Tàu tốc độ cao được đề xuất sử dụng công nghệ giống Nhật Bản. Ảnh: CTV

Tàu tốc độ cao được đề xuất sử dụng công nghệ giống Nhật Bản. Ảnh: CTV

Dự án đường sắt 58 tỷ USD được yêu cầu làm rõ mức ảnh hưởng nợ công

Đơn vị tư vấn được yêu cầu đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao lên nợ công và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có kết luận về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, gửi các đơn vị tham gia báo cáo giữa kỳ dự án này. 

Theo đó, Bộ Giao thông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, các đơn vị tư vấn cập nhật số liệu kinh tế-xã hội của cả nước và các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khai thác trên hành lang Bắc Nam, như đường bộ cao tốc, cảng hàng không... để làm rõ sự cần thiết đầu tư và đề xuất các dự án ưu tiên. 

Bộ cũng chỉ đạo tư vấn làm rõ, so sánh các kịch bản, phương án đầu tư, đánh giá hiệu quả cũng như tác động của dự án lên nợ công quốc gia, phân tích rủi ro... 

Ngoài ra, Bộ Giao thông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt và tư vấn khẩn trương phối hợp với JICA tổ chức chuyên đề riêng, bổ sung thông tin về các loại hình đường sắt tốc độ cao trên thế giới làm cơ sở so sánh về công nghệ.

"Cần phân tích đánh giá rủi ro và khả năng làm chủ công nghệ để xem xét, lựa chọn công nghệ phù hợp", kết luận nêu.

Cuối tháng 8, Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đã báo cáo nghiên cứu khả thi giữa kỳ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Theo đó, tư vấn đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới dài hơn 1.545 km, phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội - Vinh dài 285 km; Vinh - Nha Trang 896 km; Nha Trang - TP HCM dài 364 km.

Tổng vốn đầu tư toàn dự án dự kiến là 58,710 tỷ USD, trong đó hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM được đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2030) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD.

Tin bài liên quan