Chi phí nhân công rẻ là một trong những lợi thế của Việt Nam

Chi phí nhân công rẻ là một trong những lợi thế của Việt Nam

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc về Việt Nam ngày một rõ nét

(ĐTCK) Làn sóng rời bỏ "công xưởng của thế giới" Trung Quốc để chuyển sang đầu tư tại Đông Nam Á - khu vực được đánh giá có chi phí rẻ hơn, đang ngày một rõ nét, mà Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn này.

Theo Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL), việc Trung Quốc dần chuyển từ nền công nghiệp cơ bản sử dụng nhiều lao động để tập trung vào chuỗi giá trị đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi nước này đến các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ vào vị trí chiến lược của mình, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn này.

Cũng theo JLL, lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng là nguyên nhân thúc đẩy làn sóng dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh bị áp thuế xuất khẩu cao.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, vài năm gần đây, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đã dần dịch chuyển sang các nước lân cận như Việt Nam, Thái Lan,
Indonesia, Myanamr…, trong đó Việt Nam đang có nhiều lợi thế.

Ông Mại phân tích, có 3 nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI dần rút khỏi Trung Quốc và tìm đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. Thứ nhất, Trung Quốc từng thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cũng như đầu tư ra nước ngoài trước đây, nên hiện có sự thay đổi trong chính sách, bắt đầu bằng siết chặt việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài và ưu tiên DN trong nước, tác động đến tâm lý DN nước ngoài.

Thứ hai, chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng cao. Nếu như ở Việt Nam, chi phí trung bình DN nước ngoài chi trả khoảng 300-350 USD/lao động/tháng, thì tại Trung Quốc con số này cao gấp đôi. Do đó, DN sẽ lựa chọn nơi có chi phí thấp hơn để gia tăng lợi nhuận.

Thứ ba, trong lúc Trung Quốc siết chặt đầu tư nước ngoài thì Việt Nam nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm, bà Trang Lê, Giám đốc Nghiên cứu của JLL cho biết, các hãng Nike, Adidas... trước đây chủ yếu sản xuất da giày tại Trung Quốc, nhưng gần đây đã chuyển sang sản xuất tại Việt Nam.

“Việt Nam đang là lựa chọn tối ưu trong dòng dịch chuyển của các DN muốn rời nhà máy ra khỏi Trung Quốc, mà lý do lớn nhất là chi phí tại đây ngày càng đắt đỏ (giá thuê đất, giá nhân công...). Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang leo thang càng khiến các DN nhanh chóng tìm kiếm một điểm dừng chân hấp dẫn và an tâm hơn”, bà Lê nói.

Thực tế, trong một vài năm qua, với những ưu điểm như kinh tế - xã hội ổn định, chi phí nhân công và đất thuê rẻ..., nhiều DN nước ngoài đã thông qua các đơn vị tư vấn để tìm kiếm sự hợp tác, thuê đất xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Đơn cử, tại TP.HCM, nguồn cung khu công nghiệp phía Nam Thành phố cuối tháng 6/2018 tăng cao so với quý IV/2017, với tổng diện tích đất cho thuê khoảng 37.030 ha, giá thuê đất theo đó tăng mạnh. Còn tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, giá cho thuê đất khu công nghiệp tăng 7 USD/m2/năm so với thời điểm quý IV/2017.

Ông Greg Ohan, Phó tổng giám đốc BW Industrial, đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê nhận định, thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ thương mại điện tử và logistic đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ.

"BW Industrial đã mua đất cho 8 dự án tại Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng và Hải Dương - là 5 địa phương thu hút nhiều DN FDI nhất cả nước. Công ty cũng đã nhận được quyết định sử dụng đất với thời hạn thuê từ 40-45 năm và xây dựng sẵn nhà xưởng… để đón làn sóng di dời của các DN từ Trung Quốc sang
Việt Nam", ông Greg Ohan nói.

Mặc dù được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc đón dòng vốn FDI từ Trung Quốc, nhưng theo GS. Nguyễn Mại, Việt Nam không nên chủ quan, mà phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thay đổi phương thức vận động, cải cách thủ tục hành chính… để duy trì lợi thế.

"Năm 2017, Trung Quốc thu hút hơn 100 tỷ USD từ DN nước ngoài, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 17,5 tỷ USD. Cũng trong năm 2017, trong số 850 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các nước đang phát triển, riêng Trung Quốc thu hút 20%. Trung Quốc - thị trường 1,4 tỷ dân, vẫn luôn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, bởi vậy chúng ta phải luôn nỗ lực gia tăng lợi thế để dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng cao", ông Mại nhấn mạnh.

Trước làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ của DN nước ngoài từ thị trường Trung Quốc đến Việt Nam, không ít DN nội địa bày tỏ sự lo ngại. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại TNG cho biết nếu các DN ngành dệt may nước ngoài rời Trung Quốc và tìm đến Việt Nam, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN dệt may trong nước.

“Khi DN dệt may nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh cả về nguồn lao động, giá bán sản phẩm và thị trường tiêu thụ”, ông Thời nhấn mạnh.

Theo ông Thời, những DN vừa và nhỏ sẽ khó khăn trong cạnh tranh, trong khi các DN có tiềm lực sẽ bớt áp lực hơn. Với TNG, để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, TNG sẽ tiếp tục mua những nhà máy nhỏ, đồng thời tăng phúc lợi cho người lao động trong Công ty....                                                     

Tin bài liên quan