là tới tăng trưởng kinh tế hằng quý.
Thực ra, nếu tính chung cả năm, kết quả giải ngân vẫn đạt 80 - 90% kế hoạch được giao, cơ bản vẫn đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm.
Tuy nhiên, ở khía cạnh điều hành chính sách, việc giải ngân vốn đầu tư công thấp đầu năm, cao cuối năm sẽ ảnh hưởng đến điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của những tháng cuối năm, nhất là dịp gần Tết Nguyên đán, tác động đến chỉ số lạm phát chung của nền kinh tế, cân đối thu - chi tài chính.
Ở khía cạnh hiệu quả sử dụng vốn, giải ngân chậm có thể làm giảm ý nghĩa tác động của vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế hằng quý, ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án đầu tư công...
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó, yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là giải ngân số vốn đã được giao kế hoạch.
Ngay sau đó 1 ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số gửi các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc việc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn các giải pháp để giao hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 còn lại.
Theo kế hoạch, nửa cuối tháng 9 này, Chính phủ sẽ có hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công. Với sự nỗ lực quyết liệt như vậy và nhất là sự vào cuộc của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện.
Hơn nữa, từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, nên việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn nữa. Năm 2020 là năm chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới, việc cải thiện có thể chưa rõ nét, nhưng hy vọng từ năm 2021, việc đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu đầu tư công sẽ tích cực hơn nhiều so với giai đoạn trước.