Đầu tư 272 tỷ đồng nâng cấp luồng tàu vào cảng Nghi Sơn theo hình thức PPP

Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp luồng tàu vào cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức PPP, loại hợp đồng BLT.

Dự án có mục tiêu nâng cấp tuyến luồng vào khu bến cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đáp ứng tàu có trọng tải từ 30.000 DWT đầy tải và các tàu lớn hơn giảm tải, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các bến hiện hữu, khu bến số 5&6, bến tổng hợp Gang thép Nghi Sơn và các khu bến khác đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện, nâng cao năng lực phục vụ chung cho tuyến luồng Nghi Sơn, phục vụ phát triển khu kinh tế Nghi Sơn; từng bước đáp ứng quy hoạch cảng biển Việt Nam.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư nạo vét cơ bản và thực hiện công tác nạo vét duy tu luồng vũng quay và luồng tàu dùng chung theo quy mô được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 2.305.823m3.

Để hoàn vốn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thanh toán cho nhà đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trên cơ sở cân đối thu, chi từ nguồn thu phí bảo đảm hàng hải hàng năm và theo quy định tại hợp đồng dự án.

Đầu tư 272 tỷ đồng nâng cấp luồng tàu vào cảng Nghi Sơn theo hình thức PPP ảnh 1

 Lượng hàng qua cảng Nghi Sơn liên tục có mức tăng trưởng cao, trung bình đạt 20%/năm cho khu cảng Nghi Sơn.

Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến 272,86 tỷ đồng, trong đó vốn góp của doanh nghiệp cảng là 20%, tương ứng 54,57 tỷ đồng; vốn thực hiện theo Hợp đồng BLT là  80%, tương ứng là 218,29 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2017÷2023; nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ với thời hạn 5 năm; thời gian thi công nạo vét là 120 ngày.

“Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trước khi tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Bộ Giao thông vận tải  cũng đề nghị Thủ tướng giao bộ này chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính tính toán cân đối nguồn vốn từ nguồn thu phí bảo đảm hàng hải hàng năm và hoàn tất các thủ tục cần thiết về vốn theo quy định để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BLT.

Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các bên của cảng biển Nghi Sơn đã bám sát quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 2 và Quy hoạch chi tiết cảng biển Nghi Sơn - Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hiện tại, tuyến luồng dùng chung mới được đầu tư đáp ứng nhu cầu khai thác đến bến số 5, khu bến tổng hợp 1 của công ty Cổ phần Khoáng sản Đại Dương mà chưa được đầu tư đến khu bến tổng hợp 2 (hoàn thành xây dựng xong 3 bến trong năm 2017); khu vực quay trở chung trước bến số 4&5 - Khu bến tổng hợp chưa được đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt, hiện tại có bán kính nhỏ hạn chế khi quay trở và ảnh hưởng tới các tàu làm hàng trước bến số 4, bến số 5.

Do vậy, bến số 6 và 3 bến tổng hợp Gang thép Nghi Sơn đã được đầu tư xây dựng cho tàu tổng hợp 30.000 DWT đầy tải và các tàu lớn hơn giảm tải chưa thể tiến hành khai thác do chưa có luồng tàu, từ đó sẽ ảnh hưởng việc đầu tư phát triển khu bến cảng Nam Nghi Sơn theo quy hoạch được duyệt.

Trong khi đó, lượng hàng qua cảng Nghi Sơn liên tục có mức tăng trưởng cao, trung bình đạt 20%/năm cho khu cảng Nghi Sơn, riêng khu bến tổng hợp Nam Nghi Sơn (bao gồm: các khu bến chuyên dùng phía Bắc, bến nhà máy nhiệt điện phía Nam và khu bến tổng hợp) đạt 24%/năm, chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng qua cảng Nghi Sơn.

Đặc biệt, sau khi tổ hợp bến (các bến số 3, số 4, số 5) của Công ty CP Khoáng sản Đại Dương và các bến của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn, bến số 6 của Công ty CP xi măng Công Thanh đồng thời đi vào hoạt động thì tốc độ tăng trưởng về lượng hàng, lượt tàu thông qua cụm cảng Nghi Sơn sẽ là rất cao.

Tin bài liên quan