Nếu không kiểm soát tốt nợ công, Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững

Nếu không kiểm soát tốt nợ công, Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững

Để kiểm soát nợ công, Chính phủ phải giảm chi tiêu

Trong khi nợ công đang tăng nhanh, dự kiến sẽ chạm trần vào năm 2017 thì công tác kiểm soát chi thường xuyên lỏng lẻo luôn khiến số liệu quyết toán ngân sách cao hơn nhiều do với số liệu dự toán. Để giảm áp lực nợ công, bắt buộc chính phủ phải tiết giảm chi tiêu và kiểm soát chi thường xuyên một cách chặt chẽ.     

Nợ công có thể sẽ chạm trần vào 2017

Báo cáo nợ công do Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa phát hành cho biết, số liệu về tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm/GDP của Bộ Tài chính thấp hơn so với con số thực tế.

Lý do được đưa ra là trong dự toán và cập nhật NSNN, Bộ Tài chính luôn để ước tính GDP cao hơn so với số liệu của Tổng cục Thống kê. Ví dụ, số liệu tỷ lệ thâm hụt NSNN/GDP do Bộ Tài chính công bố cho năm 2014 là 5,3%GDP, trong khi con số hiệu chỉnh theo số liệu GDP thực tế theo công bố của Tổng cục Thống kê là 5,7%.

Như vậy, ước tính GDP thiếu cập nhật của Bộ Tài chính đã làm cho công chúng có phần nghi ngại về tính chính xác của số liệu thâm hụt NSNN và qua đó hiểu không đầy đủ về áp lực của thâm hụt NSNN đến nợ công. Nhìn chung với cách tính khác nhau, số liệu thâm hụt NSNN theo công bố của Tổng cục Thống kê luôn cao hơn xấp xỉ 0,4%GDP so với mức thâm hụt theo công bố của Bộ Tài chính.

Dự báo thâm hụt NSNN trong năm 2016 sẽ làm tăng nợ công thêm khoảng 2,1%GDP. Tổng nợ công trong năm 2016 ước tính tương đương 64,3%GDP, gần chạm tới ngưỡng trần nợ công (65%).

Năm 2016 sẽ là thời điểm nhạy cảm của nợ công khi đây là năm mở đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 và nợ công theo ước tính sẽ tiếp cận sát mức trần nợ công 65%GDP.

BVSC đánh giá, ràng buộc này sẽ khiến Chính phủ không còn nhiều dư địa để tiếp tục đẩy tỷ lệ nợ công/GDP lên mức cao hơn trong những năm sau đó, gây áp lực lớn trong việc hoạch định các nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng giai đoạn 2017-2020.

Áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 được giả định hoàn toàn đến từ vay nợ trực tiếp của Chính phủ. BVSC cho rằng, giả định này là có cở sở khi Chính phủ vẫn duy trì một mức huy động cao trên thị trường trái phiếu ở mức 220.000 tỷ đồng trong năm 2016 và có kế hoạch phát hành thêm 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ và vay thêm cũng trong năm nay.

Để kiểm soát nợ công, Chính phủ phải giảm chi tiêu  ảnh 1
"Theo kịch bản này, vay nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ tăng ròng thêm 2%GDP trong năm 2016, đẩy vay nợ trực tiếp của Chính phủ lên 52,3%GDP. Vay nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ tăng mạnh trong năm 2016, sau đó tăng dần đều và chạm ngưỡng 55%GDP trong năm 2019. Theo kịch bản cơ sở này, tổng nợ công sẽ chạm trần 65% ngay trong năm 2017" - báo cáo của BVSC cho biết.

Theo phân tích của BVSC, nếu kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế được thực hiện thành công trong năm 2016, mức may nợ nước ngoài sẽ được đẩy lên mức cao, chiếm 26%GDP, xấp xỉ mức vay nợ trong nước (26,3%GDP). Trong điều kiện thuận lợi, Chính phủ có thể tiếp tục đẩy mạnh vay nợ nước ngoài trong những năm sau đó, khiến vay nợ nước ngoài chạm ngưỡng hạn mức trần trong năm 2019, ở mức 27,5%GDP (không quá 50% nợ trực tiếp của Chính phủ).

Kiểm soát chi thường xuyên còn lỏng lẻo

Để có thể kiểm soát nợ công trong khi vẫn thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng 6,5%-7% trong giai đoạn 2016-2020, BVSC cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường kỷ luật tài khóa, gia tăng công tác quản lý và kiểm soát đối với các khoản chi từ NSNN.

Theo đó, Chính phủ sẽ khó có thể tiếp tục gia tăng tỷ lệ huy động/GDP cho ngân sách nhà nước, do tỷ lệ này đang ở mức cao và đã gia tăng mạnh trong mấy năm vừa qua. Giải pháp chính giúp kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công trong thời gian tới đó là kiểm soát chi.

Thực tế là tỷ trọng chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước đang ở mức rất cao, chiếm đến 82% tổng chi trong năm 2015, tăng mạnh so với tỷ lệ 69% trong năm 2010. Điều này phản ánh thực tế là công tác kiểm soát chi thường xuyên còn lỏng lẻo, khiến số liệu quyết toán ngân sách thường cao hơn nhiều so với số liệu dự toán.

Bên cạnh đó, nhiều khoản chi còn mang tính cấp phát, không có nghĩa vụ hoàn trả, hay chi phí sử dụng vốn thấp đã khiến đối tượng hưởng thụ không có động lực để sử dụng vốn một cách có hiệu quả nhất, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Việc tăng lãi suất cho các khoản vay từ ngân sách nhà nước sẽ là một giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công có thể là một giải pháp cần đẩy mạnh hơn nữa khi nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách có thể bị hạn chế từ năm 2017 (do tỷ lệ nợ công đã tiến sát trần).

Bên cạnh đó, theo BVSC, Chính phủ nên đẩy mạnh vay nợ trực tiếp, thu hẹp các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và các khoản vay của Chính quyền địa phương. Việc này giúp công tác quản lý nợ công mang tính tập trung và hiệu quả hơn, tránh hiện tượng tự phát hoặc “lách rào” của các địa phương. Tái cơ cấu lại các khoản nợ và tạo lực cầu mới cho kênh trái phiếu để giảm chi phí lãi vay.

Trong thời gian tới, việc đảm bảo duy trì tỷ trọng của kênh ODA, giãn lộ trình phát hành đồng thời tạo thêm lực cầu mới cho kênh trái phiếu Chính phủ và tập trung cho các kỳ hạn dài (đặc biệt là việc xem xét cho phép thành lập và vận hành các quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện) sẽ giúp giảm bớt áp lực cho mặt bằng lãi suất cũng như chi phí lãi vay hàng năm.

Tin bài liên quan