Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh là một trong 5 dự án tỷ đô ấn tượng trong năm 2017. Ảnh: Chí Cường

Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh là một trong 5 dự án tỷ đô ấn tượng trong năm 2017. Ảnh: Chí Cường

Điểm danh 5 dự án khủng giúp thu hút FDI năm 2017 lập kỷ lục gần 36 tỷ USD

Với sự đóng góp to lớn của 5 dự án tỷ USD, năm 2017 trở thành năm kỷ lục trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Năm của những kỷ lục

Một cách hồ hởi, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. “Vốn giải ngân cũng đạt mức cao nhất kể từ trước tới nay”, ông Hoàng nói.

Quả thực, nhìn vào số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, sẽ hiểu lý do ông Hoàng hồ hởi. Chỉ tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, có 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, còn có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016. Và có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016.

Như vậy, xét cả về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, kỷ lục đều được xác lập. Nếu chỉ tính riêng vốn FDI, con số là trên 29,68 tỷ USD.

Còn vốn đầu tư gián tiếp, thông qua các giao dịch góp vốn, mua cổ phần mà không thông qua sàn chứng khoán, là 6,19 tỷ USD. Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) của Việt Nam đã tiếp tục bùng nổ, đúng như dự báo của Diễn đàn M&A Việt Nam.

Kỷ lục cũng được xác lập đối với cả vốn giải ngân 17,5 tỷ USD. Cũng cần phải nhắc lại một điều rằng, kể từ khi bắt đầu thu hút FDI 30 năm qua, đây là cần đầu tiên, vốn FDI giải ngân cán mốc cao như vậy.

Trong 10 năm qua, vốn FDI thực hiện chỉ xoay quanh ngưỡng 11-12 tỷ USD, khiến nhiều chuyên gia còn bày tỏ sự nghi ngờ về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế.  

Xét cả về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, kỷ lục đều được xác lập. 
Chẳng hạn, năm 2012, vốn giải ngân chỉ là 10,46 tỷ USD. Con số tăng lên 11,5 tỷ USD trong năm 2013 và 12,5 tỷ USD trong năm 2014.

Những năm gần đây, vốn FDI giải ngân liên tục tăng nhanh hơn, lên 14,5 tỷ USD trong năm 2015; 15,8 tỷ USD trong năm 2016 và đã thiết lập kỷ lục trong năm 2017.

Thực tế, đây mới chỉ là vốn FDI thực hiện, khoản vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần chưa được tính. Khi báo cáo Quốc hội hồi cuối tháng 10/2017, Cục Đầu tư nước ngoài tính toán rằng, khoản giải ngân đối với phương thức đầu tư này trong năm nay có thể lên tới 3 tỷ USD.

Điều đó có nghĩa, chỉ riêng năm 2017, đã có trên 20 tỷ USD vốn nước ngoài được giải ngân, góp phần quan trọng nâng cao vốn đầu tư toàn xã hội, qua đó tạo nền tảng quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự trở lại ấn tượng của các dự án tỷ USD

Không thể phủ nhận, bên cạnh sự bùng nổ của vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, thì sự quay trở lại ấn tượng của các dự án tỷ USD đã góp phần quan trọng đẩy vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục.

Có tới 5 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong năm nay. Đó là 3 dự án điện BOT, bao gồm Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá, quy mô 1.200 MW; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa, công suất 1.320 MW và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thái Bình, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.

Ngoài ra, còn có Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang. Chưa kể, còn có Dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vốn đăng ký 885,85 triệu USD, tại TP.HCM.

Chỉ tính riêng 5 dự án tỷ USD và dự án quy mô lớn ở TP.HCM đã đóng góp tới trên 12 tỷ USD, chiếm trên 40% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2017.

Thực tế, nếu tính đơn thuần về con số, năm 2008 mới là năm đỉnh cao của Việt Nam trong thu hút FDI. Năm đó, có tới 72 tỷ USD được đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, sau này, vì rất nhiều dự án tỷ USD trong năm đó bị cho là “ảo” và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, nên thành tích đó gần như ít được nhắc tới. Điều này trái ngược với những dự án tỷ USD đăng ký vào Việt Nam những năm gần đây, là đầu tư thật, triển khai thật.

Sự quay trở lại một cách dồn dập của các dự án tỷ USD trong năm nay vì thế càng trở nên ấn tượng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong số các dự án tỷ USD nói trên, có tới 3 dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng và thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều dự án trong lĩnh vực này rất chậm trễ trong triển khai.

Bởi thế, đốc thúc các dự án này sớm thực hiện để không trở thành dự án ảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý. Chỉ có như vậy, thành quả thu hút FDI của Việt Nam trong năm nay mới thực sự ngọt ngào!

Tin bài liên quan